Bé Quy 'không gia đình'

02/07/2015 - 07:38

PNO - PN - Một đứa bé 5 tuổi trôi dạt đến cổng chùa do người mẹ không có khả năng nuôi dưỡng. Khi trao bé, bà nhận của chùa 10 triệu đồng hỗ trợ khó khăn và làm giấy cho con nuôi. Sau 5 năm, người mẹ này đến cổng chùa xin đón con...

edf40wrjww2tblPage:Content

Be Quy 'khong gia dinh'

 Khó khăn, mẹ cho con, nhận 10 triệu đồng

Vì gia cảnh, năm tuổi, cu Quy - tên thường gọi của bé Phạm Khánh Phương (SN 2005), ngụ xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bị mẹ là Phạm Thị Ơn (SN 1967) mang ra UBND xã làm giấy tờ cho ông Trần Văn Hòa (SN 1968) - trụ trì Đa Bảo Tịnh Viện, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM làm con nuôi. Sau khi hoàn tất giấy tờ, ông Hòa đã đưa bà Ơn tổng cộng 10 triệu đồng hỗ trợ khó khăn. Xa rời mái ấm gia đình, nuốt nước mắt, cu Quy lên xe và bắt đầu cuộc sống mới tại Đa Bảo Tịnh Viện (283B Nguyễn Kim Cương, ấp 7, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Ngày mới về, thầy Hòa và các sư cô tất tả chạy mua thuốc chữa trị con mắt bầm đen và những vết bầm tím, lở loét ở mông bé Quy, mà theo lời bé là do bị dượng dùng tàn thuốc chích vào, bị đánh. Về chùa, cu Quy được đi học, được dạy dỗ lễ phép, năm học nào cũng được nhận giấy khen. Hết hè này, nó sẽ vào lớp 5 với bao niềm vui và háo hức. Quy hào hứng kể: “Đều đặn mỗi ngày cứ 6g15 tụi con ra trước chùa có xe đón đi học, 11 giờ trưa thì về, ăn cơm xong đi ngủ, chiều chạy xe lòng vòng trong chùa chơi rồi các sư cô dạy học tiếng Anh, dạy làm toán. Đứa nào học ngoan được thưởng kẹo, bánh, kem chuối. Năm nào, chùa cũng cho tụi con đi biển, đi du lịch, vui lắm. Cuối tuần này, sư cô sẽ dẫn tụi con đi xem xiếc”.

Cầm xấp giấy tờ, thầy Trần Văn Hòa kể lại: “Câu chuyện để chúng tôi nhận nuôi cu Quy rất buồn. Cuối năm 2010, do quen biết với tôi nên bà Nguyễn Thị Hoa (quê tỉnh Vĩnh Long) có đến chùa nhờ cưu mang một chú bé gọi là Quy vì gia cảnh khó khăn, cha bỏ đi, mẹ không có việc làm ổn định. Chùa mới thành lập, rất khó khăn, nhưng thấy hoàn cảnh đáng thương của cháu Quy, hơn nữa đứa bé có dấu hiệu bị bạo hành khi mắt phải bầm tím, mông cũng có vết bầm nên chúng tôi quyết định nhận nuôi.

Được khoảng một tháng thì bà Hoa lại chạy lên chùa kêu cứu và cho biết mẹ cu Quy đòi bắt bé về để cho một gia đình ở Đồng Nai với giá 20 triệu đồng. Sau đó hai-ba ngày, bà Ơn - mẹ cu Quy gọi điện thoại cho tôi nói bà đang khó khăn, lại mang bệnh nên muốn cho bé Quy để lấy 20 triệu đồng. Tôi đã giảng giải cho bà Ơn về đạo làm người, làm mẹ nhưng bà Ơn cho biết sẽ bắt con về. Lúc này, chị Trần Thị Xuân Mai - Phật tử đến thăm chùa tình cờ biết được câu chuyện, chị ấy hỏi bà Ơn nếu để bé ở chùa nuôi thì thế nào và bà Ơn đồng ý với điều kiện nhà chùa phải đưa bà 10 triệu đồng gọi là tiền hỗ trợ”.

Ngày 11/11/2010, chị Mai cùng thầy Hòa, sư cô Lê Thụy Anh xuống tận UBND xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long để làm thủ tục nhận con nuôi với sự chứng kiến của cán bộ xã Hiếu Thuận. Hồ sơ không có xác nhận của UBND xã, bao gồm biên bản giao nhận con nuôi và một số giấy tờ khác như đơn giao quyền nuôi con nuôi, tờ thỏa thuận giữa thầy Hòa và bà Ơn. Trong đó, có hai tờ giấy nhận tiền viết tay xác nhận việc bà Ơn nhận tiền của thầy Hòa khi trao con nuôi, lần một vào ngày 11/11/2010 với số tiền năm triệu đồng, lần hai ngày 22/4/2011 với số tiền năm triệu còn lại.

Chúng tôi tìm gặp chị Mai để xác minh vụ việc, chị cho biết: “Ngày tôi gặp bé Quy trông nó rất tội nghiệp, mắt và mông nó bị bầm đen và chi chít vết lở loét. Đích thân tôi khi nghe vụ việc, trao đổi với bà Ơn, biết chùa không có tiền nên tôi quay về công ty quyên góp bạn bè và cùng thầy Hòa xuống tận Vĩnh Long để trao tiền cho bà Ơn. Tôi trao tiền xong rất buồn và nói với bà Ơn một câu: là mẹ thì không ai làm như vậy”.

Be Quy 'khong gia dinh'

Bé Quy mặc áo nâu sồng bên các bạn

Đòi con

“Cho con xong, mỗi năm một-hai lần bà Ơn ghé chùa thăm con, ngoài bà Ơn còn có chị của bé Quy cũng vài lần ghé thăm và cho quà bánh. Cuộc sống của bé Quy đang êm đềm thì ngày 15/6/2015, bà Nguyễn Thị Hoa cùng gia đình bà Ơn đến chùa và đòi rước bé Quy về với lý do người của nhà chùa đánh đập bé khiến gia đình xót ruột. Không chấp nhận lý do này, thầy Hòa yêu cầu bà Hoa ngồi nói chuyện rõ ràng, thế nhưng bà Hoa vẫn kéo bé Quy ra khỏi chùa dù bé không muốn đi. Vụ việc được công an xã đến tận chùa hòa giải. Bé Quy tiếp tục ở lại chùa. Ngày 19/6/2015, gia đình bà Ơn lại đến chùa yêu cầu rước bé Quy về nhà, họ cho biết sẽ trả 30 triệu đồng gồm 10 triệu lúc trước thầy Hòa đưa và 20 triệu để hỗ trợ các bé khác ăn học. Vì bức xúc với thái độ khó coi của gia đình bà Ơn nên chùa không giao bé”, sư cô Lê Thụy Anh cho biết.

Vụ việc được gia đình bà Ơn gửi đơn đến UBND xã Tân Thạnh Đông và ngày 26/6, bà Lê Thị Mai - Phó chủ tịch UBND xã này đã có buổi làm việc với hai bên. Trong biên bản làm việc, thầy Hòa cho biết: 5 năm nuôi cháu, bé được ăn học đàng hoàng, nay bà Ơn muốn rước về phải chứng minh đủ điều kiện nuôi dưỡng để cháu tiếp tục ăn học. Riêng bà Ơn cũng khẳng định bà sẽ về quê hoàn tất giấy tờ để chứng minh đủ điều kiện để rước con về. Vụ việc được UBND xã tạm khép lại chờ đến ngày bà Ơn chứng minh các điều kiện.

Vì sao thầy Hòa lại đắn đo, lo lắng khi mẹ ruột cu Quy xin đón cháu về? Lý giải việc này, thầy Hòa cho biết: “5 năm gắn bó với cháu, chúng tôi xem nó như con ruột, dưỡng dục đàng hoàng. Chúng tôi không giành giật con với bà Ơn nhưng giao con cho bà ấy chúng tôi rất lo, bởi bà từng có ý định cho con để lấy 20 triệu đồng. Nếu đón con về, liệu bà có chăm sóc, có cho bé ăn học đàng hoàng, có buộc bé đi lao động sớm… Tâm lý đứa trẻ sẽ ra sao khi xa bạn bè, trường lớp đột ngột như thế, rồi chính quyền, đoàn thể nơi bà sinh sống có thể giám sát được không. Chưa kể, còn quyền quyết định của đứa bé, nó không muốn về với mẹ ruột thì sao…”.

“Con muốn ở lại chùa”

Mang theo xấp giấy tờ đến UBND xã Tân Thạnh Đông chiều 30/6 để chứng minh cho thầy Hòa về khả năng nuôi dưỡng cu Quy và đón cháu về, bà Ơn buồn bã nói: “Đúng là khi sinh con ra, tôi khó khăn nhiều lắm do vợ chồng bất hòa, ly thân, tôi lại không có việc làm ổn định nên cu Quy được dì Tám (tức bà Nguyễn Thị Hoa - PV) nhà gần bên cưu mang. Đến lúc khó khăn quá thì thông qua dì Tám, cu Quy được thầy Hòa nhận về nuôi và tôi có nhận 10 triệu đồng hỗ trợ khó khăn của chùa. Tôi không có ý định bán con hay gì hết, chỉ nghĩ là gửi con cho chùa, sau này cuộc sống ổn định sẽ đón cháu về. Thỉnh thoảng một-hai tháng, tôi và chị nó vẫn lên thăm, mua quà bánh”.

Mang cho chúng tôi xem đơn xác nhận của chính quyền xã Hiếu Thuận về hoàn cảnh gia đình, nơi ở, công ăn việc làm ổn định và tờ cam kết sẽ nuôi dưỡng cu Quy tử tế khi đón về nhà, bà Ơn lý giải: “Cuộc sống hiện tại của tôi đã ổn định, tôi đi rửa chén, nấu cơm cho tiệm cơm gần nhà với mức lương bốn triệu đồng/tháng, ba nó cũng quay về nên tôi mong muốn rước con về để đoàn tụ”.

Ngồi gần đó, Trương Thị Mỹ Châu (SN 1990) - chị gái cùng mẹ khác cha với cu Quy, thêm vào: “Em đi làm mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng, đủ lo cho em trai ăn học đàng hoàng”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa - người trực tiếp đến gửi cu Quy cho chùa, cho biết: “Việc bà Ơn nói sẽ cho cu Quy để có 20 triệu đồng thì tôi chỉ nghe nói chứ không thấy gì. Tôi muốn thằng bé trở thành một người tốt, được dạy dỗ nên khi gia đình nó khó khăn tôi mạnh dạn gửi nhà chùa, nay nếu gia đình có điều kiện, nhà chùa nên hoan hỷ cho đón cháu về”.

Việc bà Ơn buộc ông Hòa giao đứa con cho bà hoàn toàn có cơ sở pháp lý, nhưng buổi hòa giải chiều 30/6 tại UBND xã Tân Thạnh Đông đã khép lại theo nguyện vọng của cu Quy: “Con muốn ở lại chùa với các bạn”. Giờ thì dẫu có thắng trong cuộc chiến pháp lý thì bà Ơn vẫn là người thua cuộc. Bà ra về mà lòng buồn rười rượi bởi đã không thể thuyết phục được con trai về với gia đình.

Cu Quy cũng ra về, tung tẩy trong chiếc áo nâu sồng, không ngoái theo mẹ. Có lẽ, giây phút này giống như 5 năm trước, hai mẹ con họ ngồi tại UBND xã Hiếu Thuận, mẹ nó nhận tiền rồi bỏ về còn nó thì tiu nghỉu leo lên chiếc xe 16 chỗ về chốn xa lạ. Cuộc ngã giá và cái ngày định mệnh 5 năm trước đã khiến cu Quy, dù có nhận được sự cưu mang của người tốt, vẫn là đứa trẻ không gia đình.

 HỒNG NGUYÊN - HIỀN DUNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI