Suy thoái kinh tế “chê” người nghèo?

01/06/2013 - 20:26

PNO - PN - “Dù đang khá rầu lòng với bức tranh kinh tế càng mổ xẻ càng thêm ảm đạm, những tiếng cười vẫn không nén được khi nghe câu nói “Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến...

Vì là thảo dân thấp cổ bé miệng và không được học hành để có thể bàn luận với các “chuyên gia kinh tế”, tôi không cười, cũng không dám cãi mà nén lại nỗi buồn lo để nói với nhau về cảm xúc. Người giàu thì chưa có tiêu chuẩn và thống kê xem họ là bao nhiêu người nhưng chắc chắn là con số ít, số được gọi là “đại gia” càng ít hơn. Nhưng cả nước có tới trên ba triệu hộ với khoảng 20 triệu người nghèo. Nhân dân đương nhiên bao gồm cả người giàu lẫn người nghèo. Cứu nền kinh tế là cứu cả hai loại người ấy, đôi khi phải cứu người giàu trước; ví dụ, cứu một ông chủ thì có thể cứu được hàng trăm, hàng ngàn công nhân làm thuê cho ông ta. Đó là chuyện của khoa học kinh tế.

Nhưng dù là “chuyên gia kinh tế” cũng không thể nói “lạm phát cũng như suy thoái không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”! Nói như thế là chỉ căn cứ vào con số thống kê và thật sự vô cảm. Thống kê cho biết, dù trong hoàn cảnh khủng hoảng tứ bề hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm được 2,16%, vượt cả chỉ tiêu 2% của Quốc hội! Có lẽ vì thế mà các “chuyên gia kinh tế” nổ văng cả miểng. Ảnh hưởng gì đâu nào? Vì hộ nghèo vẫn ngày một ít đi so với trước kia mà!

Suy thoai kinh te “che” nguoi ngheo?

Nhiều vùng nông thôn đang bị hoang hóa. Nguồn ảnh: batdongsan.com.vn

Cảm xúc của nhiều người trong chúng ta trước bức tranh người nghèo trên cả nước không giống thế, nếu không nói là dị ứng với con số người nghèo giảm trong thời lạm phát. Tây Bắc có trên 35% hộ nghèo. Tây Nguyên rừng vàng đất bạc vẫn còn tới trên 19%. Có thật là hàng chục triệu người nghèo này không bị ảnh hưởng nhiều do lạm phát và suy thoái?

Có 20 triệu người VN chưa từng được ăn phở, dù phở là món ăn Việt nổi tiếng thế giới. Cách đây hàng chục năm, một bát phở giá năm ngàn, họ không ăn. Bây giờ là 35.000đ bát phở bình dân, họ lại càng không ăn. Không ăn không phải vì không muốn ăn mà vì không có tiền. Các “chuyên gia” nói, thì đấy, có sao đâu, họ đâu có bị ảnh hưởng bởi suy thoái và lạm phát? Giấc mơ bát phở cũng như bữa cơm có thịt càng xa thêm.

Đất ít người đông, vốn liếng không có, người nghèo đành xua con cái ra thành phố. Kinh tế phát triển, việc nhiều, khổ đấy nhưng cũng kiếm được miếng ăn, thi thoảng gửi tiền giúp bố mẹ. Bỗng một hôm chúng trở về. Thất nghiệp. Mâm cơm thêm một hai cái bát nhưng vẫn nồi cơm cũ. Mẹ múc bụng mình nuôi con, bà đâu có nhăn nhó kêu ca vì ảnh hưởng của lạm phát như mấy ông nhà giàu bất động sản? Vì bà đâu biết tại sao con mất việc, tại sao chúng phải về quê.

Ao cá treo, trại lợn trại gà trống chuồng, bán mía không được trả tiền. Suy thoái từ Athène đến Paris, ngay cả trong nước cũng thế, người có tiền cũng phải thắt lưng buộc bụng. Các ông chủ trại méo mặt ôm nợ không trả được, người nghèo làm thuê cho họ thất nghiệp ngay trong làng. Họ biết kêu ai? Mấy ai nghe tiếng kêu của họ? Họ cũng đâu có biết các loại phí, thuế và giá xăng dầu tăng đều được tính đủ trên một manh áo mới cho con, một liều thuốc cảm cúm hay một cuốc xe cấp cứu đưa người bệnh lên tỉnh, những thứ bắt buộc họ phải chi nếu còn muốn sống?

Báo chí có thể mủi lòng đưa tin vua bất động sản như Cường đôla năm nay chỉ lãi vài tỷ đồng; hay Lý Nhã Kỳ vì ảnh hưởng suy thoái (hoặc chỉ vì cám cảnh khó khăn của người nghèo?) nên không còn mặc váy ba tỷ đồng đi dạ hội như trước nữa. Nhưng các "chuyên gia kinh tế" có vẻ như không nhìn thấy giấc mơ được ăn một bát phở đang mỗi ngày càng xa hơn với người nghèo. Không nhìn thấy nên họ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái và lạm phát, đó là đỉnh cao kiến thức của chim đà điểu chui đầu vào cát để trốn kẻ thù! Có lẽ chỉ có một loại người không bị ảnh hưởng bởi suy thoái là các ông chủ tập đoàn nhà nước. Vì trong mọi hoàn cảnh, kể cả lỗ to, lương tháng của họ vẫn ngày càng cao! 

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI