Bệnh nhân bị viêm ruột thừa, chẩn đoán thành viêm dạ dày?

12/12/2015 - 09:15

PNO - Xin hỏi BV Vạn Hạnh, khi BV chẩn đoán tôi bị “viêm dạ dày”, nhưng tôi lại bị “viêm ruột thừa” nếu không kịp cấp cứu, tính mạng tôi ra sao?

Ngày 9/12/2015, báo Phụ Nữ đăng bài “Thẩm mỹ viện Sài Gòn Venus và Bệnh viện Vạn Hạnh - Bỏ bê khách hàng sau khi phẫu thuật hỏng?”. Câu chuyện về người phụ nữ bị “hư ngực” khi tin tưởng tìm đến Bệnh viện Đa khoa (BV ĐK) Vạn Hạnh (đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM) đã khơi lại nỗi đau mà tôi từng chịu đựng khi bị BV này chẩn đoán nhầm vào cuối tháng 9/2015 vừa qua.

Benh nhan bi viem ruot thua, chan doan thanh viem da day?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Sau một tuần bụng đau âm ỉ, chiều 29/9/2015, thấy cơn đau ngày một nhói hơn ở khắp vùng bụng, tôi đã đến Khoa Cấp cứu BV ĐK Vạn Hạnh khám. Đây là BV nơi tôi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.

Tại phòng cấp cứu, sau khi nghe tôi báo tình trạng bệnh, các bác sĩ (BS), điều dưỡng tỏ ra thờ ơ, bảo tôi ngồi ghế chờ vì phòng khám không còn giường. Tôi ngồi ôm bụng chờ đến khoảng 30 phút thì được một y tá sắp cho tôi giường bệnh.

Một BS đến khám, rồi cho y tá truyền nước biển, khoảng 30 phút sau mới đưa đi siêu âm, thử máu. Sau đó, tôi được đưa trở lại phòng cấp cứu nằm chờ. Đến khoảng 18g, khi vào hết chai nước biển, tôi vẫn không thấy khá hơn so với lúc mới nhập cấp cứu. BS bảo tôi bị viêm dạ dày cấp, cho toa thuốc, hẹn hai ngày sau đến tái khám, làm nội soi dạ dày.

Dù cơn đau bụng âm ỉ không có dấu hiệu thuyên giảm khiến suốt đêm không ngủ được, nhưng tôi vẫn tin tưởng vào chẩn đoán của BV. Sáng hôm sau, tôi uống thuốc và đi công tác ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi xe vừa ra khỏi cao tốc Long Thành - Dầu Giây, bụng tôi bỗng đau nhiều hơn, đặc biệt ở vùng bụng bên phải, chân tê buốt, người toát mồ hôi, tay chân lạnh run cầm cập.

Sau khi gắng gượng giải quyết một số việc, tôi đến Trung tâm Y tế dự phòng Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi thăm khám, siêu âm, nghi ngờ tôi bị viêm ruột thừa, nên Trung tâm cấp tốc bảo tôi qua BV ĐK Vũng Tàu.

Tại đây, các BS trực cấp cứu chẩn đoán tôi bị viêm ruột thừa cấp, phải mổ ngay. Do không có người đi cùng để ký tên trước khi mổ, tôi xin về TP.HCM. Các BS khẳng định, BV có đủ điều kiện để mổ, nếu bệnh nhân muốn đi thì viết cam kết. Tôi quyết định về TP.HCM mổ, một mình đi trong xe cứu thương “dù” trong tình trạng lo sợ “ruột thừa có thể vỡ bất cứ lúc nào”.

Sau gần hai tiếng nằm trên xe, tôi được cấp cứu tại BV Bình Dân. Sau các xét nghiệm, BS kết luận tôi bị viêm ruột thừa - viêm phúc mạc do ruột thừa đã bị hoại tử (trường hợp viêm ruột thừa nặng, dễ biến chứng do phát hiện trễ).

Các BS giải thích, việc mổ ruột thừa là phẫu thuật đơn giản, ít biến chứng nhưng do tôi bị cộng thêm viêm phúc mạc, nên phải mổ hở trong bốn tiếng. Sau mổ, tôi phải đeo hai ống dẫn lưu dịch dưới bụng. Một ngày sau phẫu thuật, tôi phải cấp cứu trở lại do “liệt ruột” vì BS cho biết, thành phúc mạc bị viêm nên phải súc rửa nhiều. Vì cấp cứu lần hai nên tôi rất yếu, dịch bụng ra nhiều, phải đến 11 ngày chịu đựng những cơn đau, tôi mới được cho xuất viện.

Xin hỏi BV Vạn Hạnh, khi BV chẩn đoán tôi bị “viêm dạ dày”, nhưng tôi lại bị “viêm ruột thừa” nặng, nếu hôm sau tôi đi công tác, ruột thừa bị vỡ... không kịp cấp cứu, tính mạng tôi ra sao?

An Nhiên  (Q.12, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI