Tháng 7/2019 triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử: Sao TP.HCM còn chưa rục rịch?

17/07/2019 - 07:00

PNO - Từ tháng 7/2019, đồng loạt triển khai trên toàn quốc. Nhưng đến nay, nhiều trạm y tế phường, xã tại TP.HCM vẫn chưa thể triển khai.

Theo đề án hồ sơ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, lộ trình thực hiện từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019 triển khai và hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm.

Từ tháng 7/2019, đồng loạt triển khai trên toàn quốc. Nhưng đến nay, nhiều trạm y tế phường, xã tại TP.HCM vẫn chưa thể triển khai.

Người bệnh vẫn dùng hồ sơ giấy

Ngày 10/7, tại Trạm Y tế xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM, người dân đến khám vẫn còn sử dụng hồ sơ giấy. Khi được hỏi về hồ sơ sức khỏe điện tử, cả người bệnh lẫn nhân viên y tế đều không biết. 

Thang 7/2019 trien khai ho so suc khoe dien tu: Sao TP.HCM con chua ruc rich?
Nhân viên y tế tư vấn người dân làm hồ sơ sức khỏe

Anh P.A.Đ. nói: “Mấy hôm trước tôi bị ngã xe, phải may năm mũi ở bắp chân, hôm nay đến trạm y tế để cắt chỉ thì có cần làm hồ sơ không? Tôi chỉ có giấy hẹn cắt chỉ của bệnh viện, cũng không nghe bác sĩ nói phải có hồ sơ sức khỏe điện tử”. Nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Phong Phú cũng cho biết, chỉ có phần mềm quản lý bệnh chứ chưa nghe phải làm hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

Có con trai sinh tháng 5/2019 tại bệnh viện ở TP.HCM, nhưng anh N.V.K. (P.5, Q.3) không nghe bác sĩ tại bệnh viện hay trạm y tế phường yêu cầu làm hồ sơ sức khỏe điện tử. Anh K. cho biết sẵn sàng làm hồ sơ này cho con trai: “Lập hồ sơ sức khỏe điện tử, người bệnh không còn lo bị thất lạc hồ sơ. Khi một người phải tới bệnh viện, bệnh sử rõ ràng, việc khám và điều trị bệnh dễ dàng hơn”.

Nhưng anh K. cũng có nhiều băn khoăn như: hồ sơ này có kết nối với các phường, bệnh viện khác không? Trường hợp lưu hồ sơ ở trạm mà khám ở bệnh viện quận hoặc tuyến trên thì có cần lập thêm hồ sơ? Lỡ như hệ thống bị lỗi thì có bị mất hồ sơ không?

Thang 7/2019 trien khai ho so suc khoe dien tu: Sao TP.HCM con chua ruc rich?
Chưa có phần mềm quản lý, Trạm Y tế P.10, Q.10 chỉ có thể lưu hồ sơ sức khỏe điện tử trên... giấy

Khoảng 8g ngày 15/7, khi được hỏi bà đã làm hồ sơ sức khỏe điện tử chưa, bà T.T.H.K. (Q.10) đang ngồi đợi tới lượt tại Trạm Y tế P.10, Q.10 chìa mẫu giấy chứng nhận sức khỏe cho chúng tôi xem và hỏi lại: “Có phải là cái này không? Bây giờ tôi mới tới đây khám”.

Tuy nhiên, lúc tư vấn cho bà K., bác sĩ mới biết mục đích bà đến khám là để… xin việc. Bác sĩ liền hướng dẫn bà sang trung tâm y tế quận hoặc bệnh viện vì trạm y tế phường không có chức năng này. 

Trạm Y tế P.10 cũng là một trong 10 phường được chọn thí điểm triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của Q.10, nhưng trạm vẫn chưa thể thực hiện đề án. Theo bác sĩ Lâm Thị Ngọc Bích - Trạm Y tế P.10, Q.10 - đầu năm 2019, trạm được yêu cầu chuẩn bị thí điểm nhưng triển khai thì… chưa nghe. Bên cạnh đó, nhân viên của trạm vẫn chưa được tập huấn, chưa nhận được phần mềm liên quan.

Về phần mềm quản lý bệnh, bác sĩ Bích nói, trạm chỉ có hồ sơ, phần mềm quản lý rời rạc theo từng loại bệnh, phần mềm quản lý sức khỏe trẻ em, bà bầu, người cao tuổi, nhưng nhập theo thông tin bảo hiểm cho người bệnh, sau đó sẽ lưu ra hồ sơ giấy chứ không thể… nối các phần mềm lại với nhau.

Thang 7/2019 trien khai ho so suc khoe dien tu: Sao TP.HCM con chua ruc rich?
 

Các trạm y tế chưa biết khi nào triển khai

Bác sĩ Bích cho hay, có rất nhiều khó khăn để lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Trạm y tế phường chưa có nhân sự chuyên về công nghệ thông tin, địa bàn có hơn 10.000 dân, việc vận động người dân phối hợp lấy thông tin, dữ liệu để làm hồ sơ gần như bế tắc do ai cũng trả lời không có nhu cầu.

Theo bác sĩ Bích, trạm chỉ có sáu nhân sự, dân số đông nên ưu tiên lập hồ sơ quản lý, vận động khi người dân đến trạm khám chứ không thể đến từng nhà. Tuy nhiên, mỗi ngày, chỉ có hơn 10 người đến khám, hầu hết là người bệnh mạn tính, người già, trẻ em nên rất khó giải thích về hồ sơ sức khỏe điện tử. Đến nay, trạm chỉ thuyết phục được hơn 20 người.

“Chưa kể để quản lý các phần mềm có sẵn, phần mềm bảo hiểm y tế, trạm phải sử dụng mạng VNPT để kết nối hệ thống, nhưng đang phải chuyển đổi sang mạng Viettel để thời gian tới áp dụng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Lúc này, chưa biết sẽ giải quyết những phần mềm khác như thế nào vì khác hệ thống”, bác sĩ Bích nói. Trước những khó khăn đó, Trạm Y tế P.10, Q.10 mới chỉ đạt 1/4 hồ sơ sức khỏe trong tổng số dân tại đây. 

Các trạm y tế tại P.9, P.8… Q.10 đều có chung “nỗi khổ” tương tự. Ngoài ra, khi chúng tôi đến ghi nhận tại các trạm y tế các quận: 11, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, nhiều nơi thậm chí không nghe nói đến đề án này. Nhiều nhân viên y tế khá lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu, làm sao để người dân hiểu, tự nguyện tham gia và lập hồ sơ, quản lý như thế nào. 

Nhân viên của trạm y tế tại một xã của H.Bình Chánh bối rối: “Chúng tôi chưa được triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, chưa có nhân sự để làm mảng này, những người dân ở xã này lại đăng ký tạm trú ở xã khác, quận khác thì phải xử lý như thế nào? Những bé mới sinh tại địa bàn nhưng làm giấy khai sinh ở các tỉnh khác thì nơi nào sẽ theo dõi và lập hồ sơ sức khỏe điện tử?”.

Thang 7/2019 trien khai ho so suc khoe dien tu: Sao TP.HCM con chua ruc rich?
 

Bác sĩ Nguyễn Văn Chức - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.Thủ Đức - cho hay, tất cả trạm y tế ở các phường vẫn đang chờ Sở Y tế TP.HCM triển khai nên chưa đưa hồ sơ sức khỏe điện tử vào thực hiện.

Còn theo bác sĩ Lê Thị Hồng - Trạm Y tế P.5, Q.3 - để chuẩn bị lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho khoảng 15.000 người dân tại đây, trạm chỉ mới tổng điều tra, cập nhật thông tin nhưng chỉ với sáu nhân viên sẽ không thể kham nổi. Vì vậy, trạm sẽ ưu tiên lập hồ sơ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến chích ngừa, người trên 60 tuổi và thống kê theo mã bảo hiểm y tế của người từng đến trạm thăm khám.

“Chúng tôi đang có dự định nhờ các bệnh viện tuyến trên rà soát người bệnh có địa chỉ tại phường để hỗ trợ lập hồ sơ. Trường hợp người dân sống tại P.5, Q.3 và những trẻ sinh tại đây nhưng có khai sinh ở tỉnh hoặc tạm trú ở nơi khác chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo để giải quyết. Hiện trạm chưa nhận được phần mềm nên bước đầu chỉ có những định hướng như vậy”, bác sĩ Hồng nói thêm.

Theo quan sát của chúng tôi, người dân đến khám tại các trạm y tế phường, xã thường tập trung vào đầu giờ sáng, số lượng trên dưới 10 người nhưng hơn một nửa là người cao tuổi, mặc dù bác sĩ khám xong, giải thích về hồ sơ sức khỏe điện tử người dân vẫn không hiểu, lập tức từ chối tham gia do… rắc rối. 

Thang 7/2019 trien khai ho so suc khoe dien tu: Sao TP.HCM con chua ruc rich?
 

Hồ sơ sức khỏe điện tử theo dõi sức khỏe cả đời

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi. Hồ sơ được thống nhất lưu trữ trong hệ thống quốc gia, giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của mình. 

Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân sử dụng dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID) cho từng cá nhân, thông tin dữ liệu của người dân được bảo mật tuyệt đối.

Khi người dân đến cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ đâu, chỉ cần bấm máy tính là sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó. Thông qua hồ sơ sức khỏe, bác sĩ có thể cập nhật được tiền sử bệnh tật, quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.

Trong hội thảo đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử ngày 17/6/2019, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - cho hay, từ cuối năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các trạm y tế xã, phường, giao Cục Công nghệ thông tin xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo lộ trình, tháng 7/2019 triển khai đồng loạt trên toàn quốc.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết, hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân có lộ trình đến năm 2025. Để thực hiện phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, sở đang soạn đề án để lấy ý kiến các sở, ngành, sau đó sẽ trình lên UBND TP.HCM. Khi UBND TP.HCM ra quyết định mới có thể thực hiện được.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI