Ám ảnh về cái ống quần

24/08/2013 - 14:14

PNO - PN - Chuyện hơn 100 học sinh (HS) bị xua về nhà xảy ra tại một trường huyện hẻo lánh nhưng lại gây bàn cãi khá ầm ĩ trong công luận suốt tuần qua. Cánh cửa đã khép lại, tiếng ồn cũng lặng đi. Nhưng dư âm của nó vẫn còn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mỗi trường đều có nội quy riêng của mình (trong đó có quy định về đồng phục). Giáo viên, HS được dạy hay được học ở trường đó đều phải chấp hành nội quy của trường. Nếu không đồng ý vẫn có quyền đề nghị sửa đổi hay chuyển đi trường khác. Việc trường Hà Huy Giáp (Cần Thơ) kiểm tra, buộc các em phải tuân thủ mặc đúng đồng phục là không sai. Ngay trong xã hội phương Tây, mời ăn tiệc, người ta còn quy định phải ăn mặc như thế nào. Nếu không thích thì miễn đến, thế thôi!

Đồng phục với HS phổ thông là phổ biến trong nước cũng như trên thế giới. Cần đồng phục vì hai lẽ: dễ dàng quản lý HS đang trong tuổi phải kềm cặp. Và đó cũng là biểu tượng (giống như màu cờ sắc áo của đội bóng) của nhà trường. Mỗi công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Nhưng HS phổ thông trung học, các em còn bị hạn chế cái quyền con người thiêng liêng của mình vì đang là vị thành niên. Ví như đến trường thì phải mặc đồng phục chứ không thi thố sở thích ăn mặc riêng được.

Nhưng cách làm và quan niệm của trường Hà Huy Giáp đã gây phản cảm và làm sống lại nỗi ám ảnh đáng sợ.

Am anh ve cai ong quan

Học sinh Trường THPT Hà Huy Giáp (TP.Cần Thơ) xôn xao trước giờ tổng kiểm tra
trang phục vào sáng 13/8. Ảnh: Tố Trâm (VNExpress.net).

Có hai động thái gây phản cảm và tranh cãi. Một, giá như việc kiểm tra này được thực hiện một cách thích hợp, phù hợp với “môi trường giáo dục” hơn, không xua hàng trăm HS rời khỏi lớp ầm ĩ gây cảm giác bị “đuổi học”. Hai là, giá như ông hiệu trưởng chỉ cần nói: nhà trường, phụ huynh đã nhất trí quy định đồng phục, trong đó có chiều rộng của ống quần, em nào không chấp hành thì buộc phải sửa chữa vì đây là kỷ luật phải tuân theo. Đằng này ông lại cho rằng, ống quần HS trên 20cm là quá rộng và 12cm là quá hẹp không thích hợp với môi trường giáo dục (!).

Đã từng có một thời, khi xã hội ta còn rất nhiều chuyện không giống ai, thì thời trang là món xa xỉ tội lỗi. Ngay cả sau chiến tranh lâu rồi, trong những năm 80 thế kỷ trước, một số người vẫn tự cho mình cái quyền quy định cho thanh niên và dân chúng mặc quần, để tóc theo kiểu gì họ cho là “đạo đức”, “thích hợp”. Khi mốt quần ống tuýp thịnh hành, người ta tổ chức những đội “đặc nhiệm” rạch quần bất cứ ai ngay giữa phố. Rồi một thời gian sau đó, người ta lên án, chửi rủa quần loe. Và khi cả quần loe lẫn quần tuýp hết đát, người ta quay sang mời đương sự ngồi vào ghế để “xử lý” tóc dài. Phải đợi nhiều năm sau, mọi người mới thấy nhẹ nhõm chút khi ai muốn mặc ống quần rộng hẹp, tóc dài ngắn tùy thích.

Hơn 100 em HS bị cấm vào lớp ở trường Hà Huy Giáp có thể vi phạm nội quy nhà trường chứ không thể nói là các em vi phạm môi trường giáo dục hay là những trẻ hư. Bởi vì, trong lịch sử học thuật cũng như thực tế, chưa ai chứng minh được cái ống quần rộng bao nhiêu thì người mặc nó là nhà đạo đức hay là kẻ mất đạo đức. Có lẽ chỉ nên đặt ra vấn đề đạo đức với kẻ rạch ống quần người khác và người chịu ngoan ngoãn để cho kẻ khác ngang nhiên rạch ống quần mình mà thôi! 

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI