Tử vong vì chơi... tennis

08/06/2018 - 16:43

PNO - Một bác sĩ ở độ tuổi trung niên đã qua đời, nguyên nhân được xác định là đột quỵ trong lúc chơi tennis.

Đây không phải trường hợp duy nhất, rất nhiều người đã lãnh hậu quả nghiêm trọng do lựa chọn những môn thể thao có cường độ tập luyện quá sức.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đức Thành - phụ trách khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thường xuyên ghi nhận các trường hợp bị chấn thương khi chơi thể thao. Nguyên nhân hàng đầu là các trường hợp này đã tham gia những hoạt động thể thao không phù hợp.

Hai lần vào viện vì 70 tuổi vẫn chơi tennis

Cụ thể là trường hợp của cụ ông tên N.V.D., ngụ tại Q.Tân Bình. Ông D. đam mê tennis và chơi môn thể thao này từ hồi trẻ. Nay đã 70 tuổi nhưng ông luôn theo dõi các giải thi đấu quần vợt trên thế giới, thậm chí hằng tuần vẫn đi đánh tennis. Nửa năm qua, ông đã hai lần bị chấn thương trong lúc chơi môn thể thao này.

Lần thứ nhất, cụ ông bị lật cổ chân và chấn thương dây chằng khớp cổ chân trong lúc di chuyển đánh banh. Vừa hồi phục, ông lại tiếp tục đi đánh tennis và ngã đập đầu xuống đất, lần này ông được đưa vào bệnh viện chụp CT, may mắn não chỉ bị chấn động. Qua tai nạn này, bác sĩ đề nghị bệnh nhân hãy ngưng chơi tennis, tham gia các môn thể thao vừa sức hơn như thiền, dưỡng sinh.

Tu vong vi choi... tennis
Chơi thể thao phải phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của mỗi người


Bóc tách động mạch cảnh sau cú đội bóng

Khi chơi thể thao, không chỉ xảy ra va chạm gây chấn thương mới nguy hiểm. Đôi khi một hành động tung người, lắc cổ để đánh bóng (tennis) cũng là khởi thủy của những nguy cơ khôn lường. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược kể từng có một bệnh nhân sau cú đội bóng trong lúc chơi đá bóng, về nhà xuất hiện triệu chứng yếu tay chân, méo miệng.

Khi đưa tới bệnh viện thăm khám, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định bệnh nhân này bị bóc tách động mạch cảnh. Nói cách khác, đây là một dạng đột quỵ do tắc mạch máu, thiếu máu lên não. Trường hợp này đã được điều trị bằng thuốc chống đông máu, nếu đến viện chậm trễ bệnh nhân có thể bị liệt nửa người.

Thế nào là thể thao vừa sức?

Theo bác sĩ Thành và bác sĩ Thắng, những môn thể thao đối kháng, đòi hỏi sự gắng sức sẽ không phù hợp với người lớn tuổi. Khi chúng ta không còn trẻ, gân cơ và dây chằng cũng kém sự dẻo dai, khó thích nghi với những vận động đòi hỏi sự nhanh nhạy, liên tục. Phản xạ của người lớn tuổi cũng chậm hơn, từ đó dễ đưa ra phán đoán sai, rất dễ xảy ra té ngã. Người cao tuổi nên tập những môn thể thao vừa phải như đạp xe, đi bộ, bơi lội, dưỡng sinh.

Bác sĩ Thành dẫn chứng, ngay cả môn thể thao tưởng chừng nhẹ nhàng nhất như yoga cũng có nhiều động tác chống chỉ định với một số người. Ví dụ: những ai bị đau khớp gối không được tập động tác hoa sen xếp bằng, hoặc động tác trồng chuối cũng cho là không phù hợp với người mới tham gia, nhất là người lớn tuổi vì có nguy cơ chấn thương cột sống cổ. Đối với tập gym, từng có một bệnh nhân nữ 49 tuổi bị rách cơ phải đi bệnh viện sau khi nâng tạ. 

Chẳng cứ người cao tuổi, ngay cả giới trẻ, thể lực tràn trề nhưng không luyện tập thường xuyên, chỉ tham gia một môn thể thao trong phút ngẫu hứng cũng vẫn xảy ra tai nạn như thường. Như trường hợp của nam sinh 24 tuổi, tên N.V.K. ở một trường đại học tại TP.HCM. K. chưa bao giờ chơi đá bóng, trong một lần ngẫu hứng, K. đã đấu giao lưu một trận với bạn bè. Kết quả, bệnh nhân bị chấn thương gãy xương cẳng chân phải phẫu thuật, nghỉ học mất ba tháng.

Những nguy cơ có thể xảy ra nếu chúng ta không lựa chọn môn thể thao đúng với sức khỏe và lứa tuổi của mình là chấn thương và đột quỵ. Đột quỵ có thể do nguyên nhân liên quan tới thần kinh, hoặc do nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, trong giới chuyên môn khi đã gọi đột quỵ thì thường để chỉ các vấn đề xảy ra với thần kinh. Khác với nhồi máu cơ tim làm bệnh nhân đột tử tại chỗ, đột quị liên quan tới thần kinh ít khi gây tử vong lập tức, thường xảy ra do hai nguyên nhân.

Trước tiên, do mạch máu bệnh nhân đã có sẵn bất thường từ trước, nay vận động mạnh làm mạch máu bể ra. Tiếp đến, do mạch máu của bệnh nhân bị tổn thương, bóc tách khi bất ngờ vận động mạnh (hay xảy ra ở động mạch cảnh vùng cổ, dễ gặp khi bệnh nhân tham gia các môn võ có động tác kẹp cổ, hoặc chơi tennis).

Khi thấy nạn nhân trong hoặc sau lúc chơi thể thao bỗng dưng nói đớ, méo miệng, yếu tay chân, đau đầu dữ dội, thậm chí hôn mê thì cần để nằm cố định và đưa ngay đến bệnh viện. Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở, ngưng hô hấp thì mới sơ cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt tại chỗ, ngoài ra những người xung quanh không thể tự cấp cứu được. Tỷ lệ đột quỵ trong thể thao trên thế giới là 3/100.000 người dân/năm.

 Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI