Xăm môi, xăm mày… đơn giản, sao quá dễ chết?

05/07/2018 - 18:30

PNO - Thông tin bà Phạm Thị Mỹ L. – nguyên đại biểu Quốc hội tử vong sau 2 giờ xăm môi, xăm mày tại một cơ sở phun xăm ở phường Long Thủy (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) khiến nhiều phụ nữ lo lắng.

Thạc sĩ - bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó Chủ tịch pháp chế - hành nghề, Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM cho biết, trường hợp của bà L. sau khi làm đẹp về bị mệt mỏi, ngứa toàn thân và tử vong có khả năng cao do sốc thuốc.

Sốc thuốc có thể do cơ địa nhưng cũng có khi vì liều lượng thuốc đưa vào người bệnh nhân nhiều hơn mức quy định. Tuy nhiên, ngành y tế tỉnh Bình Phước nên thanh tra xem cơ sở phun xăm này có được phép thực hiện kỹ thuật xâm lấn qua da, có khử trùng dụng cụ và đặc biệt có phải do sốc thuốc hay vì nguyên nhân nào khác.

Vụ tử vong sau làm đẹp này thêm một lần nữa cảnh tỉnh các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cơ sở phun xăm, spa, thẩm mỹ viện. Các cơ sở này vốn không thuộc ngành y tế nhưng lại thực hiện các kỹ thuật xâm lấn gây chảy máu, dùng thuốc kháng sinh, thuốc tê… bừa bãi.

Xăm mắt, mày, môi: Đủ kiểu, đủ giá!

Xam moi, xam may… don gian, sao qua de chet?

Không ai đưa thuốc rối loạn đông máu vào người khách hàng sau làm đẹp!

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho rằng hiện nay một số cơ sở cho khách hàng sử dụng thuốc chống rối loạn đông máu sau làm đẹp là không đúng phác đồ điều trị của ngành y. Dù thuốc uống không gây sốc nhưng rất nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng như đột quỵ.

Đến “Siêu thị tóc” Đ.T (Lê Quang Định, Q.Gò Vấp, TP.HCM), chúng tôi được 5 nhân viên đon đả mời chào, giới thiệu dịch vụ phun thêu pha lê, phun thêu collagen, giá 2,5 triệu đồng.

Nữ nhân viên tên Phương thao thao: “Loại thêu này sẽ làm chân mày tự nhiên, màu đẹp và bền tới 6 năm. Tụi em sẽ tặng chị thêm một lần dặm lại sau một tháng làm để màu đều, đẹp, lâu phai”. Tùy theo nguồn gốc màu Mỹ, Đức, Nhật, giá các dịch vụ xăm, phun, thêu môi, mày tại đây dao động từ 500.000 – 2.5 triệu đồng. 

 Dịch vụ chính ở đây đúng như tên gọi “siêu thị tóc” là chỉ làm đẹp tóc. Còn lại, khi chúng tôi yêu cầu xem hình các mẫu xăm, phun, thêu để chọn dịch vụ theo nhu cầu và cần xem qua loại màu xăm, phun sẽ dùng để yên tâm chất lượng, nhưng nhân viên trả lời : “không có!”.

Ngay cả khi chúng tôi muốn phun, thêu chân mày, môi thì nhân viên cũng nói tỉnh bơ: “không có sẵn thợ làm ở đây, nếu chị làm thì chờ tụi em gọi thợ ở chỗ khác về làm”!?. “Chỗ khác là chỗ nào, có đảm bảo an toàn không?” – chúng tôi thắc mắc thì nhân viên này trấn an: “Em có nhiều chi nhánh, thợ có tay nghề chị cứ yên tâm!”.

Xam moi, xam may… don gian, sao qua de chet?

Tại thẩm mỹ viện M. (đường 3/2, Q.3, TP.HCM), tầm 10 giờ sáng đã có hơn chục khách đứng, ngồi chờ tới lượt. Có người quê tận Cần Thơ, Gia Lai đến đây làm đẹp, sau khi tìm hiểu thông tin qua mạng. Tư vấn cho chúng tôi phun môi, lông mày, nhân viên còn vào trong đem ra 3 ống màu cho chúng tôi xem và giải thích: “Tiền nào của nấy, nếu chị chọn dịch vụ giá vài trăm nghìn đồng thì màu rẻ tiền, nhanh phai, nhìn không tự nhiên; chị chịu đầu tư làm đẹp chọn dịch vụ giá từ 2 – 3 triệu đồng trở lên bảo đảm đẹp tự nhiên, làm một lần xài cả mười năm không phai”. 

Nghe nhân viên giới thiệu “mực xăm, phun, thêu ngoại nhập” từ Đức, Anh, Pháp, Mỹ,… nhưng trên ống thuốc không có bất kỳ thông tin nào. Hỏi thì nhân viên nói “vỏ hộp sẽ có đầy đủ thông tin hơn, chị đồng ý làm thì em lấy chị xem và sau khi gây tê 5 – 10 phút, làm chỉ khoảng 1 tiếng là xong”. Dịch vụ ở đây có tên “rất kêu”: phun môi pha lê, phun môi nữ hoàng, phun mí vi chạm, phun thêu chân mày khắc chạm, phun mày tán bột tự nhiên,…

Tiệm gội đầu, làm móng H. (Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM cũng tranh thủ làm thêm dịch vụ xăm, phun, thêu mày, môi, mắt với giá “bèo” chỉ vài trăm nghìn đồng. Nguồn gốc, chất lượng màu, thuốc không rõ ràng và nhân viên cắt, uốn tóc “kiêm thợ xăm mày”. Các thao tác đều được thực hiện ngay trên giường khách nằm gội đầu, không có phòng riêng biệt.

Mực xăm, vitamin… cũng có thể gây sốc

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM khẳng định: xăm chân mày, nhấn mí mắt, nâng mũi... có sử dụng thuốc gây tê, gây mê, nếu xảy ra phản ứng, ngộ độc thuốc đều có thể tử vong. Hoặc chỉ cần bôi tê, nhưng sau đó kim lăn đẩy thuốc tê này vô mạch máu cũng có thể dẫn đến sốc thuốc. Đơn giản hơn, ngay cả dạng thuốc an thần, kháng sinh, giảm đau sau làm đẹp cũng có thể bị dị ứng, sốc thuốc gây tử vong.

Xam moi, xam may… don gian, sao qua de chet?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, phó trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM

Sốc thuốc không phụ thuộc vào loại thuốc hay hàm lượng

Không chỉ có thuốc mới gây ra sốc, ngay cả hóa chất (như mực xăm, vitamin, tế bào gốc, chất làm đầy…) khi đã chạm vào máu do tiêm truyền, lăn kim, xăm môi… thì khả năng sốc phản vệ vẫn có thể xảy ra. Tóm lại. mọi loại thuốc và hàm lượng ít nhiều đều có thể gây sốc thuốc.

“Chức năng của spa là mát xa, thư giãn nhưng hiện nay, các tiệm spa, phun xăm... vẫn ngang nhiên chích thuốc tê, lăn kim gây chảy máu để thực hiện xăm môi, xăm mày rầm rộ.  Thậm chí vì tiền, các cơ sở này còn nhận làm các thủ thuật lớn hơn như hút mỡ bụng, nâng ngực… Những kỹ thuật này thuộc về ngành y tế, đòi hỏi kỹ thuật viên có tay nghề và phòng khám phải có dụng cụ và thuốc cấp cứu khẩn cấp.”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Trung bình mỗi tuần, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM tiếp nhận 2 ca bị biến chứng sau làm đẹp. Bệnh nhân từ 20 – 30 tuổi, bị biến chứng vì tiêm chất làm đầy để nâng mũi, má, vòng một, biến chứng vì cắt lúm đồng tiền.

PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết thỉnh thoảng bệnh viện tiếp nhận vài bệnh nhân bị dị ứng toàn thân hoặc dị ứng tại chỗ do làm đẹp tại cơ sở bên ngoài. Bệnh nhân dị ứng chủ yếu do thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau.

Xam moi, xam may… don gian, sao qua de chet?
Một ca biến chứng sau làm đẹp tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM

Khi bị biến chứng sau làm đẹp, người bệnh phải tốn chi phí gấp 3-4 lần số tiền bỏ ra làm đẹp trước đó. Tuy nhiên, sau khi điều trị thành công, những nơi biến chứng cũng không thể lấy lại được nét đẹp ban đầu. Bệnh nhân phải sống với sẹo to, lồi, lõm suốt đời.

Bác sĩ Tuấn nói thêm: “Có thể người bệnh nhầm lẫn phản ứng thuốc, ngộ độc thuốc với những căn bệnh thông thường nên không tới bệnh viện sớm để được can thiệp. Đến khi không còn chịu nổi, cơ thể đã ngất lịm mới đưa đi thì đã quá muộn. Hoặc có thể sự ngộ độc diễn ra quá nhanh nên gia đình không kịp đưa họ đến bệnh viện, nên phần lớn những người đến bệnh viện cầu cứu đều là do biến chứng, hoại tử từ nơi làm đẹp”.

Các bác sĩ cho biết, triệu chứng sốc thuốc thường chóng mặt, đi đứng liêu xiêu, tim đập nhanh, khó thở. Nếu nhìn thấy được những dấu hiệu này thì bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc nặng, dễ tử vong.

Xam moi, xam may… don gian, sao qua de chet?

Theo bác sĩ Cao Ngọc Bích, hiện các spa, phun xăm thuộc quyền quản lý của phòng kinh tế các quận/huyện, chứ không phải của ngành y tế. Các địa phương nên có những đoàn kiểm tra liên ngành, có sự tham gia của hội phẫu thuật thẩm mỹ để xử lý nghiêm khắc cơ sở làm đẹp sai phạm.

“Ai cũng muốn mình trở nên đẹp hơn, nhất là chị em phụ nữ, nhưng trước khi quyết định làm đẹp, mọi người nên tìm hiểu các cơ sở uy tín hơn là ham rẻ, ham đẹp nhanh rồi lãnh hậu quả khôn lường”, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo.

Nguyễn Cẩm - Phạm An - Văn Thanh - Nhật My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI