Xếp lại hạng bệnh viện, ai được lợi?

30/10/2018 - 17:27

PNO - Sáng 30/10, tại TP.HCM, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo "Góp ý xây dựng thông tư phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", với sự tham gia của nhiều bệnh viện ở phía Nam.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nếu thông tư này ra đời sẽ không còn phân bệnh viện theo hạng đặc biệt hay hạng 1, hạng 2... nữa. Tất cả các bệnh viện trên toàn quốc, kể cả bệnh viện ngoài công lập đều được xếp vào 3 nhóm: gồm tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3. 

Xep lai hang benh vien, ai duoc loi?
Bệnh viện Quận Thủ Đức là bệnh viện quận nhưng phát triển như bệnh viện hạng 1 

Bộ Y tế đề xuất tuyến 1 gồm các trạm y tế, các loại hình phòng khám công hoặc tư có chức năng khám chữa bệnh ban đầu, không tiếp nhận bệnh nhân nằm lại điều trị. Tuyến 2 gồm các bệnh viện đa khoa, bệnh viện quận huyện với mục đích khám chữa bệnh cơ bản và nâng cao.

Tuyến 3 khám chữa bệnh nâng cao và chuyên sâu gồm các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện chuyên khoa kỹ thuật cao, bệnh viện thực hành của trường đại học.

Phương án phân loại bệnh viện thành 3 tuyến được hầu hết các bệnh viện ở phía Nam tán thành. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện yêu cầu cần xem lại sự phân chia cụ thể trong từng tuyến bệnh viện.

Bệnh viện giỏi... bỗng thành "dở"

Nhiều ý kiến góp ý nên xem lại việc bệnh viện chuyên khoa bỗng lên tuyến 3 (tuyến cao nhất).

Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho rằng, nếu cứ chuyên khoa là tuyến 3 thì các bệnh viện tư chuyên khoa sản hoặc nhi mới thành lập, mới ra đời cũng được xếp ở tuyến cao nhất? 

Trong khi đó, nhiều bệnh viện vốn là tuyến cuối, giỏi chuyên môn tại TP.HCM như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định lại bị xếp thấp hơn do là bệnh viện đa khoa càng không hợp lý.

Xep lai hang benh vien, ai duoc loi?
Trẻ em được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)

PGS.TS. Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cùng chung quan điểm: “Không lẽ các bệnh viện thẩm mỹ chỉ vài chục giường lại xếp hạng chuyên môn kỹ thuật cao hơn Bệnh viện Quận Thủ Đức? Tôi ủng hộ việc bỏ cách xếp hạng bệnh viện như hiện nay nhưng phải có cách làm cho phù hợp. Cứ đưa ra một danh mục kỹ thuật từ thấp đến cao. Đối chiếu theo danh mục kỹ thuật, bệnh viện nào thực hiện được bao nhiêu kỹ thuật thì căn cứ vào đó mà xếp hạng”.

PGS.TS. Trần Việt Hồng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, hiện bệnh viện ông đang xếp hạng 1 (tương đương tuyến tỉnh) nhưng còn thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu của bệnh viện tuyến trung ương; thế nhưng, theo phương án sắp xếp mới sẽ thiệt cho bệnh viện.

Xep lai hang benh vien, ai duoc loi?
Bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng phương án mới cần thêm tiêu chí bệnh viện đa chuyên khoa vào tuyến 3 - tuyến cao nhất.
Xep lai hang benh vien, ai duoc loi?
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho rằng nếu thông tư về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật ra đời sẽ giải quyết được nhiều tồn tại trong phân loại xếp hạng bệnh viện hiện nay.

Thông tư mới sẽ chấm dứt tình trạng xếp hạng lộn xộn

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các bệnh viện để xây dựng thông tư phân hạng bệnh viện chỉn chu. Nếu thông tư này ra đời, sẽ thay thế cho các thông tư trước đó về phân loại, xếp hạng bệnh viện đang lộn xộn.

Hiện nay, các bệnh viện trên toàn quốc được xếp hạng theo rất nhiều tiêu chí, dẫn đến nhiều chuyện dở khóc dở cười. Ngoài ra, việc phân chia theo đơn vị quản lý hành chính, có bệnh viện tuyến trung ương – tỉnh – huyện – xã. Phân chia theo khả năng cung ứng dịch vụ y tế có bệnh viện hạng đặc biệt – hạng 1 – hạng 2 – hạng 3, hạng 4 – không phân hạng.

Phân chia theo năng lực chuyên môn, có bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương – bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh – cơ sở tuyến xã, phường, thị trấn (các trạm y tế, phòng khám bác sĩ gia đình).

Xep lai hang benh vien, ai duoc loi?
Bệnh viện Nhân dân 115 - một trong những bệnh viện đa khoa lớn tại TP.HCM, nếu theo phương án mới của Bộ Y tế, có thể bị gom chung với các bệnh viện đa khoa khác trong tuyến 2

Cả nước hiện có 1.451 bệnh viện; trong đó, xếp hạng đặc biệt có 4 bệnh viện tuyến trung ương. Xếp cùng hạng 1 là 32 bệnh viện tuyến trung ương, 78 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 bệnh viện tuyến huyện, 8 bệnh viện ngành.

Xếp cùng hạng 2 là 3 bệnh viện tuyến trung ương, 239 bệnh viện tuyến tỉnh, 94 bệnh viện tuyến huyện, 19 bệnh viện ngành. Cùng xếp hạng 3 là 158 bệnh viện tuyến tỉnh, 493 bệnh viện tuyến huyện, 30 bệnh viện ngành…  

Sự chồng chéo này dẫn đến những vấn đề tồn tại như bệnh viện tuyến tỉnh có năng lực chuyên môn thấp hơn bệnh viện tuyến huyện nhưng vẫn là nơi tiếp nhận người bệnh nếu tuyến huyện "bó tay". Điều này được quy định của Thông tư 40/2015 của Bộ Y tế.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI