Vụ 10 người bị phơi nhiễm HIV vì kim tiêm: đối tượng ra tay vào buổi trưa và tối

08/04/2019 - 20:10

PNO - Hầu hết những người bị đối tượng dùng vật sắc nhọn đâm vào lưng, tay khi đang chạy xe và không quen biết người này, cũng không hiểu tại sao bản thân mình bị đâm.

Từ ngày 3/3 đến ngày 1/4/2019, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận đến 10 nạn nhân bị kẻ lạ mặt dùngvật sắt nhọn đâm vào tay, lưng khi lưu thông trên địa bàn quận 5. Đối tượng ra tay chủ yếu vào buổi trưa và tối.

Một trong 10 nạn nhân bị kẻ lạ tấn công là chị N.Q.T. (37 tuổi, nhà ở Bình Thạnh). Ngồi chờ bác sĩ tái khám, chị run run, giọng lạc đi: “Buổi trưa tầm 12 giờ, tôi hay đi rước con tan học. Khi đến trường chờ con thì tôi bị nam thanh niên dùng vật sắt nhọn đâm vào người.

Tôi hoảng loạn ngã xe, lúc mọi người dìu lên mới thấy bắp chân chảy máu do kim tiêm cắm vào. Tôi gọi điện thoại cho dì của cháu đi rước dùm rồi chạy vội vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới xét nghiệm HIV. Cầu mong tôi không bị gì, nếu không...".

Vu 10 nguoi bi phoi nhiem HIV vi kim tiem: doi tuong ra tay vao buoi trua va toi
 

Theo công an, đối tượng tấn công khiến 10 người dân phải điều trị phơi nhiễm HIV  tên Châu Kiều Bình H. (sinh năm 1989, thường trú phường 12, quận 6) đã bị mời lên làm việc để lấy lời khai. Kiểm tra tại nhà đối tượng này, công an thu giữ nhiều vật kim loại dạng xoắn, nhọn. Đối tượng khai bị bệnh tâm thần, có tiền sử cai nghiện ma túy nên công an đang chờ kết quả giám định của bệnh viện. 

Đối tượng H. thừa nhận việc dùng vật kim loại sắc nhọn đâm 6 nạn nhân tại khu vực cầu Nguyễn Văn Cừ và các địa điểm khác trên địa bàn quận 5. Do đó, các trường hợp bị đâm còn lại công an đang tiếp tục phối hợp với bệnh viện làm rõ. Tạm thời công an cho gia đình bảo lãnh người này về quản thúc tại nhà, với sự giám sát của lực lượng chức năng địa phương.

3 tháng đầu năm 2019, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị cho 918 người phơi nhiễm HIV cầu cứu bác sĩ trong nhiều tình huống khác nhau, có người nhặt ve chai bị kim tiêm đâm vào tay, có người lỡ bị máu của người HIV bắn trúng, có người đang quan hệ với bạn tình bị rách bao cao su… 

TS.BS Lê Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – cho biết: “Tuy chưa xác định được đối tượng đâm kim vào 10 người dân có bị HIV hay không, nhưng về dự phòng buộc chúng tôi phải chỉ định mọi người điều trị phơi nhiễm.

Các nạn nhân sau khi được bác sĩ giải thích, các nạn nhân đã bớt hoảng hốt, bình tĩnh hơn và hiện đã điều trị bằng thuốc theo phác đồ. 

Người dân cũng không nên quá lo lắng bởi nếu uống thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì sẽ không bị mắc bệnh này. Hơn 10 năm qua, bệnh viện tiếp nhận, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV cho người dân tại TP.HCM và các tỉnh thành đều cho kết quả khả quan khi không ai mắc bệnh sau dùng thuốc”.

Vu 10 nguoi bi phoi nhiem HIV vi kim tiem: doi tuong ra tay vao buoi trua va toi
 

Bác sĩ Hùng nói thêm, hiện nay, phơi nhiễm HIV rất hay gặp trong cuộc sống thường ngày nhưng không phải cứ phơi nhiễm là sẽ bị mắc HIV. Ngoài những người làm công việc đặc thù, phải tiếp xúc, chăm sóc cho người bị HIV/AIDS, người dân thường hay bị đạp kim tiêm, bị tấn công như vụ việc vừa qua, quan hệ tình dục không an toàn… đều có nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Theo bác sĩ Hùng, nếu một người bị tai nạn, nghi ngờ bản thân có thể bị phơi nhiễm HIV cần đến các cơ sở y tế trong vòng 72 giờ đồng hồ để được tư vấn và sử dụng thuốc điều trị phơi nhiễm. Các tình huống phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp thường rất đa dạng với những nguy cơ khác nhau. Việc quan trọng nhất cần làm là nhanh chóng xử lý bởi càng để lâu thì hậu quả có thể sẽ càng nghiêm trọng.

Làm gì khi nghi ngờ bản thân bị phơi nhiễm HIV?

Với tổn thương da chảy máu phải rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong thời gian ngắn, không bóp, nặn vết thương. Rửa kỹ vết thương bằng xà phòng. Nếu bị thương ở mắt, mũi, miệng cần rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút.

Trong vòng 72 giờ đồng hồ, không phân biệt ngày, đêm phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra xử lý vết thương và tư vấn phơi nhiễm. Khi đến cơ sở y tế, phải thông báo rõ tình huống gặp phải và các bước sơ cứu của bạn cho y bác sĩ biết.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI