Thêm một ca nhập viện ở khu vực rò khí độc, TP.HCM kêu gọi người dân mở thoáng cửa

10/10/2017 - 20:24

PNO - Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động & Môi trường TP.HCM đã đo đạc môi trường xung quanh khu khí độc tràn ra, ghi nhận hàm lượng amoniac (NH3) vẫn còn cao.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: Vụ nổ bình gas do chiết nạp khí amoniac hóa lỏng vài chai lọ tại cơ sở chiếc nạp gas của Công ty Vĩnh Lộc (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) đã tăng lên 4 ca nhập viện. Số ca này gồm 3 ca nhập viện tại Bệnh viện huyện Bình Chánh sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM và 1 ca là người dân sống ở khu vực rò khí gas đã bị ngộ độc amoniac và ngất xỉu ở nhà nên được đưa vào Bệnh viện Quốc Anh (Quận Gò Vấp).

Them mot ca nhap vien o khu vuc ro khi doc, TP.HCM keu goi nguoi dan mo thoang cua
Khí amoniac bị rò ra môi trường ở khu vực Công ty Vĩnh Lộc còn cao

Ngay sau khi vụ nổ bình gas xảy ra, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động & Môi trường TP.HCM đã đo đạc môi trường xung quanh khu vực tràn khí độc và ghi nhận nồng độ khí amoniac (NH3) trong môi trường ở Công ty Vĩnh Lộc vẫn còn cao. Trung tâm đã đề nghị UBND xã khuyến cáo các hộ dân mở toang cửa cho khí NH3 loãng đi, hòa tan vào không khí; tránh ảnh hưởng của amoniac đến môi trường dân cư. 

Bác sĩ Đặng Vũ Thông - Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khuyến cáo: "Khí amoniac (NH3) xâm nhập vào cơ thể do hít, nuốt vào hoặc tiếp xúc qua da. Nó tác dụng với nước tạo thành amoni hydroxít. Tác hại của NH3 là có tính ăn mòn và gây tổn thương tế bào bị tiếp xúc. Các mô tổn thương bị thoát dịch, vì vậy càng làm biến đổi amoniac thành amoni hydroxít.

Amoni hydroxít gây phỏng da, mắt, đường hô hấp, tiêu hóa. Ở đường hô hấp, nó phá hủy các nhung mao và niêm mạc đường hô hấp có tác dụng bảo vệ chống lại sự nhiễm trùng. Ngoài ra các chất tiết, các mô bị hoại tử, xác các tế bào bị chết, hiện tượng sưng phù và phản ứng co cơ trơn đường hô hấp còn có thể gây ra tắc nghẽn đường hô hấp".

Them mot ca nhap vien o khu vuc ro khi doc, TP.HCM keu goi nguoi dan mo thoang cua
Tài xế của Công ty Vĩnh Lộc bị tổn thương mắt do khí NH3

Cũng theo bác sĩ Thông, các tổn thương ở đường hô hấp có thể bị thay thế bởi mô hạt và để lại di chứng bệnh phổi mạn tính về sau. Tính chất hóa học của amoniac có tính ăn mòn. Mức độ trầm trọng phụ thuộc vào đường tiếp xúc, liều lượng và thời gian tiếp xúc.

Tiếp xúc với amoniac nồng độ cao có thể ngay lập tức gây phỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp và có thể dẫn đến mù, tổn thương phổi hoặc tử vong. Hít phải amoniac với nồng độ thấp hơn có thể gây ho, kích ứng mũi, họng. Nuốt amoniac có thể gây phỏng miệng, họng và dạ dày". 

Chiều tối ngày 10/10, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho hay các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM đã sang hội chẩn bệnh tình nạn nhân Nguyễn Đình Hòa (35 tuổi, sống ở Đồng Nai). Kết quả hội chẩn cho thấy mắt phải không bị tổn thương nhiều nên anh Hòa vẫn tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Trong vụ tai nạn, anh Nguyễn Đình Hòa là tài xế xe bồn được chẩn đoán ban đầu là bỏng kết mạc mắt phải.

Vụ rò rỉ khí NH3 xảy ra vào sáng 10/10 tại một trạm sang chiết gas lạnh của công ty Vĩnh Lộc tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Nguyên nhân ban đầu được cho là trong quá trình chiết gas lạnh từ xe bồn vào hệ thống của trạm, đường ống dẫn khí gas bị rò rỉ ra bên ngoài.

    Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI