Thận trọng với những vật dụng thiếu an toàn trong trường học

30/09/2017 - 05:30

PNO - Đầu năm học là thời điểm trẻ dễ gặp các tai nạn học đường nhất, vì sau một thời gian dài không gặp nhau, các bé thường háo hức chơi đùa sôi nổi hơn ngày thường.

Vì thế, các thầy cô giáo phải hết sức lưu ý đến những vật dụng, trang bị trong trường, tránh để chúng trở thành vật sát thương nếu học sinh (HS) chẳng may té ngã… 

Ngã vào cửa kính đã nứt, bị cắt nát mặt 

Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 vừa tổ chức họp báo, cảnh báo về những tai nạn học đường nghiêm trọng trong những ngày đầu năm học mới. Thứ Năm tuần trước, bé Đ.L.P.T., học lớp 6 tại một trường THCS ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, đã được đưa đến khoa Răng hàm mặt của BV trong tình trạng băng kín toàn bộ gương mặt, chỉ chừa đôi mắt. 

Than trong voi nhung vat dung thieu an toan trong truong hoc
Gương mặt bé T. sau 11 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn

Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Hằng - Phó khoa, đã giật mình khi lật băng ra vì: "Cháu bị tổn thương do kính cắt lật hết phần môi trên lên tận sụn mũi và rất nhiều vết cắt ngang dọc khác". Mẹ bé T. cho biết, sáng hôm đó đúng ngày cháu có kinh nguyệt nhưng không kịp ăn sáng nên đến trường thì bị choáng, ngã vào cánh cửa kính cũ, bị kính vỡ cắt vào mặt. Bé đã được nhân viên y tế trường sơ cứu bằng cách đặt bông gạc rồi băng lại.

Chính các cô y tế của trường cũng không ngờ vết thương lại nặng đến thế, nên trấn an mẹ là bé cũng không sao. Về nhà, rửa vết thương cho con, người mẹ phát hoảng, đưa ngay vào BV. BS Hằng đã mất đến ba tiếng đồng hồ mới gắp ra được mười mảnh kính trong vết thương.

Ban đầu, BS Hằng định gây mê thay vì gây tê vì sợ bé đau, thiếu hợp tác làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ nhưng bé T. đã dùng điện thoại của mẹ nhắn nhờ bác sĩ làm thật đẹp, đau mấy cũng cố gắng chịu đựng. Để khâu hết các vết rách cả trong miệng lẫn trên mặt bé, BS đã phải sử dụng hết năm mét chỉ. 

Than trong voi nhung vat dung thieu an toan trong truong hoc
Ảnh: Phạm An

"Tôi rất xót xa cho bé. Dù BS khéo tay đến mấy cũng không thể nào trả lại gương mặt như cũ cho cháu được. Tôi đề nghị các trường phải hết sức chú ý đến việc đảm bảo an toàn môi trường học đường", BS Hằng nói.

Theo mẹ bé T., sau tai nạn này, chị đã đến xem lại tất cả những cánh cửa ở trường con gái học và phát hiện khá nhiều cửa kính bị nứt, đang dán băng keo. TS-BS Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng hàm mặt, BV Nhi Đồng 1 cho biết, từ đầu năm học 2017-2018 đến nay, khoa đã ghi nhận nhiều trường hợp học sinh (HS) chấn thương hàm mặt do té ngã khi chơi đùa với nhau ở trường; mà trường hợp của bé T. là nặng nhất.

Theo BS Đẩu, qua vụ việc này, nhà trường nên xem xét lắp đặt lại kính sao cho phù hợp. Nếu dùng kính cường lực hoặc loại kính khi vỡ ra sẽ thành những hạt tròn thì sẽ không gây sát thương cho trẻ.

Phập phồng với những trò nghịch dại của trẻ

Chị T.T.D., 34 tuổi (P. Tân Hưng, Q.7) cho biết, mới trở lại trường học được vài ngày thì chị phát hiện con trai bảy tuổi bị trầy trụa khắp mặt. Hỏi mãi cậu bé mới kể là do cùng các bạn trong lớp chơi phóng bút.

“Trẻ con hiếu động nhưng ở độ tuổi tiểu học, các cháu còn chưa ý thức được nguy hiểm, nên dù là giờ ra chơi, trường cũng cần phân công giáo viên thường xuyên để mắt đến HS. Những trò nghịch dại như vậy rất nguy hiểm, lỡ các cháu phóng bút trúng mắt nhau thì hậu quả có thể là tàn tật suốt đời”, chị D. lo lắng.

Than trong voi nhung vat dung thieu an toan trong truong hoc
Ảnh Phạm An

BS Nguyễn Văn Đẩu cho biết thêm về trường hợp một HS bị văng đến… bốn chiếc răng cửa vì té ngã khi đuổi nhau với bạn trong trường. Đây là bốn chiếc răng vĩnh viễn, nên cháu buộc phải trồng răng giả để thay thế. Theo BS Đẩu, những tai nạn từ tháng Chín cho đến hết năm của trẻ em đa số xảy ra ở trường học hoặc trên đường lưu thông từ nhà đến trường và ngược lại.

Riêng đối với những chấn thương hàm mặt, BS Đẩu khuyến cáo, người lớn cần bình tĩnh dùng gạc sạch băng cầm máu rồi đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để xử lý. Nếu răng của trẻ rơi ra ngoài, mà là răng vĩnh viễn thì phải cố gắng giữ lại. Chiếc răng phải được rửa nước sạch, ngâm với sữa tươi rồi mang theo đến BV. Thời gian vàng để cắm lại răng cho trẻ là trong vòng 2 giờ, muộn nhất là trong vòng 24 giờ. 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI