Trẻ liên tục bị tai nạn thang cuốn, phải cấp cứu thế nào?

10/04/2017 - 19:50

PNO - Khi thấy trẻ bị tai nạn thang máy, thang cuốn; người phát hiện phải làm những động tác cấp cứu sau để trẻ không bị tàn tật suốt đời.

Taị Việt Nam, gần như năm nào cũng xảy ra tai nạn khi sử dụng thang máy, thang cuốn đối với người sử dụng. Phần lớn nạn nhân trong các vụ tai nạn về thang máy, thang cuốn là trẻ em.

Trong những tai nạn đó, nhiều trẻ không may bị chấn thương nghiêm trọng, nếu như không xử lý kịp thời, trẻ sẽ phải tàn tật suốt đời, để lại nỗi ray rứt cho người lớn.

Năm nào cũng có trẻ bị tai nạn khi sử dụng thang cuốn

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nhắc nhớ: Gần như năm nào cũng có tai nạn thương tâm do thang cuốn, thang máy gây ra. 

Còn nhớ năm 20015, khi đi dự tiệc cưới tại một nhà hàng ở Hà Nội, bé trai khoảng 3 tuổi đi ra khu vực  thang cuốn để chơi. Sau nhiều lần bước lên, bước xuống thang cuốn, bé bị kẹt 1 phần mũi giày chân vào thang.

Rất may, tại thời điểm đó có nhiều người qua lại nên có người đã kịp tắt thang cuốn và cứu bé trong gang tấc. Chân bé bị trầy xướt nhẹ nhưng ai có mặt ngày hôm đó cũng hoảng hốt.

Khoảng 19h ngày 12/12/2015, bốn người trong gia đình chị H.X.H (SN1990, ngụ Q.7, TP.HCM) đi xem phim ở một siêu thị tại Q.7. Sau khi xem xong, chị X. và gia đình đi thang cuốn để xuống tầng 1 của khu trung tâm.

Đi xuống gần đến nơi thì thang cuốn bị sập, các thành viên trong gia đình đều phản xạ nhảy khỏi thang cuốn nên may mắn thoát nạn. Em gái chị X. không nhanh trí rút chân ra khỏi dép để nhảy theo. Cả nhà hoảng hốt khi thấy chiếc dép của em chị X. từ từ bị thang cuốn nuốt vào.

Tre lien tuc bi tai nan thang cuon, phai cap cuu the nao?
May mắn em chị H. rút chân ra khỏi dép kịp thời, nếu không hậu quả sẽ nặng nề hơn.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào gặp tai nạn cũng may mắn như gia đình chị X. và bé trai 3 tuổi kia.

Ngày 19/7/2016, trong lúc sử dụng thang cuốn với chị mình, tại siêu thị của tỉnh Đăk Lăk, bé trai 2 tuổi bị mất thăng bằng nên té ngã xuống thang. Sau đó, bé trai này tiếp tục bị cuốn vào khe thang máy gây chấn thương vùng mông, chân.

Gần đây nhất (ngày 7/4/2017), bé trai 17 tháng tuổi bị bị thang cuốn tại sân bay Tân Sơn Nhất kẹp vào tay, phải cấp cứu trong tình trạng bị dập nát cổ tay rất nặng, bé bị thương với tỉ lệ lên đến 75%.

Tre lien tuc bi tai nan thang cuon, phai cap cuu the nao?
Bé trai 17 tháng tuổi với phần tay dập nát vì kẹt vào thang cuốn

Để giảm thiểu hậu quả đáng tiếc và thương tật cho bé, phụ huynh nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất để khi tai nạn xảy ra, chính mình là người giành lại trẻ từ tay thần chết.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, không chỉ đối với thang cuốn, mà thang máy cũng chứa đựng nhiều nguy cơ đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em.

Nếu không may xảy ra tai nạn, người đi cùng và những người xung quanh phải thật bình tĩnh, phải tắt thang cuốn ngay. Trường hợp không biết nguồn tắt ở đâu, người phát hiện ngay lập tức liên lạc với bảo vệ, quản lý tại khu vực này.

Bác sĩ Phương cho biết: “Cầm máu ngay cho trẻ bằng cách băng chặt phần bị thương, nếu máu chảy nhiều thì cột garo phía trên vết thương rồi đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh mất máu cho trẻ. Nếu trẻ bị kẹt dập phần mô, hãy cố định phần mô dập, vệ sinh thật sạch, hạn chế mất máu nhưng phải đảm đủ bảo máu đến nuôi các phần mô này.

Trong trường hợp phần cơ thể bị tai nạn đứt lìa như tay, chân... ngoài việc xử trí mất máu cho trẻ, người phát hiện phải để những phần đứt lìa vào bịch nilon sạch, ướp chúng vào đá để bác sĩ tiến hành cứu sống phần chi và phẫu thuật nối lại cho trẻ.

Thời gian xử lý càng nhanh càng tốt, tốt nhất trong vòng 1 tiếng đồng hồ kể từ khi xảy ra tai nạn.”

Tre lien tuc bi tai nan thang cuon, phai cap cuu the nao?
Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết, trẻ em rất hiếu động, ở khu vực có thang cuốn, ngoài việc cách ly trẻ, người lớn đừng rời mắt khỏi trẻ.

Theo bác sĩ Phương, ngoài việc chủ sở hữu thang máy, thang cuốn bảo trì thang định kỳ, thì những gia đình có thiết bị trên cũng phải đảm bảo có sự kiểm tra thường xuyên, để phát hiện được hư hỏng và khắc phục ngay (nếu có), tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Khi sử dụng thang máy, thang cuốn, phụ huynh và trẻ nhỏ nên mặc trang phục gọn gàng nhằm giảm thiểu sự vướng víu. Chỉ cần vướng một góc váy, dây giày thì hậu quả sẽ khó lường. Thang cuốn đi rất nhanh so với phản xạ của trẻ, có thể trẻ sẽ bị cuốn luôn vào trong khe thang.

Tuyệt đối không để trẻ đứng ngoài bìa thang, thang cuốn thường có khe hở ở hai bìa thang, chân của trẻ khá nhỏ, nếu không may chạm vào phần khe hở này, trẻ sẽ gặp tai nạn ngay lập tức. Để trẻ đứng ở vị trí giữa cha mẹ, hay những người đi cùng, khi thang di chuyển, người lớn cũng cần kiểm soát trẻ, không để trẻ chạy nhảy cho đến khi tất cả đến nơi an toàn.

Kiểm tra váy áo (đối với bé gái), dây giày (đối với bé trai), đồ chơi bé đang cầm,… trước khi bước lên thang cuốn. Trẻ dưới 2 tuổi người đi cùng phải bế trẻ trên tay, bế trẻ đi thang, người bế nên đứng phần giữa thang, nếu không may bị mất thăng bằng, thì cũng có thể xử lý kịp thời.

Bác sĩ Phương khuyến cáo, ở nơi nào có thiết bị này, phụ huynh cũng phải cách ly con mình càng xa khu vực có thang máy, thang cuốn càng tốt. Đặc biệt là trẻ từ 5 tuổi trở xuống, đây là độ tuổi trẻ tò mò và thích khám phá. Thang cuốn lại liên tục chuyển động sẽ thu hút sự chú ý của chúng. Trẻ em rất nhanh, chỉ 30 giây người lớn không quan sát trẻ, tai nạn có thể xảy ra ngay.

Trẻ từ 6 tuổi trở lên, khi đi thang cuốn nên có người lớn đi cùng, độ tuổi này trẻ thích nghịch, chơi đùa và… không đứng yên được.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI