Trị HP theo kiểu dân gian: Lợi bất cập hại

02/01/2017 - 06:35

PNO - Chữa trị không hết vi khuẩn HP gây đau dạ dày, nhiều người tìm những bài thuốc đông y như: ăn lá cây lược vàng, uống chè dây… rất nhiều người không theo kê đơn của bác sĩ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Uống chè dây, không lo HP?

Gần đây, khi mở một số trang web, nhìn các góc trang sẽ thấy xuất hiện các dòng chữ “chè dây trị HP, viêm loét dạ dày”, kèm theo đó là lời rao bán với đủ giá, chủng loại. Các trang web đều khẳng định: đã có 93% BN chặn đứng được sự phát triển của vi khuẩn HP, 44% sử dụng chè dây sau một thời gian đã khỏi hẳn.

Chè này có điểm đặc biệt, là thuốc trị bệnh nhưng lại không có tác dụng phụ, không độc, không ảnh hưởng đến người sử dụng, có thể uống lâu dài, uống bao nhiêu cũng được(?). Chỉ cần đặt hàng, sẽ có người giao tận nhà. Ở Việt Nam, có khoảng năm loài chè dây được dùng làm thuốc.

Tuy nhiên, theo DS Lê Kim Phụng - nguyên giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM, những người bị HP có thể sử dụng chè dây để chữa trị nhưng không phải là “dùng bao nhiêu cũng được”. Chỉ nên dùng chè dây như một loại thuốc, nghĩa là uống theo từng liệu trình: hàng ngày dùng 10-20g chè khô, sắc uống thay nước trong ngày, liên tục 10-15 ngày, nghỉ năm-bảy ngày lại tiếp tục đợt khác chứ không nên dùng như uống trà hàng ngày. Việc dùng thường xuyên và lạm dụng có thể gây mất cân bằng bên trong cơ thể, gây bất lợi cho sức khỏe.

Đã có trường hợp một BN 72 tuổi cấp cứu tại một bệnh viện ở Hải Phòng trong tình trạng mệt mỏi, vàng da, vàng mắt. Sau đó BN được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong trạng thái lơ mơ, hôn mê, mắt vàng đậm, suy gan. Sau hai ngày nhập viện thì BN tử vong. Kết luận từ bệnh viện: BN bị ngộ độc.

Tri HP theo kieu dan gian: Loi bat cap hai

Theo lời kể của người nhà, trước đó BN uống rất nhiều chè dây trong mấy ngày liên tục. Một giả thuyết được đưa ra, có thể BN đã lạm dụng chè dây hoặc uống chè đã lẫn hóa chất bảo quản hoặc nhầm với loại cây nào khác dẫn đến ngộ độc. Trên thực tế, chè dây dễ bị nhầm lẫn với dây chè (còn gọi là dạ khiên ngưu, cây rau ráu), thân và rễ có chất độc. Chính vì vậy, việc mua chè dây trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm.

Coi chừng dạ dày nhím giả

Theo kinh nghiệm dân gian, dạ dày nhím rừng với cả thức ăn chứa bên trong, phơi hay sao khô, tán nhỏ; mỗi ngày uống 10g với nước cơm vào lúc bụng đói có thể chữa được bệnh viêm loét dạ dày. Một số người dùng bột dạ dày nhím với bột nghệ đen, cả hai số lượng bằng nhau rồi trộn với mật ong; uống ngày hai lần sau khi ăn, mỗi lần một muỗng cà phê.

Trong tài liệu về những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi có ghi: dạ dày nhím có tính lạnh, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp. Dùng chữa hoàng đan (vàng da), phù, đau dạ dày.

Tuy nhiên, theo DS Châu Thị Hạnh Dân - Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh tác dụng chữa trị viêm loét dạ dày trên cả thực nghiệm và lâm sàng. Một số trường hợp chia sẻ trên mạng cho rằng, uống bột dạ dày nhím trộn nghệ hết đau dạ dày thực chất là do tác dụng của nghệ và mật ong nhiều hơn.

Bởi theo y học cổ truyền, mật ong (phong mật) và nghệ đen (uất kim) hoặc nghệ vàng (khương hoàng) là những vị thuốc có công năng chữa trị viêm loét dạ dày tá tràng, rối loạn chức năng dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh nghệ và mật ong có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, làm giảm các cơn đau, mau làm lành vết thương và vết loét.

“HP là bệnh rất khó trị. Việc điều trị phải theo đúng phác đồ hướng dẫn của bác sĩ. Chữa qua loa bằng dạ dày nhím không thể diệt hết vi khuẩn HP mà có thể làm bệnh tăng nặng thêm” - DS Châu Thị Hạnh Dân khuyến cáo.

Lược vàng: Đề phòng tác dụng phụ

Cây lược vàng cũng được đồn thổi là “thần dược” trị bá bệnh, trong đó nổi bật là bệnh đau dạ dày. Đây là loại cây cỏ bình thường, có nguồn gốc từ Mexico. Lúc đầu, lược vàng chỉ là cây cảnh, sau khi được đồn thổi trị “bá bệnh”, thậm chí là bệnh ung thư, nhiều người đổ xô đi mua về trồng với giá 50.000 - 70.000đ/cây và nâng niu như cây thuốc quý. Nhiều người cho rằng, khi đau dạ dày, dù bệnh cấp tính hay mãn tính, chỉ cần ăn mỗi ngày từ năm-sáu lá, liên tục trong vài tháng sẽ hết bệnh. Sau đó nên ăn lược vàng mỗi ngày để phòng bệnh tái phát.

Tri HP theo kieu dan gian: Loi bat cap hai

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Canada, dịch ép từ cây lược vàng rất giàu fl avonoid, steroid, các chất kích thích sinh học, có tác dụng ngăn ngừa ung thư, chữa viêm loét dạ dày tá tràng, hen suyễn, tăng quá trình biến dưỡng, thúc đẩy quá trình tái sinh các tế bào trong cơ thể.

Tuy nhiên, DS Lê Kim Phụng cho biết: “Đã là thảo dược thì phải có tác dụng phụ, không thể tùy tiện ăn trị bệnh hoặc ăn mỗi ngày thay rau. Tác dụng phụ thường gặp là tổn thương các dây thanh quản, gây dị ứng phát ban và sung phù, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu và dễ dị ứng. Do đó chỉ được sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ. Mặc dù đã được nghiên cứu nhưng đôi khi các kết quả vẫn chưa đủ để tạo chứng cứ khoa học cho một loại thuốc mới, không tự ý sử dụng và luôn nhớ một loại thuốc không thể chữa được nhiều bệnh cùng lúc”.

Trong Đông y, sử dụng thuốc nào cũng cần có liều lượng phù hợp với từng thể trạng, cơ địa… theo chỉ định của thầy thuốc.

Cẩm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI