Tự ý truyền dịch coi chừng tử vong!

03/08/2018 - 10:30

PNO - Cứ có cảm giác mệt mỏi, nhiều người lại đi truyền dịch mà không cần biết mình được truyền dịch gì và nguy cơ tai biến như thế nào.

Đã xảy ra những ca tử vong vì truyền dịch tại nhà, tại phòng khám tư…

Truyền dịch... thay cơm!

Chị Quỳnh, nhân viên công ty tổ chức sự kiện, hồn nhiên kể: “Truyền dịch tại nhà sướng lắm, vừa khỏe người, vừa đỡ mất công ra vô bệnh viện. Cuối tuần rồi đi chơi về mệt quá, em mới truyền hai chai. Cứ mệt mệt là em nhờ chị điều dưỡng ở bệnh viện qua nhà truyền dịch. Mệt ít thì truyền một chai, giá 250.000 đồng, cho thêm 50.000 đồng nữa. Hôm nào mệt, thêm biếng ăn thì truyền hai chai. Ngày nào em mệt lắm thì nhờ điều dưỡng ở lại, còn không thì truyền xong em tự rút kim, đơn giản, khỏe re”.  

Khi tôi hỏi thường truyền dịch gì, chị Quỳnh cười: “Thì truyền dịch chứ truyền gì. Có khi chai màu trắng, có khi chai màu vàng. Truyền vô là thấy khỏe, quen rồi nên không hỏi. Mà ở quê em (Nghệ An), rất nhiều người truyền dịch, cả nhà em ai mệt cũng truyền dịch, truyền từ nhỏ đến giờ có sao đâu. Có 150.000 đồng/lần truyền, mà mau khỏe, không phải uống thuốc hại người thì sao không truyền”.

Tu y truyen dich coi chung tu vong!
 

Ngày càng nhiều người quan niệm như chị Quỳnh: truyền dịch là truyền “thuốc khỏe”, coi đó như thuốc tiên nên khi người “ẩm ương” là vô nước biển thay cơm. Thậm chí, nhiều người còn không biết truyền dịch là truyền cái gì, chỉ gọi là “truyền nước biển”. Như Bà Lê Thị T. - ở H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, cứ bị mệt thì gọi “y tá” đến nhà vô nước biển. Một thanh niên trẻ tên K. xưng là y sĩ đi chích thuốc và truyền dịch tại nhà theo yêu cầu với giá 120.000 đồng/chai. Ngoài ra, ở đây còn có y sĩ Th., y sĩ B., hai y sĩ này rất đông bệnh nhân, nên chỉ nhận truyền tại phòng mạch với giá 90.000-100.000 đồng/chai. Thậm chí ở vùng này, ngày trước còn có một thầy lang, chuyên truyền dịch bằng nước dừa tươi và đã có người tử vong. 

Nở rộ truyền dịch tại gia

Chỉ cần một cú nhấp chuột tìm kiếm cụm từ “dịch vụ truyền dịch tại nhà” là có ngay 4.273.424 kết quả với hàng trăm địa chỉ làm dịch vụ đến nhà truyền dịch. Tương tự, trên mạng xã hội cũng có rất nhiều trang nhận truyền dịch tại nhà, với quảng cáo hấp dẫn. Tuy nhiên, dù quảng cáo rầm rộ là an toàn, uy tín, chất lượng nhưng hầu như không trang nào cho biết mình thuộc đơn vị nào, do ai phụ trách chuyên môn. Phần lớn những trang này không cung cấp thông tin như: dịch truyền gồm những loại gì, tác dụng như thế nào, đối tượng truyền… mà chỉ đưa hình ảnh bệnh nhân đang ung dung truyền dịch tại nhà.  

Nổi bật là trang Dịch vụ y tế tại nhà 24/24, với quảng cáo: nhận tiêm truyền, cắt chỉ, thay băng, bấm huyệt, châm cứu, massage tại nhà… kèm theo đó là hình ảnh những người đang nằm truyền dịch trên chiếc giường êm ái, tay đang lướt điện thoại. 

Trang Dịch vụ y tế tại nhà, tiêm, truyền dịch, thay băng TP.HCM 0903 0551… còn kiêm thêm cả dịch vụ làm đẹp là tiêm truyền trắng da trọn gói. Trang này đăng hình ảnh từ trẻ em bị sốt được truyền dịch tại nhà, cho đến trung niên, người cao tuổi bị mệt, ăn uống không ngon, sốt… cũng được truyền dịch tại nhà.

Ngày 27/7, tôi gọi đến số điện thoại trên với nhu cầu: ăn không ngon, muốn truyền dịch, nhưng không biết truyền dịch gì. Người đàn ông bên kia tư vấn ngay: “vậy sẽ truyền đạm cho chị, giá 300.000 đồng, gồm tiền công và thuốc”. Tôi than đang bị mệt, liệu truyền dịch này có khỏe không, thì anh nói chắc nịch: “vậy phải truyền thêm chai hoa quả nữa, giá 250.000 đồng”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy là đến nhà truyền thôi, không làm xét nghiệm gì hả anh?”. Người này trả lời: “Có khám và đo huyết áp, chứ không xét nghiệm”.

Tôi nghe tư vấn mà giật mình, dù anh ta làm dịch vụ y tế - nhưng có vẻ đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, thậm chí tư vấn truyền thêm dịch một cách đơn giản - dù truyền dịch là phải có chỉ định của bác sĩ. 

Hiện nay, không ít người ăn theo nhu cầu truyền dịch này, gọi đúng hơn là đi truyền dịch dạo nên có sơ suất hoặc gặp vấn đề gì thì người bệnh lãnh đủ.

Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận một trường hợp đang truyền dịch tại nhà thì bị khó thở, rồi ngất. Đó là bệnh nhân Trần Mỹ L., ở Q.5. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện chị L. bị phù phổi cấp với rất nhiều dịch trong phổi do quá tải lượng dịch mới truyền và chị bị lơ mơ do thiếu ô-xy não và huyết áp tăng cao. May mắn, chị L. được đưa đi cấp cứu sớm, nên đã được các bác sĩ cứu chữa kịp thời.

Nguy cơ phù phổi cấp, sốc phản vệ

Bác sĩ Trương Thế Hiệp - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: trong cộng đồng hiện nay, còn rất nhiều người quan niệm là truyền dịch “nước biển”, nước “hoa quả”, dịch đạm để cho “khỏe”  hay xin bác sĩ được truyền dịch, thậm chí tự ý mua dịch truyền tại nhà. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì dịch truyền cũng như một loại thuốc, khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ, tùy theo bệnh lý thầy thuốc sẽ cho bệnh nhân sử dụng những loại dịch truyền phù hợp với tình trạng bệnh lý. Bác sĩ hay chỉ định truyền dịch trong những trường hợp: khôi phục thể tích tuần hoàn, cung cấp dinh dưỡng, điều chỉnh các rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan; cung cấp các chế phẩm máu: hồng cầu, tiểu cầu, plasma... và các chỉ định khác như trong điều trị chống phù não...

“Dịch truyền cũng như một loại thuốc, khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ. Tùy theo bệnh lý, thầy thuốc sẽ cho bệnh nhân sử dụng những loại dịch truyền phù hợp với tình trạng bệnh lý”.
Bác sĩ Trương Thế Hiệp

“Vì vậy, không được truyền dịch bừa bãi, vì nếu không được bác sĩ khám và làm xét nghiệm thì không thể biết bệnh nhân thiếu chất gì để bổ sung. Với người có bệnh lý mạn tính hay khỏe mạnh thì khi truyền dịch đều có thể bị tai biến. Tai biến thường gặp khi truyền dịch là: khi truyền dịch mà dịch thoát ra ngoài sẽ gây phù tại chỗ, gây viêm tĩnh mạch; còn không tuân thủ vô trùng thì sẽ gây nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm gan, HIV. Đặc biệt khi truyền dịch nhanh, nhất là ở người bị tăng huyết áp, suy tim và người lớn tuổi thì có thể dẫn đến phù phổi cấp, sốc phản vệ, tắc mạch phổi... dẫn đến tử vong”, bác sĩ Hiệp cảnh báo. 

Những cái chết có liên quan “vô nước biển”

Ngày 9/1/2017, ông Nguyễn Văn T. (56 tuổi, ở H.Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), sau khi đi ruộng về bị mệt và lạnh nên người nhà kêu trưởng trạm y tế đến nhà truyền dịch. Khi đang truyền dở chai thứ ba thì ông T. đi ngoài không kiểm soát, tràn dịch ở mũi, miệng và tử vong chỉ sau vài phút. 

Tu y truyen dich coi chung tu vong!
Một dịch vụ đăng ảnh những bệnh nhân truyền dịch tại nhà do sốt, mệt

Ngày 12/6/2016, chị Trần Thị Tố U., 20 tuổi, đi bưng mâm quả đám cưới cho người thân về thì bị mệt nên được ba chở ra Phòng khám đa khoa T.M., ở Q.Tân Phú để khám. Tại đây, chị U. được xác định không có bệnh và được chỉ định: truyền dịch xong rồi về. Nhưng trong lúc đang truyền thì chị U. bị co giật, hạ huyết áp nên được điều dưỡng chuyển đến bệnh viện, nhưng chị U. đã tử vong trên đường đi cấp cứu. 

Tháng 9/2014,  chị Nguyễn Thị Hồng Ng. (23 tuổi, ở P.Vinh Tân, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) đã tử vong cũng vì truyền dịch. Trước đó, chị bị cảm cúm và đi chữa tại nhà một y tá về hưu. Sau chín ngày điều trị bằng truyền nước pha với kháng sinh, bệnh của chị Ng. ngày càng nặng. Đến khi chị bị phù nề, không đi được, khó thở, tức ngực thì y tá này mới cho gia đình đưa vào Bệnh viện TP.Vinh cấp cứu. Bác sĩ kết luận, do truyền quá nhiều nước và điều trị kháng sinh không đúng với bệnh lý nên chị Ng. bị nhiễm độc trong máu, dịch tràn phổi, tim phình to, nội tạng có dấu hiệu từ từ phân hủy.  

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI