34.275: Tính đến số lẻ

19/04/2014 - 10:58

PNO - PN - Đây là một “con số đẹp”, con số có thể trở thành một… câu đố trong một chương trình gameshow nào đó trên truyền hình. Chẳng hạn, câu đố là: bạn có biết con số 34.275 là con số gì không ?

Tôi nghĩ, nhiều người tham gia chương trình sẽ có câu trả lời chính xác. Đó là số tiền dự chi cho Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông mà Bộ GD - ĐT vừa trình ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin xem xét và… gật đầu.

Nhưng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải kêu lên: “Các đồng chí toàn hô khẩu hiệu trong dự thảo đề án, mà số tiền nhiều đến thế à?”. Còn GS Hoàng Tụy thì ngỡ mình nghe nhầm con số. GS không nghe nhầm đâu ạ! Con số này chính xác đến từng con số lẻ: 34.275 tỷ đồng. Nhưng khi báo chí hỏi về nội dung đề án này, thì nhiều người có trách nhiệm của Bộ GD - ĐT lại trả lời rất chung chung, rất… cầm chừng.

34.275: Tinh den so le

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiền thì nhớ đến con số lẻ, còn dùng tiền làm gì thì chỉ nhớ… lờ mờ, thậm chí không nhớ. Đó là cách làm đề án của Bộ GD - ĐT, một cách làm khiến tiền ngân sách quốc gia đổ vào cho giáo dục không hề nhỏ, nhưng hiệu quả thì…

Vâng, hiệu quả thì ai cũng đã biết. Theo GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, “34.275 tỷ đồng chi cho Đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông là con số quá lớn và không thực tế. Dù có phá hủy và xây mới toàn bộ chương trình SGK ở 12 lớp ngay tức khắc cũng không tiêu tốn một số tiền khổng lồ như thế”.

Những người lãnh đạo Bộ GD - ĐT lập tức thanh minh: Đây không phải chỉ là tiền chi cho đổi mới SGK, mà còn nhiều mục tiêu khác. Nhưng khi hỏi đó là những mục tiêu gì, thì kẻ nhớ lơ mơ người quên lãng đãng. Có cảm giác như Bộ GD - ĐT đang… làm thơ, chứ không phải xây dựng một đề án nhằm đổi mới giáo dục “một cách toàn diện và sâu sắc”.

Với thời gian quá ngắn để xây dựng một đề án quá lớn và quá dài hạn - tới mười năm - với số tiền dự chi ngót hai tỷ đô la, mà xem ra Bộ GD - ĐT vẫn coi đó như “chuyện nhỏ”. Cách làm việc như vậy, cách xây dựng đề án như thế, người dân đã có thể hình dung ra cung cách “đổi mới giáo dục” ấy sẽ tiến triển tới đâu. Lâu nay, với việc đổi mới, thay mới, làm lại SGK, thì rất nhiều nhà giáo, nhiều người có kiến thức và tâm huyết với giáo dục đã tha thiết đề nghị Bộ GD - ĐT đừng “ôm” theo kiểu “độc quyền sản xuất” SGK nữa, mà hãy đấu thầu, hãy cho phép soạn ra nhiều bộ SGK để giáo viên và trường học tự chọn.

Hay nói như GS Đào Trọng Thi: “Chúng ta hoàn toàn có thể mua lại khung chương trình SGK của một nước tiên tiến nhất và linh hoạt ứng dụng nó vào nền giáo dục của mình. Đây là cách giảm chi phí tốt nhất mà vẫn đạt hiệu quả giáo dục cao. Cùng lắm, chúng ta chỉ phải chi 1.000 tỷ đồng…”. Nhưng, có thể Bộ GD - ĐT sẽ phản bác: 1.000 tỷ đồng là con số… chẵn. Trong khi đề án của chúng tôi tính chi li đến từng số lẻ, vậy đề án của chúng tôi phải… thuyết phục hơn chứ! Giả dụ có ai nói như thế, thì cũng đành chào thua họ. Với lại, nếu cho đấu thầu công khai dự án làm SGK mới, thì biết đâu, với kiểu bỏ thầu rẻ đến bất ngờ như lâu nay vẫn thấy, người trúng thầu có thể là nhà thầu… Trung Quốc!

Trong khi bao người dân còn khốn khổ, bao doanh nghiệp tư nhân tan rã, nợ nần, bế tắc, bao học trò miền núi phải đi bộ mấy chục cây số tới trường với bữa trưa chỉ có cơm và… lá rừng, thì cái đề án với con số 34.275 tỷ thực sự là một con số không chỉ gây choáng, mà còn gây phản cảm rất lớn. Chúng ta đều mong mỏi con em mình được học hành tốt hơn, nền giáo dục đất nước thật sự vì người học và đào tạo nên những con người có đạo đức và năng lực lao động sáng tạo xây dựng đất nước, nhưng chúng ta không hề ảo tưởng với những con số “khủng” đầu vào, trong khi “đầu ra” lại rất tù mù, mà mục đích cuối cùng của giáo dục lại là ở “đầu ra”, ở học sinh, ở con người. 

Thanh Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI