Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - người vẽ lá thường xuân

16/02/2015 - 08:17

PNO - PN - Như bao nhiêu năm nay, bóng ông đã khuất sau hành lang mà cả trăm con mắt vẫn dõi về hướng ấy như thể níu lấy một niềm tin, một sự sống mà ông, bao giờ cũng chân tình, cũng lạc quan truyền trao cho họ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Buổi sáng Chủ nhật đẹp trời, chúng tôi bắt tay vào quy trình báo (phát hành ngày thứ Hai). Một cộng sự của tôi nhẹ nhàng đẩy cửa phòng, tôi cứ tưởng hội ý đề tài chớp nhoáng nhưng không phải là tiếng nói liến thoắng mọi ngày, tôi nghe tiếng kêu khẽ khàng “chị ơi...” rồi nín bặt. “Chị chia buồn với em đi, em bị ung thư rồi”. Câu nói nhẹ bâng ấy ném cả hai chúng tôi vào sự im lặng buốt giá. “Em phải về với con trai em đây, em bàn giao quy trình chị nhé!”. Cô ấy lao đi, mang theo sự hốt hoảng, ngơ ngác đang phủ lấy tôi.

Một cuộc chiến đấu thật sự trong gần một năm sau đó, không chỉ của bản thân cô ấy qua mấy chục lần vừa truyền dịch, vừa xạ trị; của chồng và con trai cô ấy cùng đại gia đình nội ngoại hai bên; và của cả tập thể tòa soạn luôn sát cánh, động viên, tin cậy. Tôi không biết làm gì hơn, ngoài việc lận mấy cuốn sách của bác Hùng vào túi xách cô ấy. Cộng sự của tôi lại khẽ khàng, em đọc cả rồi chị ơi, mẹ em ngày trước cũng là bệnh nhân của bác ấy… Mẹ vẫn khỏe cho đến giờ.

Chúng tôi tiếp tục những ngày quy trình, báo vẫn đều đặn ra sạp mỗi tuần, cô ấy và mẹ vẫn là độc giả của bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng.

Bac si Nguyen Chan Hung - nguoi ve la thuong xuan

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng - Người thầy thuốc của nhân dân

Những chuyến đi

Quán cà phê Mojo nằm bên hông khách sạn Caravelle, những bàn chân thả dọc theo đường Đồng Khởi, làm biếng thì tạt vô Mojo. Nghỉ mệt. Ngắm nghía. “Cái rẻo” của khách sạn Sheraton này hóa ra lại là điểm cà phê vỉa hè sang trọng phết. Bác sĩ (BS) Nguyễn Chấn Hùng ngồi ở góc nhỏ có cái bàn chiếc. Xung quanh, những chiếc sofa êm ái bỏ trống. Ông là thế, luôn lựa chọn một không gian vừa vặn, chật một chút cho mình, cũng không sao. Tách cà phê nóng, nụ cười hiền, ánh mắt ấm áp bảo bọc cả không gian quán nhỏ thân thuộc này. Quán xá, góc đường như thuộc về ông; cũng như cái tên ông cứ nằm sẵn đâu đó trong ý nghĩ của bao người, từ bao lâu nay mỗi khi họ cần xoa dịu nỗi đau hay bớt đi nỗi sợ hãi, hoảng hốt tột cùng khi đối diện, ám ảnh căn bệnh khó.

Đọc sách của ông, nghe ông nói chuyện, thấy cả trời bình yên, hồn hậu mà không thôi khám phá, không ngừng suy ngẫm.

Bởi để có từng trang sách giản dị, giá trị ấy; những câu chuyện, những dòng chảy của ký ức, của tình người, của tri thức; có lẽ ông là người lặng lẽ Đi - trong triết lý dấn thân rốt ráo, toàn vẹn. Thì ông chả bảo đó thôi: “Moving - moving and moving; Running - running and running… Mà sao ở tuổi bảy mươi, thấy thảnh thơi, thong dong vậy!”. Để được Đi, để Đi được, trước hết phải có đủ sức khỏe, có mục đích, không gian, địa chỉ và đặc biệt luôn có cái mà gieo rải, mà truyền thụ, mà gầy dựng, phát triển. Xin ông một cái hẹn mà mãi ông vẫn chưa… chịu về thành phố.

Ông có hai ngày giảng bài ở Cần Thơ. Anh em BS, quản lý bệnh viện (BV) ở vùng Tây Đô mơ có “cái máy vàng” xạ trị gia tốc như ở BV Ung Bướu TP.HCM, để dân đồng bằng không phải lặn lội lên tận Sài Gòn, ông nghe và nghĩ mãi. Hôm ngồi ăn cơm tối chia tay, ông nhỏ nhẹ nói thay cho lãnh đạo ngành với lãnh đạo TP. Cần Thơ về việc sắm máy xạ gia tốc. Cũng là học trò ông cả. Cái gì thì còn trù trừ, tính toán, chứ vì sức khỏe của dân thì lãnh đạo gật đầu cái rụp. Ông nói luôn, “xin đầu tư bằng ngân sách đó nghen, vụ này không xã hội hóa nha”. Chủ tịch thành phố xưa cũng học ông ở Trường Y Cần Thơ hứa chắc như đinh đóng cột là sẽ lo. Ông thầy mới yên tâm lên xe ra về.

Bac si Nguyen Chan Hung - nguoi ve la thuong xuan

Ông ân cần, tận tâm giảng giải. Người dân tin cậy, chăm chú lắng nghe

Xe chưa về Sài Gòn, xe quành qua Đồng Tháp. Đang mùa nước nổi, ông chạy thẳng về những cánh đồng ở Hồng Ngự. Cũng như mọi lần, về Hậu Giang, ngang Trà Vinh, xuống Cà Mau, lặn lội tận Năm Căn… anh em BS khắp nơi tập hợp về để nghe thầy Hùng giảng bài, tập huấn. Trò cũ, trò mới, đủ cả. Có hôm, thầy đang giảng, ngó xuống cái chỗ trống, có một học trò xin ra ngoài. Ông - học - trò gần sáu mươi tuổi rồi, ngồi lâu, mỏi gân cốt, mắt mờ, nên phải ra ngoài hít thở, vặn mình. Thầy tủm tỉm, thương không hết ông - học - trò năm nào, mấy mươi năm rồi vẫn lặn lội xách tập đi học, cốt chỉ để tròn vai người thầy thuốc của dân.

Hình như ông đang bước đi trên con đường mà gần bốn mươi năm trước, ông Ba Trung (tức giáo sư, BS Trương Công Trung - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y dược TP.HCM), ông Tư Trung (tức viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) đã đi. Lời thề Hippocrates của họ chính là tận tụy vì một nền y tế nhân dân.

Đi để truyền thụ, cập nhật kiến thức cho đội ngũ BS trẻ ở các địa phương; đi để nói cho bà con, nhất là bà con nghèo, vùng sâu vùng xa hiểu mà phòng bệnh, biết mà trị bệnh cho đúng cách, đừng vì tâm lý sợ hãi, cùng đường mà chữa bệnh theo kiểu vái tứ phương, khi đến được BV thì đã trễ.

Lạ, con người uyên bác thế, lịch lãm thế mà cũng giản dị, mộc mạc vô cùng. Cử tọa của ông hôm nay là những học trò, cộng sự của chính ông, nhưng hôm sau lại là những phụ nữ chân lấm tay bùn, có khi chữ đọc còn chưa tròn mà đã nghe lọt thấu tai nào là “dàn hòa tấu nội tiết” (nội tiết), “thảnh thơi bướm lượn” (tuyến giáp trạng)… Bởi, đơn giản, ông đã làm đúng, làm không ngưng nghỉ lời căn dặn của người - thầy - không - bục - giảng của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê: “… viết cho mọi người hiểu được bệnh ung thư thì có lợi cho bà con lắm… viết sách cho mọi người dễ hiểu, dễ đọc… giọng văn dành cho quần chúng…”. Đi và viết; viết nối dài những cuộc đi, thăm thẳm trong ông tình người, tình đất. Túc tắc vậy mà ông đã xuất bản cả mười đầu sách.

Bac si Nguyen Chan Hung - nguoi ve la thuong xuan

Tôi thương những chuyến đi của ông về miền đồng bằng sông Cửu Long, ngược ra miền Trung, tập huấn tại Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, rồi từ Hà Nội thăm Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương... Đi với niềm tự hào được “nối liền biển xanh sông gấm”. Đi như thể “nối liền một vòng tử sinh”.

Và tôi thích những chuyến đi của ông sang trời Âu, trời Mỹ… Ở đấy, ông ngắm nhìn và thụ hưởng các giá trị di sản, di tích của nhân loại bằng tất cả sự hiếu động, thông minh, hiểu biết, lãng mạn và đặc biệt, là dịp để ông đối sánh, suy ngẫm những tinh hoa văn hóa Tây - Đông và những trầm tích biến thiên của nó. Bởi, rất đơn giản, con người và điểm nhìn nhân sinh của GS-BS Nguyễn Chấn Hùng là sự hài hòa của hai nền văn hóa - y thuật Đông Tây.

Và một cuộc - đi - vạn - dặm

Sự hài hòa của hai nền văn hóa Đông Tây đã được ông lý giải: “Từ nhỏ, tôi đã mê mải học tư tưởng triết học Đông Tây, càng về sau càng thấm đạo học phương Đông. Đạo ở đây là con đường dẫn mình đến với quy luật của trời đất. Tôi học ngành y khoa, đã đọc lời thề Hippocrates. Thầy xưa của ta, thầy cổ bên Hy Lạp dạy giống nhau lắm!”.

Thế mới có chuyện, lúc luyện thi vào nội trú các BV Sài Gòn, học cực quá, chàng sinh viên y khoa Nguyễn Chấn Hùng đã lôi Cô gái Đồ Long của Kim Dung ra để “học”. Luyện xong nội trú thì cũng nghiền ngẫm hết Thiên long bát bộ, Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ. Ông nói, Kim Dung đã dạy ông y lý phương Đông, kỳ kinh bát mạch, huyệt đạo…

Bac si Nguyen Chan Hung - nguoi ve la thuong xuan

Ông lại trở về “ngôi nhà” xưa - nơi đang có các thế hệ bác sĩ kế cận tiếp tục sự nghiệp lương y cao cả

Hoặc như trước giờ mổ, ông giao nhiệm vụ cho các cộng sự trẻ rồi về phòng nghỉ để chờ. Bỗng nhiên ông lấy cuốn Nam Hoa kinh của Trang Tử ra đọc. Một cộng sự trẻ mắt tròn mắt dẹt. Ông chậm rãi đọc một đoạn trong chương Đạt sinh của Trang Tử: “Có người thợ mộc đẽo gỗ làm một cái giá chuông, cái giá đẹp như thần. Lỗ Hầu hỏi bí quyết, thưa: thần là thợ bình thường, chẳng có bí quyết gì cả, chỉ có điều, trước khi đẽo, thần phải trai giới để tĩnh tâm. Trai giới được ba ngày thì thần không còn nghĩ đến việc khen thưởng hay bổng lộc gì cả, trai giới được năm ngày thì quên rằng thân mình có hình thể tay chân, trai giới được bảy ngày thì thần không còn biết có triều đình của nhà vua nữa. Sau đó thần chuyên tâm vào nghệ thuật mà bao biến loạn ở bên ngoài tiêu tan hết”.

Sự hòa hợp ấy là một phần trong thuyết hợp nhất giữa con người với tự nhiên mà Trang Tử phát triển đến đỉnh cao quan điểm tự nhiên trong xã hội luận, ứng xử luận của Lão Tử để hình thành thuyết tương đối luận - đã thấm đẫm trong con người Tây học Nguyễn Chấn Hùng. Nhờ đó, ông lý giải cái “giới hạn sau cùng” (không phải là cuối cùng) của khoa học nói chung, y học nói riêng và đặt nó trong tâm thế tương khắc hóa tương sinh hay cùng tắc biến - biến tắc thông trong mọi sự việc, tình huống,
số phận…

Về mặt này, ông rất gần với Karl Jaspers “Être - soi, c’est être un en deux”. Ta tự tại, ấy là làm một ở trong hai, chạy về hai nơi để hoàn thành một NGÃ (Bùi Giáng).

Điều đáng nói, cái ngã - cái bản thể là MỘT ấy - trong y đức Nguyễn Chấn Hùng luôn hướng đến cái Toàn thể, cái Muôn người. Lẽ nào một người ít đỗi gian nan nhưng tư lự sâu, nghĩ sớm, làm trước những cái hữu ích cho mọi người.

Bac si Nguyen Chan Hung - nguoi ve la thuong xuan

Hội thảo Hội Ung bướu lâm sàng Hoa Kỳ ASCO 2013, Chicago

Tôi muốn nói đến câu chuyện của ba mươi năm về trước. Cùng với tập thể lãnh đạo của thành phố, của ngành Y, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng đã có một - cuộc - đi - vạn - dặm: đó là xây dựng BV Ung Bướu TP.HCM trong các tuyến BV chuyên khoa như Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng, viện Tim… Phải có tầm nhìn xa trông rộng, biết trân trọng và tin cậy đội ngũ trí thức; phải có cái tâm thấu hết những nhọc nhằn, khổ sở, thiệt thòi của người dân, những con người tài ba, nhân đức ấy mới quyết chí và làm nên những công trình dân sinh tuyệt vời như thế, ngay giữa thời còn thiếu thốn đủ điều.

Năm 2015, BV Ung Bướu tròn ba mươi tuổi, khu xạ trị gia tốc tròn mười năm, vẫn là địa chỉ hàng đầu trong việc điều trị phối hợp ba phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Dấu ấn của GS-BS Nguyễn Chấn Hùng không chỉ là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngôi nhà BV mà còn là người nuôi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, BS; đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc y cụ hiện đại; và đặc biệt, ông và tập thể y BS của ngành ung bướu đã gieo niềm tin mạnh mẽ cho bao bệnh nhân: có BS giỏi, máy móc hiện đại, bạo bệnh sẽ được đẩy lùi.

Ba mươi năm tròn, trở lại BV Ung Bướu, nạn quá tải vẫn còn đó. Và căn phòng nhỏ của BS Nguyễn Chấn Hùng vẫn thế. Mỗi tuần ông đều ghé qua văn phòng Hội Ung thư Việt Nam mà ông là chủ tịch. Như bao nhiêu năm nay, bóng ông đã khuất sau hành lang mà cả trăm con mắt vẫn dõi về hướng ấy như thể níu lấy một niềm tin, một sự sống mà ông, bao giờ cũng chân tình, cũng lạc quan truyền trao cho họ. Tôi đem điều ấy nói với ông, ông trầm giọng bảo, “chỉ biết thương và nói với họ những điều cần phải nói, để họ tin, họ vui, hợp tác tốt với BS mà chữa bệnh, mà vượt qua. Nhưng cũng có lúc, họ không vượt nổi”…

Ông vui được là thầy giáo y khoa, viết sách, tài liệu giảng dạy cho sinh viên, làm chủ biên của nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Cái lớn lao mà cũng là sự nhạy bén, mẫn tiệp ở GS Nguyễn Chấn Hùng là ông luôn đề cao phẩm chất nghiên cứu khoa học trong đội ngũ BS, thầy thuốc. Chính ông đã và đang tìm thấy niềm hứng khởi trong việc giới thiệu chìa khóa sinh học (phân tử) để mở tiếp những cánh cửa trong nghiên cứu - khám chữa bệnh lâm sàng.

Bac si Nguyen Chan Hung - nguoi ve la thuong xuan

Đi và viết - viết nối dài những chuyến đi của GS-BS Nguyễn Chấn Hùng

Dịp Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh tròn ba mươi năm giải phóng, trong một buổi trò chuyện cùng nhà báo Minh Thu, BS Nguyễn Chấn Hùng bộc bạch: “Tôi rất khoái hình ảnh lục bình vừa trôi vừa trổ bông, một nét rất đậm trong cuộc đời tôi”. Thành phố lại sắp vào ngày sinh nhật lần thứ bốn mươi, hỏi ông về hình ảnh “lục bình trổ bông”, ông cười hiền, vẫn thế, tôi vẫn khoái hình ảnh lục bình vừa trôi vừa trổ bông, làm đẹp cho dòng sông, cho bến bờ. Sông chở theo lục bình, rễ ngắn chỉ cần một ít phù sa, nắng dãi mưa dầu cần cho lá xanh hơn và trổ bông tím thẫm…

Có lẽ, lục bình không hề trôi vô định mà do sông cứ chảy miên man, bất tận. Sông chở theo lục bình, nguồn nước và những thủy phẩm nuôi dưỡng để lục bình trổ bông. Và cuối cùng trăm sông đều đổ về biển lớn. Khổng Tử chẳng nói “Trí giả nhạo thủy” (bậc trí giả lấy làm vui khi xem nước). Bởi nước luôn vận động, nước luồn qua mọi ngóc ngách, mọi ngăn cản. Nước chỉ thay đổi về mặt hình dáng theo vật chứa đựng nó. Nước không bao giờ thay đổi về bản chất của sự thích ứng, khoan dung, không chối từ (non refus) mà sinh thời Giáo sư Cao Xuân Huy (và sau này, GS Trần Quốc Vượng phát kiến sâu và rộng hơn) đã nhìn thấy “bản chất” Nước - như một triết lý về Nhu Đạo của người Việt.

Qua đêm giông bão tơi bời, cô gái yếu đuối Johnsy tin rằng chiếc lá thường xuân cuối cùng kia đã rơi rụng, cũng có nghĩa là Johnsy sẽ lìa trần. Nhưng kỳ lạ thay, “chiếc lá thường xuân đơn độc bám lấy cái cuống của nó trên tường và rồi, cùng với màn đêm buông xuống, gió bấc lồng lộn… Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó”. Và Johnsy đã chiến thắng bệnh tật.

Kiệt tác duy nhất của người họa sĩ già Behrman chính là chiếc lá thường xuân mà ông đã vẽ ngay giữa đêm mưa gió ấy, để sáng ra, Johnsy vẫn nhìn thấy nó mà hy vọng níu giữ sự sống. (Chiếc lá cuối cùng của O.Henry)

Cả cuộc đời tận hiến cho cuộc chiến phòng - chữa bệnh ung thư, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng đã vẽ nên bao chiếc lá thường xuân cho các thế hệ bệnh nhân, để họ mạnh mẽ hơn, yêu đời hơn và tin vào chiến thắng của sức mạnh bản thân.
Trong họ - ông là Lá - Thường - Xuân.

Bac si Nguyen Chan Hung - nguoi ve la thuong xuan
Như bao nhiêu năm nay, bóng ông đã khuất sau hành lang mà cả trăm con mắt vẫn dõi về hướng ấy như thể níu lấy một niềm tin, một sự sống mà ông, bao giờ cũng chân tình, cũng lạc quan truyền trao cho họ. Tôi đem điều ấy nói với ông, ông trầm giọng bảo, “chỉ biết thương và nói với họ những điều cần phải nói, để họ tin, họ vui, hợp tác tốt với BS mà chữa bệnh, mà vượt qua. Nhưng cũng có lúc, họ không vượt nổi”…

LÊ HUYỀN ÁI MỸ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI