Bị chó dại cắn, vẫn không tiêm vắc-xin phòng

22/07/2014 - 06:54

PNO - PN - Đã có 38 người ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên bị chó cắn, trong đó nhiều trường hợp bị chó dại cắn. Có một gia đình chín người bị chó dại cắn, một người đã tử vong, tám người còn lại dương tính với vi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chín người trong gia đình bị chó dại cắn

Từ ngày 2 - 20/6, chín người trong gia đình ông Phạm Xuân Trường ở thôn Tất Viên, xã Thủ Sỹ bị chó dại cắn. Con chó này còn cắn một người hàng xóm của ông Trường.

Theo ông Trường, ngày 2/6, vợ ông là bà Bùi Thị Đặng (78 tuổi) đang quét nhà thì con chó theo sau, cắn vào chân bà tứa máu. Tối hôm đó, vợ chồng người con thứ hai của ông Trường là anh Phạm Văn Vui (35 tuổi) và chị Phạm Thị Nìu (33 tuổi) cũng bị chó cắn vào chân. Hôm sau, ba người cháu trai ông Trường đang đá bóng ở sân thì cũng bị con chó này cắn. Khi xích chó, ông Trường bị chó cắn vào chân. Ngoài ra, hai cháu gái ông Trường, đứa lớn 16 tuổi, đứa nhỏ bốn tuổi thường ngày hay đùa nghịch với chú chó cũng bị cắn cào làm xước da.

Ngày thứ năm sau khi bị chó cắn, vợ ông Trường có biểu hiện phát mệt mỏi, hay nấc, nói lảm nhảm. Gia đình đưa bà Đặng đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Kiểm tra lâm sàng và xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận bệnh nhân nhiễm vi rút dại, đã ở thời kỳ toàn phát, không thể cứu chữa. Sáng 9/7, bà Đặng qua đời. Tám người còn lại trong gia đình đến bệnh viện xét nghiệm. Kết quả, tất cả đều dương tính với vi rút dại. Được tiêm vắc xin phòng chống, đến nay, tình trạng sức khỏe của những người này ổn định.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ, ông Lương Công Đậu, Chủ tịch UBND xã Thủ Sỹ lo lắng, bệnh dại đang bùng phát ở địa phương này. Theo đó, tính đến ngày 18/7, toàn xã đã phát hiện 38 trường hợp bị chó cắn, trong đó nhiều trường hợp bị chó dại tấn công.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn số 1016/UBND-KT2, chỉ đạo UBND huyện Tiên Lữ phối hợp với UBND xã Thủ Sỹ thực hiện nhanh, quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh dại. Ông Đậu cho biết thêm, xã đã lập hai chốt kiểm dịch tại hai đầu đường dẫn vào trung tâm xã, không cho vận chuyển chó mèo trên địa bàn.

Toàn xã Thủ Sỹ có khoảng 1.700 hộ gia đình nuôi chó, mèo với khoảng 3.400 con. Ngày 13/7, địa phương đã tổ chức tiêm 989 liều vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo ở hai thôn Tất Viên và Nội Lăng, cấp 36 lít thuốc khử trùng. Đáng lo ngại là ở Thủ Sỹ, nhiều người bị chó dại cắn vẫn thờ ơ với mạng sống của mình. “Có bảy người trong số bị chó cắn không chịu đi tiêm vắc-xin phòng chống bệnh dại. Chúng tôi đã ra sức tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh dại, nhưng họ không thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục để họ đi tiêm phòng”, ông Đậu nói.

Bi cho dai can, van khong tiem vac-xin phong

Chốt kiểm dịch xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ

Chờ lên cơn thì không thể cứu

Trước tình hình bệnh dại bùng phát ở một số tỉnh phía Bắc, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản về “Tăng cường phòng chống bệnh dại trên người” đến các cơ sở y tế. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng TP phải trao đổi thông tin, phối hợp với Chi cục Thú y trong công tác giám sát và xử lý ổ dịch dại; phối hợp với các trung tâm y tế dự phòng quận/huyện thiết lập các điểm tiêm phòng bệnh dại. Sở cũng yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân dại, nghi dại.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận có hai bệnh nhân nam (Ng.V.H. và L.V.H., cùng ngụ ở Định Quán, tỉnh Đồng Nai) mắc bệnh dại sau khi bị chó cắn, người nhà đành xin về vì bệnh đã khởi phát. Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khuyến cáo: Bệnh dại không điều trị được nhưng có vắc-xin và huyết thanh phòng ngừa. Thế nhưng, hầu hết các trường hợp bị chó dại cắn chỉ nhập viện khi đã lên cơn nên không thể điều trị được và 100% trường hợp tử vong sau 48 giờ. Nguyên nhân do người bệnh chủ quan theo dõi chó có chết hay không mới đi tiêm chủng (thông thường chó mắc bệnh dại tử vong trong vòng mười ngày). Sau khi bị chó dại hoặc nghi dại cắn hay chỉ bị cào nhẹ cũng phải đi tiêm ngừa ngay. Với những người bị chó dại cắn nhưng chưa lên cơn thì sẽ được chích năm mũi trong vòng một tháng và kèm theo đó là truyền huyết thanh kháng bệnh dại. Giá vắc-xin ngừa bệnh dại hiện nay là 178.000đ/mũi và giá huyết thanh là 300.000 - 510.000đ/lọ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường cảnh báo: Không như nhiều bệnh khác, thời gian ủ bệnh dại thường kéo dài, trung bình 30 - 90 ngày sau khi bị chó dại cắn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sau mười mấy năm bệnh dại mới bùng phát, đến nỗi người bệnh cũng không nhớ bị nhiễm bệnh lúc nào. Bệnh dại khởi phát sớm hay trễ còn phụ thuộc vào vị trí cắn như: vết thương gần hay xa thần kinh trung ương, cắn nhiều hay ít ngay tại một vị trí bị cắn. Khi lên cơn, người bệnh thường có biểu hiện như: hốt hoảng, lo lắng, kích thích quá độ và sợ nước, sợ gió.

Không chỉ bị chó cắn mà ăn thịt chó cũng có thể bị bệnh dại. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM), đã có trường hợp mắc bệnh dại sau khi ăn tiết canh chó.

 Lưu Ký - Thanh Toàn 

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các quận huyện đẩy mạnh công tác tiêm phòng bắt buộc cho đàn chó mèo, nhất là tại các huyện ngoại thành và khu vực giáp ranh với các tỉnh, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó mèo đạt trên 80% tổng đàn; xử lý đối với các trường hợp nuôi chó mèo thả chạy rông ngoài đường, nơi công cộng, không thực hiện tiêm phòng bệnh dại, đồng thời xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao phối hợp với UBND quận huyện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình nuôi chó mèo trên địa bàn; tổ chức bắt giữ, xử lý đối với các trường hợp chó mèo thả rông ngoài đường và nơi công cộng không đúng quy định.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI