Trẻ lâm nguy do cha mẹ cho dùng thuốc tùy tiện

15/11/2016 - 13:06

PNO - Cơ thể trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nhưng nhiều bậc phụ huynh cứ tự chẩn đoán bệnh rồi cho con uống thuốc kiểu áng chừng theo toa người lớn, gây ra hậu quả khôn lường.

Trẻ suýt ngưng thở vì phụ huynh tự làm bác sĩ

Cách đây chưa lâu, bé gái tám tháng tuổi tên N.T.M., quê Bến Tre được chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cấp cứu trong tình trạng tay chân lạnh ngắt, tím tái. Trước đó, M. đã đi khám tại địa phương và nghi ngờ bị rối loạn nhịp tim nhĩ do viêm cơ tim.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm hồi sức cấp cứu nhi, bác sĩ (BS) Đinh Tấn Phương (Phó khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1) cảm thấy đây không phải trường hợp viêm cơ tim. Ông yêu cầu gọi điện thoại về quê, kiểm tra kỹ xem ông bà có cho bé dùng thêm thuốc gì không, mới biết bệnh nhi đã dùng hai chai thuốc nhỏ mũi của người lớn. Thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch nên nhà sản xuất khuyến cáo không dùng với trẻ dưới 12 tuổi.

Tình trạng phụ huynh tự ý ra tiệm thuốc, miêu tả triệu chứng của con để được dược sĩ bán thuốc đã thành một nếp quen của không ít người. Cách đây ba ngày, một bệnh nhi đã suýt mất mạng do phụ huynh tự mua thuốc chữa đau bụng. Đó là bé trai ba tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM. Cháu kêu đau bụng, mẹ bé ra tiệm thuốc tây và được dược sĩ bán cho thuốc rối loạn tiêu hóa. Sau khi uống thuốc, bệnh tình vẫn không thuyên giảm, bé được đưa vào BV Nhi Đồng 1 cấp cứu, mới biết bị lồng ruột.

Mỗi tháng, BS Đinh Tấn Phương còn gặp từ ba-năm ca bị sặc, hóc dị vật đường thở do phụ huynh đút thuốc sai cách. “Có bệnh nhi bị tím tái, đe dọa ngưng thở, hỏi ra mới biết bé sợ uống thuốc, miệng mím chặt, phụ huynh đã dọa cho bé khóc rồi đưa thuốc vào miệng bé”, BS Phương kể. Theo BS Phương, lúc trẻ đang khóc, nắp thanh môn mở, việc bơm thuốc đã vô tình cho thuốc thẳng vào đường thở của con; tạo phản xạ gây co thắt khiến trẻ tím tái, thậm chí ngưng thở.

Tre lam nguy do cha me cho dung thuoc tuy tien
Bác sĩ Đinh Tấn Phương cảnh báo, nhiều trẻ nhập viện cấp cứu do uống thuốc không đúng cách - Ảnh: Thanh Huyền

Cẩn thận khi trộn thuốc với thức ăn

Với trẻ em dưới sáu tuổi, phản xạ nuốt chưa hoàn chỉnh nên thuốc cho trẻ ở độ tuổi này thường là sirô hoặc dạng bột. Đôi khi thuốc có dạng viên, cha mẹ phải nghiền ra, hòa với nước để trẻ uống dễ dàng hơn. Tuy vậy, không phải thuốc nào cũng nên nghiền ra.

Có những loại thuốc kỵ với axít trong dạ dày, được bao trong màng phim; nhà sản xuất đã tính toán thời gian thuốc đi qua dạ dày thì màng phim mới tan hết và thuốc bắt đầu thẩm thấu. Thế nhưng, nhiều bà mẹ sợ con mắc nghẹn, gỡ bỏ màng phim bọc thuốc, dốc các hạt bên trong ra, nghiền nhỏ với nước rồi cho trẻ uống, không những làm giảm tác dụng của thuốc mà còn gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ.

Lo ngại thuốc đắng, các bà mẹ pha thuốc chung với sữa, cháo hoặc nước trái cây. Theo BS Phương, việc pha thuốc vào sữa và cháo làm tiêu hao bớt lượng thuốc, khiến mùi vị các món ăn bị thay đổi, tạo nỗi ám ảnh gây sợ ăn ở trẻ. Ngoài ra, trong đồ ăn hay nước trái cây, đôi khi có những thành phần phản ứng với thuốc, gây tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Lúc cho trẻ uống thuốc, phải luôn giữ trẻ ở tư thế đầu cao, dù đút thuốc bằng muỗng hay xi lanh cũng không nên đưa thẳng vào giữa lưỡi trẻ mà hãy đút vào bên cạnh khóe miệng. Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh cần đưa con đi khám để được BS kê toa, hướng dẫn cụ thể, không nên tự ý mua thuốc điều trị dẫn tới các hậu quả đáng tiếc.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI