Vì sao Bệnh viện Từ Dũ không nhận máu hiếm từ người khác hiến cho sản phụ?

05/11/2018 - 13:15

PNO - Khi biết sản phụ T. bị băng huyết sau sinh nguy kịch, cần máu hiếm AB/Rh(-), rất nhiều người đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM – nơi chị T. đang được cấp cứu để hiến máu nhưng đều bị từ chối.

Sau khi sinh con gái 3kg khỏe mạnh tại bệnh viện tỉnh, sản phụ P.T.X.T. (35 tuổi, ở tỉnh Bến Tre) bị băng huyết sau sinh, lại không có nhóm máu hiếm AB/Rh(-) truyền gấp nên được chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cấp cứu.

Vi sao Benh vien Tu Du khong nhan mau hiem tu nguoi khac hien cho san phu?
 

Chị T. vào Bệnh viện Từ Dũ trong tình trạng nguy kịch, mạch và huyết áp gần như không đo được. Ngay lập tức, các bác sĩ báo động đỏ nội viện để cấp cứu bệnh nhân, đồng thời liên hệ với Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy để hỗ trợ nguồn máu.

Bác sĩ CK2 Bùi Văn Hoàng – quyền Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ – cho biết: “Ngay khi chuyển lên phòng mổ, bác sĩ truyền 250ml máu để cứu sản phụ qua cơn nguy kịch. Sau đó, chúng tôi gặp anh Nguyễn Tiến Bảo, chồng của bệnh nhân để thông báo tình trạng bệnh. Bác sĩ nói chị đang gặp nguy hiểm vì có nhóm máu hiếm, bệnh viện đang huy động hết khả năng để tìm máu cho chị. Sau đó người nhà tâm sự với thân nhân của các bệnh nhân khác trong bệnh viện. Có lẽ thương cảm nên họ lên mạng xã hội xin máu; chứ Bệnh viện Từ Dũ không lên mạng để huy động máu”.

Sau đó, nhiều cuộc gọi, thậm chí nhiều người nhận mình có nhóm máu hiếm như chị T. đến bệnh viện ngỏ ý muốn hiến máu nhưng Bệnh viện Từ Dũ từ chối không nhận.

Vi sao Benh vien Tu Du khong nhan mau hiem tu nguoi khac hien cho san phu?
TS.BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ thăm chị T.

Bác sĩ CK2 Lê Minh Hoài An – Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Máu được hiến tặng phải qua quy trình xử lý đạt chuẩn thì bệnh viện mới có thể truyền cho người bệnh, chứ không phải truyền trực tiếp từ người cho sang người nhận. Bệnh viện cũng không phải đơn vị tiếp nhận máu nên hướng dẫn nhà hảo tâm sang Hội Chữ thập đỏ và Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM đăng ký. Hai đơn vị này mới có quyền nhận máu hiến tặng và các thiết bị để xử lý nguồn máu này”.

Về trường hợp của chị T., bác sĩ Hoài An nói thêm, bệnh viện luôn có nguồn máu dự trữ cho tình huống cấp bách, có thể giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Để đảm bảo nguồn máu, bệnh viện vẫn cần huy động nguồn máu từ ngân hàng máu và các bệnh viện hỗ trợ.

Chị T. qua cơn nguy kịch cũng có sự hỗ trợ từ nguồn máu hiếm AB (Rh-) từ Bệnh viện Truyền máu Huyết học với 250ml và Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM là 1 lít. 

Vi sao Benh vien Tu Du khong nhan mau hiem tu nguoi khac hien cho san phu?
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Minh Hoài An – Trưởng khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Từ Dũ

Anh Bảo, chồng sản phụ T. chia sẻ: 14 năm trước chị T. sinh con đầu lòng nhưng không biết mình mang nhóm máu hiếm. Lần sinh này, khi chị T. khám thai định kỳ, các bác sĩ ở tỉnh có phân tích cho anh chị hiểu về sự nguy hiểm của nhóm máu này. 

TS.BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ – cho biết: “Vì cấp cứu và tiếp máu kịp thời, chị T. đang phục hồi rất tốt. Sản phụ có thể ăn, uống và xuất viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, những sản phụ có máu hiếm như chị T., nên chủ động thông báo với bác sĩ về nhóm máu của mình để ca mổ chuẩn bị tốt nhất”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI