Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động chương trình 'Sức khỏe Việt Nam'

27/02/2019 - 10:21

PNO - “Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc kêu gọi khi phát động chương trình "Sức khỏe Việt Nam"

3 mục tiêu của chương trình Sức khỏe Việt Nam

Tại buổi lễ Phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 năm nay thực sự trở thành một dấu ấn đáng nhớ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân khi được Thủ tướng Chính phủ chính thức phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam hướng tới 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc phat dong chuong trinh 'Suc khoe Viet Nam'
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam

Thứ hai, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe, nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Thứ ba, thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Tuy nhiên, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân đang gặp phải những khó khăn và thách thức rất lớn, cần phải giải quyết đồng bộ, hiệu quả. Thói quen và tâm lý người dân Việt Nam mới chỉ quan tâm đến sức khỏe khi có bệnh, tật, chưa chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe ngay trong cuộc sống hàng ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cũng chia sẻ, thời gian qua, Việt Nam được đánh giá cao trong lĩnh vực y tế, tuổi thọ người dân ngày càng tăng, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện từng bước…

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc phat dong chuong trinh 'Suc khoe Viet Nam'
Chương trình Sức khỏe Việt Nam hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức tự nâng cao sức khỏe, tầm vóc của người dân, nhằm đối phó chống lại nhiều căn bệnh không lây nhiễm đang gia tăng

Bên cạnh việc luôn luôn phải chủ động phòng, chống các bệnh, dịch truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, Việt Nam còn phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… là nguyên nhân của hơn 70% số trường hợp tử vong mỗi năm.

“Chúng tôi mong muốn và kêu gọi mỗi người dân hãy chủ động, tự nguyện và hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe của chính mình, thực hiện các khuyến cáo chăm sóc sức khỏe cho bản thân như đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động thể lực.

Hãy đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, tập thể dục giữa giờ trong công việc, học tập; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia; tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch; đặc biệt cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ…”,  Bộ trưởng Tiến nói về mục tiêu của chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Bộ trưởng Tiến cũng hi vọng Chương trình Sức khỏe Việt Nam sớm trở thành hiện thực, đạt được các mục tiêu đề ra để trong tương lai không xa, người dân Việt Nam có tầm vóc, thể lực, sức khỏe tốt hơn, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ cao hơn, góp phần xây dựng đất nước ta phồn vinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

“Mỗi người dân khỏe mạnh là cả nước mạnh khỏe”

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tới ngày Thầy thuốc Việt Nam 2019 - đây là dịp để tri ân tôn vinh người được giao nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công...".

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Thủ tướng đánh giá trong năm qua, Việt Nam đạt thành tựu quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân như: tăng tuổi thọ và thực hiện được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực, thành tựu mà toàn ngành y tế dạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, ngoài những thành công, sự nghiệp bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn thách thức mới như vấn đề toàn cầu hóa, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống, hành vi thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường.

Trong khi đó, việc phòng yếu tố gây bệnh phát hiện sớm vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù tuổi thọ người dân cao nhưng trung bình có đến 10 năm phải sống với bệnh tật, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc phat dong chuong trinh 'Suc khoe Viet Nam'
Thủ tướng kêu gọi người dân tăng cường vận động, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý... để chăm sóc sức khỏe bản thân

Do đó, Thủ tướng kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Bên cạnh đó, cần đi khám sức khỏe định kỳ, đối với người bình thường đo huyết áp ít nhất 6 tháng một lần để phát hiện sớm tăng huyết áp, đo đường máu ít nhất 1 năm một lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Khi có ho, khò khè, khó thở cần đi khám ngay để phát hiện sớm hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

“Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, Thủ tướng nhấn mạnh.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI