1.000 tỉ đồng mua một trực thăng chữa cháy: Nhà cao tầng ít cháy...

11/04/2016 - 07:20

PNO - Theo chuyên gia, nếu muốn khai thác thì phải có người biết khai thác, sử dụng, có chỗ đỗ máy bay,...cả một hệ thống kèm theo để đảm bảo yêu cầu.

Trong buổi họp báo định kỳ quý I-2016 ngày 8/4 do Cảnh sát PCCC TP HCM (Bộ Công an) tổ chức, Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết vừa trình lên Hội đồng Nhân dân TP HCM xem xét kế hoạch mua trực thăng chữa cháy.

Cụ thể, giá của mỗi chiếc trực thăng chữa cháy trị giá khoảng 1.000 tỉ đồng. Theo đó, việc trang bị trực thăng chữa cháy đáp ứng nhu cầu trong công tác dập lửa ở các nhà cao tầng, khu vực khó dập lửa.

Phải nuôi cả một hệ thống vận hành

Chia sẻ quan điểm với báo Phụ Nữ TP.HCM trước đề xuất này, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho rằng: "Việc đảm bảo an toàn chữa cháy các nhà cao tầng (9 tầng trở lên) và TP hiện nay cũng có nhiều siêu cao tầng là cũng cần thiết.

Thứ 2 là cũng cần có phương tiện chữa cháy, có được trực thăng cũng rất là tốt. Tuy nhiên đối với trực thăng nếu không khai thác, bảo quản tốt mà chỉ để đó cho vui thì rất lãng phí".

Theo ông, nếu muốn khai thác thì phải có người biết khai thác, sử dụng, điều khiển, có chỗ đỗ máy bay,... cả một hệ thống kèm theo để đảm bảo yêu cầu. Ông ví dụ, ít nhất cũng phải có 2 phi công, có khi tính ra cũng phải trả 20 triệu cho một lần phi công lái, lúc đó nó cũng phá vỡ cơ cấu tiền lương.

1.000 ti dong mua mot truc thang chua chay: Nha cao tang it chay...
Cháy kinh hoàng đã xảy ra ở tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM). Ảnh: Thể thao văn hóa

PGS Ngô Văn Xiêm cũng nghi ngại về việc phải tính phương án sân bay ở đâu cho trực thăng đỗ trong TP, hoặc cũng có thể tận dụng sân bay của TP chẳng hạn nhưng quy trình bay như thế nào, phi công ra sao để vận hành phi công, con người rồi các chế độ cho máy bay hoạt động.

"Nó cháy thì không vấn đề gì nhưng nó không cháy thì mỗi ngay hay mỗi tuần phải bay 1-2 lần, rồi phải huấn luyện,... cả một hệ thống. Tất nhiên khi đã xác định mua máy bay thì họ sẽ phải tính toán luôn cả việc chuẩn bị các trang bị đó rồi vì đã thành một đề án rồi, tổng quan rồi. Nếu không có những thứ đó thì chắc chắn chỉ để đó thôi", ông nhận định.

PGS đưa ví dụ thực tế rằng, cũng giống như việc mua con trâu thì rõ ràng phải mua được cái dây, cày, bừa để có thể khai thác con trâu đó. Tất nhiên là nó những cái đó không lớn nhưng nó không đơn giản chút nào. Nếu có tiền mua được thì cũng tốt.

Các vụ cháy nhà cao tầng không nhiều

PGS Ngô Văn Xiêm cũng lập luận: "TP HCM có xe thang 72 mét nhưng việc khai thác sử dụng cũng chưa thực sự được hiệu quả. Và thực sự rất ít các vụ cháy ở các nhà cao tầng, cũng có thể nhiều năm mới xảy ra một vụ nhưng mà chết nhiều người như ở ITC TP.HCM nhưng tòa nhà đó cũng chỉ có 7 tầng nên không cần đến máy bay, nhưng quan trọng vẫn là tiền phải bỏ ra để khai thác, sử dụng năng lực cán bộ, hệ thống để duy trì thiết bị trang bị. Đây là cả một bài toán kinh tế, kỹ thuật phức tạp".

Ông cũng thông tin, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cũng đã mua máy bay của Pháp. Ông cho rằng, có thể tham khảo kinh nghiệm của đơn vị này để có thể có đánh giá khách quan hơn.

PGS Ngô Văn Xiêm nhấn mạnh: "Việc mua trực thăng chữa cháy trong bối cảnh hiện nay thì chưa thực sự cần thiết lắm, xác suất xảy ra các vụ cháy tại các nhà cao tầng là rất thấp, hai là thiệt hại cũng chưa thấy phản ánh gì, thức ba là các điều kiện kèm theo. Mình là TP giầu có, có tiền mua cũng chẳng sao. Còn các nơi khác nghìn tỉ bằng một phần thu nhập tổng quốc dân của một tỉnh nào đó rồi".

"Phải nhìn tổng quan trong điều kiện kinh tế - xã hội. Khi có điều kiện thì với các nước họ phải tự làm ra, và về sử dụng dịch dịch vụ sau đó thì cần phải tưởng tượng rằng khi có hỏng hóc thì phải mời chuyên gia nước ngoài đến, phải chuẩn bị các điều kiện con người, khi có thì bố trí khai thác, sử dụng được", PGS tiếp lời.

Vị PGS hài hước: "TP có thì cũng oai lên, thế giới xung quanh liệu mấy ai đã có được trực thăng như vậy, như vậy quan điểm là "đi trước đón đầu" chứ không phải là "đi tắt đón đầu. Có nhiều cái đi trước cần phải đi trước, nhưng đi trước trong cái điều kiện nào đấy thì thành ra nó lại là vội vàng".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI