Thai phụ nhiễm HIV: Làm sao an toàn cho mẹ và con?

14/11/2018 - 06:51

PNO - Nỗi lo sợ của thai phụ nhiễm HIV là lây truyền sang con. Nhưng với thuốc ARV chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV, nếu thai phụ tuân thủ đúng phác đồ thì sức khỏe sẽ ổn định và hạn chế tình trạng lây bệnh sang con.

Thoát hiểm an toàn

Nhiễm HIV từ chồng sau bảy tháng kết hôn, chị Nguyễn Kim N., ở H.Nhà Bè, TP.HCM nghĩ rằng, sẽ không bao giờ được làm mẹ vì sợ lây bệnh cho con. Tháng 1/2017, vợ chồng chị “vỡ kế hoạch” trong nỗi lo xen lẫn niềm vui. Chị tìm đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM.

Thai phu nhiem HIV: Lam sao an toan cho me va con?
 

Sau cuộc trò chuyện với bác sĩ, vợ chồng chị mừng đến rơi nước mắt khi được tư vấn: “Phụ nữ mang thai bị HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm và sau khi sinh con được dùng sữa ăn thay thế sữa mẹ, thì tỷ lệ lây nhiễm có thể dưới 2%. Điều quan trọng là phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ”. Gần tám tháng sau, chị N. sinh con trai 3,7kg khỏe mạnh. Nhờ uống thuốc ARV đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, đến nay, sau nhiều lần xét nghiệm, con chị được xác định không bị lây HIV từ mẹ, hoàn toàn khỏe mạnh.

Hay trường hợp thoát hiểm ngoạn mục của mẹ con chị Nguyễn Thị K.L., ở trọ tại H.Bình Chánh. Khi mới có thai, chị L. đến Phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS (OPC) Bình Chánh lãnh thuốc ARV uống. Nhưng sau đó, chị bỏ ngang và đi khỏi địa phương. Đến thai kỳ tuần 33, chị quay lại mong muốn điều trị. Các bác sĩ đã cho chị làm xét nghiệm, căn cứ vào nồng độ vi-rút trong cơ thể, cho chị dùng thuốc mạnh nhất. Ngay sau sinh, em bé được uống ba loại thuốc duy trì trong một tháng. Kết quả, em bé hoàn toàn khỏe mạnh. 

Thai phu nhiem HIV: Lam sao an toan cho me va con?
Khi mang thai, phụ nữ nhiễm HIV cần được tham vấn, điều trị thuốc ARV sớm để an toàn cho mẹ và con Ảnh minh họa

Dừng thuốc giữa chừng: con bị lây, bệnh mẹ trở nặng 

Không phải ai cũng may mắn như mẹ con chị Nguyễn Thị K.L. nêu trên. Có những trường hợp thai phụ bị HIV nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị, bỏ thuốc giữa chừng khiến bệnh nặng hơn và nguy cơ con bị lây nhiễm bệnh. Như trường hợp chị Lê Thị B. ở tỉnh An Giang.

Chị bị HIV cách đây ba năm, được điều trị bằng thuốc ARV nên sức khỏe ổn định. Nhưng sau khi chuyển lên TP.HCM làm thuê, chị uống thuốc không đều. Trong thời gian này, chị phát hiện mình mang thai. Bé gái xinh xắn vừa chào đời có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Sức khỏe của chị cũng suy yếu, hết nhiễm trùng hô hấp tới đường ruột… Bác sĩ cho biết chị đã chuyển qua giai đoạn AIDS, vì trong thời gian mang thai, nội tiết tố thay đổi, sức đề kháng suy giảm mà chị lại không uống thuốc điều trị HIV. 

Cụ thể, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 - thành viên nhóm điều trị không lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, khuyên: phụ nữ nhiễm HIV muốn có con, hoặc “vỡ kế hoạch” phải thông báo cho bác sĩ đang điều trị để được tư vấn, hướng dẫn uống thuốc theo dõi sức khỏe mẹ và bé kịp thời, chặt chẽ. 

Theo bác sĩ Lê Văn Đức - cố vấn cấp cao Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, nếu thai phụ nhiễm HIV mà không điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV thì tỷ lệ lây truyền sang con từ 25-30%. Thai phụ được điều trị ARV đúng phác đồ và tuân thủ đầy đủ sẽ giúp giảm lượng vi-rút trong máu xuống mức thấp nhất, hạn chế sự lây truyền sang con. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI