5,3% mẫu thủy sản chứa kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng

27/07/2016 - 05:41

PNO - Là khẳng định của ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Qản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (bộ NN-PTNT), dựa trên kết quả giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) thời gian vừa qua.

Tại hội thảo Hành động để người dân được sử dụng nông sản thực phẩm an toàn, sáng 26/7, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, trong sáu tháng đầu năm, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%. Đáng lưu ý, có tới 5,3% mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh và chất cấm vượt ngưỡng. Ông Tiệp đánh giá: “Kết quả giám sát ATTP như vậy là có giảm, có chuyển biến nhưng vẫn còn ở mức cao”.

5,3% mau thuy san chua khang sinh, chat cam vuot nguong
Ảnh minh họa: Internet

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng nhấn mạnh, tình hình vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng trong xã hội. Cụ thể là vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện 6 tấn ngó sen, me chua đã quá hạn sử dụng; 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc, gần 5 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong giai đoạn bốc mùi hôi thối, trên 10 tấn dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa, 5 tấn mỡ bẩn, 550kg phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc…

Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện 2 tấn thịt lợn bốc mùi, 3 tấn thịt trâu tẩm ướp hóa chất giả thịt bò; Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên phát hiện 4,2 tấn thịt lợn gồm lợn ốm, lợn chết không có giấy kiểm dịch vệ sinh ATTP… Bên cạnh đó, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, kênh phân phối hiện nay đang có vấn đề, gây cản trở việc tiếp cận của người tiêu dùng với thực phẩm sạch. Ngoài vấn đề các siêu thị đòi chiết khấu cao, không mua chung, bán chung… còn có hiện tượng đội ngũ chống buôn lậu nuôi dưỡng… buôn lậu.

Để thực phẩm bẩn lộng hành, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người dân, theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nguyên do nằm ở… cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng: “Trên thực tế, người sản xuất chạy theo thu nhập nên không chú ý đến chất lượng hàng hóa, còn nhiều người tiêu dùng cũng ít quan tâm đến các tiêu chuẩn an toàn”. Ông Nam dẫn chứng, nhiều hợp tác xã có chứng nhận VietGAP đúng tiêu chuẩn, nhưng hàng bán không ai mua, tạo điều kiện cho sản phẩm không an toàn dễ dàng tiêu thụ.

Theo Thứ trưởng Nam, để giải quyết vấn nạn này, nhiệm vụ chính trong thời gian tới là liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng tới tiêu thụ để đảm bảo hàng hóa chất lượng. Bộ NN-PTNT sẽ hướng tới hình thành hệ thống chợ đầu mối nông sản an toàn và dẫn tới siêu thị. Việc hình thành hệ thống các điểm bán nông sản an toàn trên cả nước, theo ông Nam sẽ hạn chế được số nông sản bẩn, không rõ nguồn gốc.

H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI