Tử vong sau khi bị mò đốt

06/10/2018 - 06:00

PNO - Tưởng là cảm cúm thông thường, nhưng chuyển qua nhiều bệnh viện - từ huyện đến tỉnh, bệnh nhân N.T.T. (70 tuổi, Nam Định) đều không được chẩn đoán ra bệnh.

Sau khi đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã tử vong vì căn bệnh sốt mò.

Chẩn đoán muộn

Vốn khỏe mạnh, bà N.T.T. bỗng dưng có biểu hiện sốt cao liên tiếp. Tưởng bà cảm cúm thông thường, gia đình tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ nên phải chuyển lên bệnh viện tuyến huyện rồi tỉnh. Tại đây, bệnh nhân T. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết nhưng quá trình điều trị, bệnh ngày càng nặng hơn.

Bảy ngày sau khi bệnh khởi phát, bà T. được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân sốt cao, mạch nhanh, rối loạn đông máu, huyết áp tụt không đo được, phải dùng thuốc vận mạch. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị toan chuyển hóa nên có thể đối mặt với nguy cơ ngừng tuần hoàn. 

Tu vong sau khi bi mo dot
Bệnh nhân N.V.S. vẫn đang phải thở ô-xy do biến chứng viêm phổi, suy hô hấp của sốt mò

Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện khu vực cạnh bẹn của bệnh nhân có một vết đốt nhỏ đã đóng vảy. Cùng với những triệu chứng ban đầu, các bác sĩ đã cho làm xét nghiệm và kết quả bệnh nhân dương tính với sốt mò. Do biến chứng của sốt mò, bệnh nhân T. bị viêm cơ tim. Các bác sĩ phải sử dụng kháng sinh đặc hiệu, thuốc vận mạch, hỗ trợ hô hấp, đặt nội khí quản, lọc máu… Tuy nhiên, do nhập viện quá muộn nên bệnh nhân T. vẫn ngừng tuần hoàn, tiên lượng không qua khỏi nên gia đình đã xin về nhà. 

Cũng giống bệnh nhân T., ông N.V.S. (63 tuổi, Ninh Bình) bị ấu trùng mò đốt nhưng sau năm ngày mới phát hiện ra bệnh. Khi tới điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân S. đã bị viêm phổi, suy hô hấp và phải thở ô-xy. Vợ ông S. chia sẻ: “Ban đầu, gia đình tôi nghĩ ông ấy bị sốt vi-rút thông thường, nhưng đêm thứ hai bỗng sốt cao tới gần 400C nên phải đưa vào bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán chồng tôi bị sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đến ngày thứ năm, khi phát hiện ra có vết đốt đóng vảy, các bác sĩ mới nghi ngờ sốt mò và chuyển tuyến trên”. 

Căn bệnh dễ bị bỏ qua

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - cho biết: những tháng gần đây, khoa cấp cứu tiếp nhận từ 2-3 ca bệnh sốt mò, chủ yếu là những trường hợp nặng được chuyển từ tuyến dưới lên. Sốt mò là căn bệnh truyền nhiễm do ấu trùng mò truyền vi khuẩn gây bệnh sang người. Khi bị mò đốt, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cấp tính, kéo dài. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh nhân rất dễ dẫn tới viêm phổi, viêm gan, viêm não, thậm chí suy đa phủ tạng và tử vong. 

Tu vong sau khi bi mo dot
 

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong việc phát hiện căn bệnh này là ấu trùng mò thường đốt vào các khu vực kín đáo như nách, bẹn, bộ phận sinh dục… Trong khi đó, bệnh nhân bị mò đốt lại thường không bị ngứa hay khó chịu. Vết mò đốt thường nhỏ, giống nốt mẩn ngứa thông thường và chỉ tạo vảy đen khô từ  5-7 ngày sau khi đốt. Nhưng theo một nghiên cứu mà Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) công bố, có tới hơn 30% bệnh nhân sốt mò không có biểu hiện đặc trưng này. Vì vậy, không chỉ người bệnh mà ngay cả nhân viên y tế, căn bệnh sốt mò thường bị bỏ qua. 

Bác sĩ Cấp cho biết, giai đoạn đầu, các dấu hiệu của bệnh thường không điển hình, trong khi các cơ sở tuyến dưới hầu hết không có kit xét nghiệm để phát hiện sớm căn bệnh này. Đó là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân khi tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị thường trong tình trạng nặng. 

“Để phòng tránh căn bệnh này, người dân nên tránh nằm, ngồi, phơi quần áo, để ba-lô ở những bãi cỏ, bụi cây. Khi đi phát nương, làm rẫy, làm đồng… cần mặc quần áo dài tay, đi tất, mang giày, chít ống quần và cổ tay áo để tránh mò xâm nhập vào cơ thể. Trong trường hợp có biểu hiện sốt cao, phát hiện vết mẩn đỏ, vảy đen hay hạch trên cơ thể… không loại trừ nguyên nhân sốt mò, cần tới ngay cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị”, bác sĩ Cấp khuyến cáo. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI