Vì sao bệnh nhân ung thư 'bỏ' bệnh viện, theo thầy lang?

05/06/2017 - 08:30

PNO - Nhiều bệnh nhân bị ung thư được phát hiện sớm, đang điều trị ổn định, tiến triển tốt, bất ngờ bỏ ngang chuyển sang dùng cây cỏ, thuốc tễ… khi nhập viện trở lại, bác sĩ (BS) đành 'bó tay'.

Tin lời truyền miệng, mất mạng oan uổng

Bệnh nhân Nguyễn Văn Kh. (47 tuổi, ngụ Long An) vừa trở lại Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, gầy còm, đau nhức toàn thân. Anh cho biết, gia đình khó khăn và sợ mổ xẻ nên ba tháng qua, anh 'theo' một thầy lang tại Tiền Giang.

Trước đó, bệnh nhân Kh. được BV Ung Bướu phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm, khối u khu trú. Theo phác đồ, anh Kh. sẽ được cắt khối u, xạ trị. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, anh Kh. bặt tăm. Kết quả kiểm tra mới đây khiến anh chết lặng: tế bào ung thư đã di căn đến gan, phổi…

Anh Kh. tiết lộ, mỗi ngày thầy lang “bốc” cho anh ba thang thuốc gồm nhiều loại rễ, hoa, lá phơi khô và một gói bột màu trắng mang về sắc uống. Vài ngày đầu anh ăn ngủ khá ngon, nhưng một tháng trở lại đây, cơ thể đau nhức dữ dội.

Vi sao benh nhan ung thu 'bo' benh vien, theo thay lang?
Nhiều bệnh nhân lìa đời oan uổng vì chữa bệnh theo tin đồn, thông tin trên mạng - Ảnh QUỐC NGỌC

Tương tự, Nguyễn Minh T. (18 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM), bị ung thư phần mềm vùng nách cũng được phát hiện ở giai đoạn sớm. Xạ trị, theo dõi định kỳ tại BV Ung Bướu cho thấy bướu xẹp dần, thể trạng tốt, bỗng dưng T. bỏ ngang liệu trình xạ trị.

Mới đây, T. nhập viện trong tình trạng xuất huyết toàn thân, máu không đông, tiên lượng rất xấu. Người nhà T. cho biết, theo “mách nước” của nhiều người, “uống nọc rắn lục trị dứt điểm ung thư”, gia đình đã tìm nọc rắn lục cho T. dùng. T. vừa uống xong, mắt lờ đờ, thể trạng yếu ớt và ho, tiêu ra máu. Các BS tận tình cứu chữa, nhưng T. không qua khỏi.

Hay trường hợp của anh Võ Văn H. (51 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) được phát hiện ung thư gan, BS chỉ định phẫu thuật, nạo hạch, xạ trị. Trong thời gian chờ phẫu thuật, vợ anh đi xem bói và được “phán”: “Anh ấy bị kẻ xấu “thư”. Chỉ cần khấn vái, trừ bùa”.

Thầy bói còn “ra toa”: uống cây lược vàng, lá mật gấu chừng ba tháng là hết bệnh. Sau một tuần uống “đúng thuốc”, anh H. “khỏe thấy rõ”. Một tháng uống thuốc theo “thầy” hướng dẫn, da dẻ anh H. khá hồng hào. Trong lúc vợ anh thầm mừng, định ngày “tạ lễ”, bỗng anh H. cảm thấy mệt mỏi bất thường. Gần kết thúc “liệu trình”, anh H. nôn ói liên tục. Nhập BV Ung Bướu, các BS phát hiện anh H. bị ung thư di căn.     

Vi sao benh nhan ung thu 'bo' benh vien, theo thay lang?
Nhiều bệnh nhân lìa đời oan uổng vì chữa bệnh theo tin đồn, thông tin trên mạng. Ảnh: Quốc Ngọc

Sức khỏe tạm ổn vài ngày đầu đã tin khỏi bệnh

Hiện nay, có rất nhiều lời đồn thổi về công dụng chữa tận gốc ung thư bằng cây cỏ, hoa lá như cây lược vàng, lá đu đủ, lá sả, cây xạ đen… Trên mạng, nhiều “lương y” cũng khẳng định có bài thuốc gia truyền chữa hết ung thư. Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Thị Sơn, Phó trưởng khoa Y học cổ truyền BV ĐH Y Dược TP.HCM, y học cổ truyền chỉ có thể hỗ trợ điều trị ung thư, nâng đỡ thể trạng, giúp ăn ngon miệng, ngủ ngon, qua đó giúp cải thiện sức khỏe, chứ chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy điều trị dứt bệnh.

“Tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư trong tình trạng sưng phù toàn thân, thể trạng kiệt quệ. Các bệnh nhân này bỏ ngang điều trị Tây y, uống các loại lá,  thuốc tễ (có chứa corticoid) nên thời gian đầu thấy khỏe, phấn chấn và ăn ngủ ngon. Sau đó, ung thư bùng phát, di căn”. 

BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc BV Ung Bướu lý giải, có một số trường hợp sau khi phẫu thuật, xạ trị ung thư, hạch vẫn còn. Nhưng sau đó bệnh nhân chữa theo phương pháp dân gian như uống lá đu đủ, cây xạ đen… thì hạch nhỏ lại hoặc biến mất.

Thực tế, sau khi kết thúc xạ trị thì tác dụng của nó vẫn còn kéo dài trong vài tháng, do đó hạch sẽ nhỏ hay biến mất là điều dễ hiểu. Hay có bệnh nhân khẳng định mình được BS chẩn đoán ung thư, có hồ sơ hẳn hoi và đã chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc Nam.

Thực ra, trường hợp này có thể BS dặn theo dõi ung thư, hoặc chẩn đoán ung thư theo cảm nhận của BS, mà chưa làm giải phẫu bệnh (xác định chắc chắn ung thư), nên có thể rơi vào trường hợp bệnh lý lành tính (không mắc bệnh ung thư). 

BS Thịnh khẳng định: “Chúng tôi không phủ nhận giá trị hỗ trợ chữa bệnh ung thư của Đông y, nhưng nhiều bệnh nhân đang nhầm lẫn xem đây là cách điều trị ung thư hiệu quả. Qua hàng chục năm điều trị cho bệnh nhân ung thư, tôi và đồng nghiệp tại BV Ung Bướu chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư mà chữa khỏi bằng các bài thuốc dân gian hay cây cỏ, hoa lá, nhân điện…

Ngược lại, hầu như mỗi ngày chúng tôi đều tiếp nhận bệnh nhân bị ung thư bỏ dở phác đồ điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị để chuyển sang các biện pháp dân gian khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn, không thể cứu chữa”. 

Hầu hết bệnh nhân ung thư sử dụng thuốc Nam, thuốc Bắc, chỉ thấy “khỏe” giai đoạn đầu và bệnh trở nặng, nhanh chóng tử vong. Bệnh nhân ung thư không nên kiêng khem trong ăn uống mà cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. 

Đối với những người ăn chay cần có chế độ lành mạnh, cung cấp đầy đủ năng lượng. Bởi nếu không đảm bảo yếu tố này sẽ khiến bệnh nhân gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.

 PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI