Vì sao bệnh viện tư muốn… tụt hạng?

03/07/2017 - 16:17

PNO - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho rằng: “0,1% hay 10% gì thì cũng như nhau cả. Có những cái 1 đồng cũng phải thu”.

Sáng 3/7, tại TP.HCM, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có buổi đối thoại với cơ sở y tế tư nhân về việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế ngoài công lập.

Nhà quản lý phải biết… có những thứ không cần xem tỷ lệ

Khi ông Hà Văn Thuý, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế thắc mắc về con số 2,8 tỷ đồng chênh lệch khi một Bệnh viện đa khoa quốc tế ở Hà Nội mua thuốc cao hơn giá của một bệnh viện khác?

Vi sao benh vien tu muon… tut hang?
Chủ đầu tư phòng khám đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) đặt câu hỏi với Bảo hiểm xã hội Việt Nam sáng 3/7

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết trong 423 mặt hàng thuốc mà một bệnh viện đa khoa quốc tế  sử dụng, có 92 mặt hàng có giá cao hơn nếu so sánh với Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

Theo ông Thảo, Bệnh viện Xanh Pôn cùng là bệnh viện hạng 1, cùng sử dụng thuốc biệt dược như Bệnh viện đa khoa quốc tế đó nhưng “trong khi Bệnh viện Xanh Pôn mua 10 ngàn đồng thì bệnh viện này mua 12 ngàn đồng.

Dù là thuốc cùng nhà sản xuất, cùng nhà phân phối. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chủ quan của bệnh viện, nếu lựa chọn tốt thì sẽ không có sự chênh lệch này”.

Vi sao benh vien tu muon… tut hang?
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời chất vấn


Ông Nguyễn Minh Thảo cho rằng, chuyện vượt trần vượt quỹ bảo hiểm y tế đúng ra theo luật thì sẽ không được thanh toán, nhưng do nguyên nhân khách quan nên vụ vượt trần có thể xem xét.

Nhưng riêng việ để vượt quỹ bảo hiểm y tế lại không phải là nguyên nhân khách quan nên không thể trả lại tiền cho cơ sở y tế. Ông Nguyễn Minh Thảo khẳng định: “Dù tỷ lệ 0,1% hay 10% thì cũng như nhau, có những cái 1 đồng cũng phải thu. Nhà quản lý phải biết chuyện này”.

Vì sao bệnh viện tư muốn… tụt hạng?

Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn cho biết nhiều cơ sở y tế tư nhân chỉ chăm chăm muốn...tụt hạng! Ông Nguyễn Minh Thảo đã tìm ra câu trả lời cho tình trạng này. Đó chính là các cơ sở y tế tư nhân chỉ muốn tụt hạng để gom thật nhiều bệnh nhân.

“Mặc dù là cơ sở y tế hạng 2, hạng 1 thì danh mục kỹ thuật rộng hơn, danh mục thuốc nhiều hơn, tiền công khám chữa bệnh cho bác sĩ chúng tôi trả cao hơn. Nhưng các cơ sở y tế tư nhân muốn xuống hạng 3 để áp dụng để được thông tuyến với các cơ sở y tế khác trong cả nước”.

Vi sao benh vien tu muon… tut hang?
Bác sĩ Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc phòng khám đa khoa Y Đức (Biên Hòa, Đồng Nai)


Liên quan đến thứ hạng các bệnh viện, ông Nguyễn Minh Thảo cũng thông tin luôn cho các cơ sở y tế về cách phân hạng bệnh viện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đó là nếu bệnh viện thực hiện được trên 50% dịch vụ của bệnh viện hạng 1 thì sẽ ký giống bệnh viện hạng 1.

Nếu bệnh viện thực hiện được trên 50% dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện hạng 2 và hạng 1 thì ký giống bệnh viện hạng 2. Nếu bệnh viện thực hiện trên 50% dịch vụ của bệnh viện hạng 3 thì ký theo bệnh viện hạng 3. Còn thấp hơn thì ký là bệnh viện hạng 4.

Ông Nguyễn Minh Thảo giải thích cho việc phân hạng bệnh viện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là do Bộ Y tế chưa làm được chuyện phân hạng bệnh viện, thay vào đó lại giao cho các địa phương.

Tuy nhiên, do không có tiêu chí cụ thể nên ngay cả Bộ Y tế hay các địa phương đều không thể xếp hạng bệnh viện. Bộ Y tế đã có công văn số 6969 giao lại cho cơ quan Bảo hiểm xã hội phối hợp với sở y tế các tỉnh thành và thỏa thuận với bệnh viện để áp mức thanh toán bảo hiểm y tế.

“Hiện nay, chúng tôi đang sử dụng danh mục các dịch vụ khám chữa bệnh làm căn cứ chính để phân hạng cơ sở y tế”, ông Thảo cho biết thêm.

Kê thêm giường bệnh có 2 vấn đề… không tốt

Trao đổi với báo giới, ông Thảo cho rằng nếu các cơ sở y tế tư nhân kê thêm giường bệnh do bệnh nhân quá đông thì sẽ có 2 vấn đề “không tốt”.

“Nếu cơ sở y tế tư nhân không đảm bảo chỉ số về nhân viên y tế và không đảm bảo diện tích, trang thiết bị thì nếu kê thêm giường bệnh sẽ dẫn đến giảm chất lượng điều trị. Thứ hai là tăng chi phí không cần thiết”.

Vi sao benh vien tu muon… tut hang?
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam


Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam trích dẫn ví dụ như một cơ sở y tế ở tỉnh Quảng Ninh “có sự trục lợi gây lãng phí”. Ông Thảo phân tích, trong khi tỷ lệ người điều trị nội trú trên thẻ của cả nước chỉ là 16% còn tại Quảng Ninh tỷ lệ này lên đến 26%.

Như vậy “rõ ràng là có sự trục lợi gây lãng phí. Nếu kê thêm giường thì chi phí nội trú vào khoảng 3 triệu đồng, gấp 10 lần so với ngoại trú (300 ngàn đồng). Người bệnh phải nằm viện, người nhà phải chăm sóc. Lãng phí bảo hiểm y tế, lãng phi cả chi phí sống”.

Các cơ sở y tế tư nhân nói gì?

Bác sĩ Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc phòng khám đa khoa Y Đức (Biên Hòa, Đồng Nai) đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên khoán mức chi bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế, thay vì phải cắt cử các giám định viên theo dõi, giám sát các cơ sở y tế như hiện nay.

“Khi đã khoán cho các cơ sở y tế thì tiền bảo hiểm y tế đã là tiền của chính các bệnh viện, phòng khám. Lúc đó, họ sẽ tìm cách làm sao để không bị bội chi. Đội ngũ giám định viên của bảo hiểm xã hội không đủ năng lực để giám định sẽ gây ức chế cho bác sĩ. Các quy định pháp luật hiện nay về bảo hiểm y tế đang làm tổn thương và làm mất lòng tin của người bệnh”.

Vi sao benh vien tu muon… tut hang?
Bác sĩ Nguyễn Duy Bách, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bệnh viện Saigon ITO Đồng Nai


Bác sĩ Nguyễn Duy Bách, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bệnh viện Saigon ITO Đồng Nai: "Có những việc áp đặt xuất toán mà bảo hiểm xã hội không giải thích được hoặc không thuyết phục. 

Chúng tôi muốn đồng hành để bảo vệ quỹ bảo hiểm y tế nhưng phải cho chúng tôi biết trước các quy định mới, chứ ai lại đi truy thu xuất toán với những quy định chưa ai biết?”

Vi sao benh vien tu muon… tut hang?
Bác sĩ Đào Cảnh Tuất, Chủ phòng khám đa khoa Vạn Phúc (tỉnh Bình Dương)


Bác sĩ Đào Cảnh Tuất, Chủ phòng khám đa khoa Vạn Phúc (tỉnh Bình Dương): “Có những quy định bất cập, không sát với tình hình thực tế. Chẳng hạn quy định 1 bác sĩ ở bệnh viện hạng 2,3 chỉ được khám 35 bệnh nhân/ngày.

Còn bác sĩ ở bệnh viện hạng 1 chỉ khám không quá 45 bệnh nhân/ngày. Vậy bệnh nhân thứ 36, thứ 46 thì phải làm sao? Bác sĩ có dám đứng dậy khi bệnh nhân đã ngồi chờ cả một ngày trời hay không?”.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI