Trong thế giới ma men điên loạn

18/03/2019 - 12:44

PNO - Tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, lượng bệnh nhân bị loạn thần do rượu năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong điều trị, cắt rượu, cai rượu thì dễ, nhưng quan trọng là phòng ngừa tái nghiện - vì tỷ lệ tái nghiện hơn 90%.

Loạn thần do rượu

Chiều 28/2, xe cấp cứu bấm còi inh ỏi chạy vào Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Chiếc băng ca nhanh chóng được khiêng xuống, trên đó là người đàn ông gầy yếu, nói lảm nhảm rồi la hét, vùng vẫy. Một nhân viên y tế thở dài “lại loạn thần do rượu”. Ông là trường hợp thứ tư được chuyển đến chỉ trong một tuần.

Trước cửa phòng nhận bệnh mới P.007, một phụ nữ vừa luống cuống lấy hồ sơ giao cho điều dưỡng, vừa ấn ông nằm yên trên băng ca. Nhưng ông cứ bật dậy: “Buông ra, tao có bị gì đâu mà đưa vô bệnh viện”. Vừa la, ông vừa đưa tay chỉ trỏ, định đánh người đang giữ mình. Bàn tay vừa đưa lên thì run giật, xụi lơ. 

Trong the gioi ma men dien loan
Di chứng của rượu khiến bệnh nhân Lê Anh T. đưa tay ra không sao giữ yên được, đôi tay run lẩy bẩy

Người phụ nữ kể: “Nó là em trai tôi, 48 tuổi, mà nhậu gần 30 năm. Một lần nó chỉ uống nửa lít, một xị, nhưng một tiếng sau thì uống tiếp. Nó bị run tay, nói lảm nhảm, giật như giật kinh phong. Vậy mà tỉnh lại cũng không bỏ rượu”. Rồi chị đưa mắt về hướng khu điều trị nội trú: “Phải cho nó vô đó, chứ ở nhà chịu hết nổi rồi”. 

Mở cửa sắt khu điều trị nội trú nam, bác sĩ Trương Nguyễn Anh Vũ - Khoa Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - dẫn tôi lướt qua hàng bệnh nhân nằm ngồi, đi đứng lố nhố với giọng cười khục khục vô thức. Đến chiếc giường kê ở hành lang, trước phòng trực của hộ lý - nơi có người đàn ông ngồi vắt vẻo trên giường với mắt trái bầm đen, bác sĩ Vũ nói: “đây là bệnh nhân bị loạn thần do rượu”.

Bệnh nhân này nhìn bác sĩ và tôi rồi cười cười, hỏi: “Mẹ bác sĩ hả?”. Sau câu đó thì hai, ba người vây quanh tôi, có cả cánh tay giật giật áo tôi cười hì hì, gọi “mẹ, mẹ”. Trong lúc tôi luống cuống và hoảng sợ, bác sĩ Vũ giọng vừa nghiêm vừa dịu: “Mọi người về giường nghỉ đi, để bác sĩ làm việc chút nghe”. Khi đó, đám đông vây tôi mới giãn ra. 

“Tôi tên Lê Anh T., 43 tuổi, ở Q.4, TP.HCM”, bệnh nhân tự giới thiệu. Anh là kiến trúc sư, chuyên thiết kế, kiêm thầu xây dựng. Bác sĩ Vũ hỏi: “Một ngày anh uống bao nhiêu rượu?”. Anh T. quật lại: “Tôi có uống rượu nhiều đâu mà bác sĩ hỏi vậy, tôi chỉ vui vẻ với bạn bè thôi”.

Nhưng khi bác sĩ hỏi tới việc làm ăn thì anh T. hào hứng và lộ tẩy: “Giờ làm ăn khó lắm, để giành được hợp đồng nhọc lắm. Đầu tiên phải vượt qua thử thách ở bàn nhậu. Họ rót chai Hennessy ra hai ly cối cho mình bảo uống hết đi rồi mới nói chuyện”. Lúc đầu, anh T. uống về say bí tỉ, nôn thốc nôn tháo, sau thì quen. Từ khi làm xây dựng, hầu như không ngày nào anh tỉnh. 

Bác sĩ Vũ kêu anh đưa hai tay thẳng về phía trước. Anh làm theo và đôi bàn tay không sao giữ yên, cứ run bần bật. “Tay run là di chứng của nghiện rượu, bị loạn thần do rượu”, bác sĩ Vũ phân tích. Nghe vậy, anh T. cười bẽn lẽn, rồi lảng sang chuyện khác, giọng nghiêm trọng: “Tôi không biết vì sao nhà tôi có nhiều người lạ đột nhập đến vậy. Ngày nào họ cũng xuyên tường vô nhà tôi. Tôi không hiểu họ vô nhà làm gì, vì họ không lấy gì hết, chỉ gom bụi, chất đầy bao rồi biến mất”.

Anh cho biết, đã canh đánh những “người xuyên tường” nhiều lần nhưng không trúng. Lần này, khi vừa thấy họ xông vào nhà, anh cầm cây lao theo thì bị trượt té đập mặt xuống nền gạch. Đó là lý do khiến mắt anh bầm xanh, phải nhập viện. Anh nằm viện năm ngày, ảo giác, ảo thị đã tạm ổn, nhưng đôi tay còn run. 

Cách đó hai giường là bệnh nhân đang được truyền nước biển với dây cố định chân tay. Anh lảm nhảm: “Thả tao ra, tao đang nhậu mà, tao đang vui”. Bệnh nhân tên Vũ Duy B., 31 tuổi, ở Bạc Liêu, nhập viện được một ngày, chưa ổn định tinh thần. Bác sĩ Vũ chỉ cho tôi những mảng da trắng bong tróc trên mặt, cổ anh B. - dấu hiệu của người nạp nhiều rượu nên thiếu chất khiến da bị bong tróc.

Mẹ của B. cho biết, anh làm quen với ma men từ khi 17 tuổi rồi nghiện lúc 24 tuổi. Trước đây, đi làm hồ về mới nhậu, còn sau này, anh uống rượu bất kể ngày đêm, không có rượu là tay run và nói lảm nhảm. Trong những ngày tết, anh B. chìm trong rượu nên bị loạn thần cấp, gia đình phải đưa đi nhập viện.

Phái đẹp cũng loạn thần do rượu

Khu điều trị nội trú nữ từng là “nhà” của chị Lê Thị V., 36 tuổi, ở Q.8 bởi chị từng ở đây cả tháng để điều trị bệnh loạn thần do rượu. Không ai ngờ, một nhân viên ngân hàng mẫn cán, sự nghiệp xán lạn lại có ngày vào đây trong trạng thái vật vã, run rẩy, lảm nhảm vì rượu.

Trong the gioi ma men dien loan
Bệnh nhân Vũ Duy B. vẫn phải cố định tay - chân bằng dây vào thành giường vì vẫn còn trong cơn loạn thần

Em gái của chị V., kể: ban đầu chị V. làm quen với rượu vì bị rối loạn lo âu, gây mất ngủ. Để dễ ngủ, chị phải “nốc” rượu, khi chìm trong cơn say chị ngủ lúc nào không hay. Lúc đầu, chị chỉ uống vài chung nhỏ, nhưng sau đó tăng dần, phải uống hai chai rượu vang hoặc nửa lít rượu mới ngủ được.

Chị nhận thức được tình trạng nghiêm trọng của mình, khi có triệu chứng quên, run tay, nói chuyện không kiểm soát, có khi chửi cả người thân vô cớ nên tính cai rượu. Thế nhưng, không có rượu thì chị lại không ngủ được, bứt rứt, vật vã, lo âu… nên lại uống tiếp. Mẹ chị thấy con gái ngày càng sa đà vào rượu, người tiều tụy và bị cơ quan nhắc nhở, khiển trách thường xuyên vì làm việc không hiệu quả nên bà đã đưa con nhập viện điều trị. 

Còn chị Nguyễn Thu Th., 49 tuổi, tiểu thương ở chợ tại Q.7 vốn là một người chí thú làm ăn. Nhưng từ khi bị chồng bỏ đi theo phụ nữ khác, chị Th. tìm đến rượu giải sầu. Ngày nào chị cũng uống, uống xong khóc lóc rồi chửi bới con cái, chồng cũ và kêu la nhiều người theo dõi muốn giết chị, côn trùng bò khắp người…

Biết mẹ bị ảo giác do rượu nên các con của chị Th. bắt chị cai rượu. Bị cắt rượu đột ngột, chị Th. lên cơn sảng: vật vã, run tay chân, la hét, đập phá nên các con buộc phải trói mẹ vào giường. Do không đành nhìn mẹ như vậy nên họ đã đưa vào bệnh viện điều trị.

Nghiện rượu là bệnh, không phải thói quen

Theo bác sĩ Trần Duy Tâm - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - nhiều người quan niệm nghiện rượu là thói quen, nhưng đây thực sự là bệnh. Những người lạm dụng rượu, uống rượu lâu năm, uống quá nhiều sẽ bị những bệnh lý rối loạn do liên quan đến rượu.

Có hai nhóm bệnh lý thường gặp: bệnh do tác động trực tiếp của rượu lúc đang uống như say rượu, quên, rối loạn điện giải, hạ đường huyết… nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Và nhóm bệnh lý do sử dụng rượu như lạm dụng rượu, nghiện rượu, sảng run, co giật do rượu, các bệnh lý tổn thương thần kinh trung ương như hội chứng quên Korsakov, bệnh não Wernicke… chưa kể các bệnh lý về chuyển hóa do tác động của rượu như: bệnh gan, đái tháo đường… 

Một trong những biểu hiện đáng sợ nhất của người nghiện rượu là sảng rượu: mất ngủ, nói nhảm, la hét, đập phá, hoang tưởng có người theo dõi, bị sát hại và bị ảo thị, ảo thanh (nghe mắng chửi mình, thấy người đánh, giết mình…). Ngoài ra, người bị sảng rượu có thể bị rối loạn định hướng không gian (không biết đây là đâu), thời gian (không biết bây giờ là sáng hay chiều), rối loạn định hướng bản thân (không biết mình là ai).

Sảng rượu thường gặp ở những người đang uống rượu lâu năm bỗng bị cai đột ngột, khiến họ rối loạn ý thức, mất khả năng kiểm soát hành vi… Đáng tiếc là trong dân gian, nhiều người không cho rằng đây là bệnh, hoặc nghĩ “bệnh ma tà” và thay vì đưa vào cơ sở y tế chữa trị, thì đưa đến thầy cúng, thầy lang để trừ tà, diệt ma, nên bệnh ngày càng trầm trọng. 

Bác sĩ Trần Duy Tâm cho biết, điều trị cho bệnh nhân loạn thần do rượu không khó. Trong đó, bước đầu tiên là phải ngưng rượu và theo tiến trình điều trị, nếu ngưng đột ngột bệnh nhân sẽ vật vã, nguy cơ sảng rượu. Trong điều trị, cắt rượu, cai rượu thì dễ, nhưng quan trọng hơn là phòng ngừa tái nghiện - vì tỷ lệ tái nghiện hơn 90%. Để những người nghiện rượu đoạn tuyệt hẳn với ma men sau điều trị thành công là thách thức với bản thân họ và gia đình; đòi hỏi sự quyết tâm từ đương sự, sự động viên của gia đình cũng như hỗ trợ của bác sĩ khi bệnh nhân đến tư vấn. 

Theo bác sĩ Trần Duy Tâm - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - những năm gần đây, lượng bệnh nhân bị loạn thần do rượu năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong năm 2018, nơi đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân nam, nữ đến khám. Cụ thể, có 2.572 lượt khám, trong đó có 64 bệnh nhân nữ. Đặc biệt, số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 229 nam và 3 nữ. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI