Bảo vệ trẻ em - trách nhiệm không của riêng ai

15/06/2014 - 15:06

PNO - PN - Ngày 11/6, Hội LHPN Q.6, TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Phòng chống bạo lực, tai nạn thương tích cho trẻ”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tham gia tọa đàm, chị Nguyễn Thị Thúy Nhung - Chủ tịch Hội PN P.6, Q.6 kể một câu chuyện đau lòng xảy ra tại KP.4, P.6. Do người mẹ bất cẩn, đứa bé ba tuổi té vào nồi cháo vừa nấu xong, để trên nền nhà. Đứa bé phỏng nặng và qua đời sau hai ngày điều trị. Chị Nhung trải lòng: “Phòng tai nạn cho trẻ đâu có gì xa xôi. Dây điện, thùng nước, cháo nóng, nước sôi... nhà nào cũng có. Chỉ cần người lớn quan tâm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình là có thể tránh được nguy hiểm cho trẻ. Đã có biết bao câu chuyện xảy ra do sự bất cẩn của người lớn”.

Khi cha mẹ ly hôn, việc quan tâm con cái sẽ giúp con tránh được tâm lý hụt hẫng, dẫn đến bỏ học hoặc sa vào tệ nạn xã hội.

Kể lại chính câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Kim Phương - Hội PN P.12 cho biết: “Vợ chồng tôi mỗi lần có chuyện bất hòa đều “xả” bên ngoài, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến con cái. Với các con, chúng tôi luôn là cha mẹ mẫu mực. Vì vậy, khi chúng tôi đưa đơn ly hôn, các con hết sức bất ngờ. Sau đó, chúng tôi vẫn làm tròn trách nhiệm với con, cùng nuôi dạy con. Nay, con gái tôi đã lập gia đình, con trai chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ. Theo tôi, trách nhiệm của người mẹ trong việc giáo dục con cái rất quan trọng. Dù “mái ấm” bị khiếm khuyết nhưng người phụ nữ biết dàn xếp thì vẫn có thể hỗ trợ cho các con”.

Chị Nguyễn Thị Kim Hồng - thành viên CLB Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội P.7 bày tỏ: “Trẻ từ 9-15 tuổi cần được tuyên truyền, cung cấp nhiều thông tin để các em biết tự bảo vệ mình, biết mình cần phải cầu cứu ai khi gặp các “sự cố”. Thế nhưng, mảng truyền thông cho trẻ hiện nay dường như đang bị bỏ trống. Nếu như trước đây các ban ngành thường phối hợp tuyên truyền thì nay chỉ còn mỗi Hội PN “độc diễn”. Các hội nghị liên quan đến nội dung này chưa thật sự thu hút người dân, chưa mời trẻ cùng tham gia để các em nói lên suy nghĩ của mình…”.

Bao ve tre em - trach nhiem khong cua rieng ai

Lớp võ tự vệ của Hội PN P.9, Q.6 là một trong những giải pháp giúp trẻ em gái tự bảo vệ mình

Không chỉ phải tạo được môi trường phù hợp với trẻ, mà việc định hướng, bảo vệ trẻ trước những yếu tố xấu cũng cần phải có sự hỗ trợ của toàn xã hội. Công tác quản lý, định hướng và tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, bổ ích cho trẻ trong cuộc sống, trước mắt trong những tháng nghỉ hè là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Hiện, nhiều cơ sở Hội tại Q.6 đang triển khai các lớp hè miễn phí cho trẻ từ 16 tuổi trở xuống như học nấu ăn, học kỹ năng sống… Chị Lê Thị Kim Thủy - Chủ tịch Hội PN P.9, đơn vị vừa khai giảng lớp dạy võ tự vệ hồi đầu tháng Sáu này cho biết: “Lớp học nhằm giúp trẻ em rèn luyện thể lực, tự vệ. Chúng tôi còn lồng ghép giáo dục giới tính cho các em”.

Theo luật gia Nguyễn Thị Dợn - Phó chủ nhiệm Hội Luật gia Q.6, ngoài chú trọng vận động các nguồn lực trong nhân dân để đóng góp vào các hoạt động thiết thực cho trẻ em, cần phải đề cao vai trò, sự quan tâm của gia đình, các bậc cha mẹ, ông bà trong việc hướng dẫn, giáo dục con em phòng tránh các nguy cơ tai nạn trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, phải chủ động hơn nữa trong các hoạt động định hướng và tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhỏ, huấn luyện các kỹ năng về bơi lội, về phòng tránh tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại…

Bà Nguyễn Huỳnh Như Oanh - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Q.6 cho biết: “Hiện nay, 14 phường đều có các địa chỉ tin cậy cộng đồng. Nếu người dân phát hiện trường hợp bạo hành gia đình, hoặc bản thân là nạn nhân trực tiếp của bạo lực, có thể đến các điểm tin cậy cộng đồng hoặc liên hệ với Hội PN, công an gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời”.

 Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI