Thử nghiệm thành công thuốc điều trị ung thư bạch cầu không gây phản ứng phụ

16/12/2019 - 07:00

PNO - Một loại thuốc trị bệnh bạch cầu có thể chống lại ung thư máu mà không gây ra tác dụng phụ độc hại lần đầu tiên được thử nghiệm thành công trên người.

Lâu nay, để điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (một dạng ung thư máu), bệnh nhân sẽ sử dụng một loại thuốc ức chế kinase. Tuy nhiên, loại thuốc này gây tác dụng phụ là có thể nôn mửa, tiêu chảy và đau cơ; đồng thời người bệnh sẽ bị lờn thuốc nếu sử dụng lâu dài.

Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Anh đã thử nghiệm thành công với thuốc asciminib. Dạng thuốc mới này cũng hoạt động theo cơ chế điều trị bệnh tương tự như thuốc kinas nhưng lại loại bỏ được các tác dụng phụ nêu trên. Đây là cơ hội cho những bệnh nhân ung thư máu không còn lựa chọn nào với các loại thuốc điều trị tương tự.

Các nhà nghiên cứu từ Anh cho biết đây là một "bước đột phá" trong điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (CML), thường ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi 60.

Thu nghiem thanh cong thuoc dieu tri ung thu bach cau khong gay phan ung phu
Các nhà khoa học cho biết loại thuốc mới có thể được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính, khiến cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu làm tắc nghẽn tủy xương, chiếm chỗ các loại tế bào quan trọng khác.

Trên Tạp chí New England Journal of Medicine, nhóm tác giả cũng tuyên bố asciminib có thể giúp hàng ngàn bệnh nhân đang chịu tác dụng phụ vì không vô tình giết chết các tế bào khỏe mạnh.

Kết quả nghiên cứu này đã được thử nghiệm trên 150 bệnh nhân - lần đầu tiên được thực hiện trên người - cho thấy asciminib không độc hại và dường như hoạt động hiệu quả cùng môi trường bên trong cơ thể.

Trước đây, vào những năm 1990, các bác sĩ trên khắp thế giới vô cùng vui mừng khi tìm ra chất ức chế tyrosine kinase (TKI) đầu tiên, gọi là imatinib.

Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Tim Hughes, thuộc Viện Nghiên cứu y tế và sức khỏe Nam Úc, cho biết imatinib đã thay đổi cuộc sống của những bệnh nhân mắc bệnh. Tỷ lệ sống sót khi dùng thuốc imatinib khá cao, khoảng ba phần tư bệnh nhân đang điều trị hiện sống được 5 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.

Nhưng có đến 95% bệnh nhân theo liệu pháp TKI có thể chịu tác dụng phụ từ thuốc điều trị ung thư, với trải nghiệm khác nhau tùy theo từng bệnh nhân. Tác dụng phụ bao gồm phản ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng như suy tim và đau gan.

Thuốc cũng có thể ngừng hoạt động nếu mọi người dùng chúng trong một thời gian dài và chỉ có một số lựa chọn hạn chế khác cho bệnh nhân.

Các loại thuốc viên điều trị CML hiện tại hoạt động bằng cách ngăn chặn các protein khiến các tế bào ung thư nhân lên, từ đó giúp kiểm soát ung thư và ngăn chặn lây lan. Nhưng thuốc cũng có thể chặn các protein thực hiện các chức năng bình thường. Điều này có thể làm hỏng hoặc phá hủy các tế bào cần thiết cho cơ thể để duy trì hoạt động bình thường.

Ngược lại, các xét nghiệm xác nhận thuốc asciminib chỉ tấn công các protein bạch cầu bệnh và chừa ra các tế bào khỏe mạnh.

Giáo sư Hughes tuyên bố nếu thuốc được phát triển thành công và đưa vào sử dụng thì đây sẽ là bước đột phá lớn nhất trong điều trị bệnh bạch cầu kể từ thập niên 90.

Linh La

Nguồn Daily Mail
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI