Tất tả làm đẹp cuối năm: Tiền mất, tật mang

05/02/2018 - 09:00

PNO - Cuối năm thường là dịp nhiều chị em tranh thủ ghé spa chăm sóc sắc đẹp. Một trong những dịch vụ được lựa chọn hàng đầu là hút chì thải độc, chích filler làm đầy.

Những xu thế làm đẹp chưa được kiểm chứng hoặc thực hiện ở những nơi thiếu uy tín đầy rẫy rủi ro nhưng vẫn nườm nượp khách.

Làm đẹp bất chấp nguy cơ 

Thị trường làm đẹp cuối năm đang vào mùa làm ăn tất bật. Từ các tiệm làm đẹp bình dân đến các spa, khách đều phải đặt trước để tránh cảnh chờ đợi. Tiếp tục nở rộ trong mùa làm đẹp đón tết 2018 là dịch vụ hút chì da mặt, môi và chích filler.

Chích filler làm đầy khóe mắt, nâng mũi đang trở thành một xu thế làm đẹp dịp cận tết bởi hiệu quả nhanh chóng, không cần phẫu thuật. Dù được cảnh báo chích filler chỉ được thực hiện ở các thẩm mỹ viện, cơ sở y tế do bác sĩ tiến hành, nhưng một số spa, tiệm uốn tóc cũng  “ôm”  luôn cả kỹ thuật này.

Tat ta lam dep cuoi nam: Tien mat, tat mang
Khách hàng được hút chì da mặt tại một spa

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, từ tháng 12/2017 đến nay, đơn vị này tiếp nhận năm trường hợp là phụ nữ, độ tuổi từ 25-42, bị tắc mạch do chích filler làm đầy tại spa. Biểu hiện của các bệnh nhân lúc nhập viện là vùng chích filler bị hoại tử thâm đen.

Nếu không xử lý kịp thời, ngoài vấn đề ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ, bệnh nhân còn có nguy cơ tử vong do biến chứng thuyên tắc mạch máu. Tắc mạch là một biến chứng có thể xảy ra sau khi chích filler, nhưng nếu khách hàng làm tại các cơ sở y tế chính thống, do bác sĩ chuyên môn tay nghề cao thì tỷ lệ biến chứng sẽ hạn chế hơn. Và nếu xảy ra biến chứng, bệnh nhân cũng được xử lý kịp thời do bệnh viện có đầy đủ nhân lực và trang thiết bị y tế cần thiết.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Phòng khám chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - bổ sung thêm: vì ham rẻ, nhiều chị em thoa lên mặt những sản phẩm không rõ nguồn gốc, nguy cơ bị kích ứng da rất cao. Bác sĩ Vân Thanh từng trực tiếp điều trị hơn mười trường hợp bị kích ứng, dị ứng da mặt sau khi đi làm đẹp.

Gần đây nhất là một bệnh nhân đi hút chì môi. Trong khi thao tác, chị này đã được nhân viên spa lén xăm màu đỏ lên môi để chứng minh sau khi hút chì môi đỏ đẹp ra. Ai ngờ, sắc tố môi của bệnh nhân bị thâm bẩm sinh, khi xăm màu đỏ tươi đã chuyển thành nâu đỏ loang lổ.

Kỹ thuật cải tiến hơn?

Giá một cc filler dao động từ 5-7 triệu đồng. Nhiều dịch vụ quảng cáo: gần tết, các kỹ thuật hút chì cũng được nâng cấp, chỉ hút chì bằng thảo dược (!). Phương pháp chích filler cũng được “lên đời” nên rất dễ thực hiện. Một tiệm uốn tóc bình dân cũng có tới 20-30 người tới hút chì mỗi ngày.

Tat ta lam dep cuoi nam: Tien mat, tat mang
Hình minh họa. Ảnh: Internet

Một người trong giới cho biết: “Hầu như khách hàng nào tới cũng được tư vấn khuyên làm các dịch này vì… các tiệm dễ kiếm nhiều tiền hơn so với các dịch vụ khác. Ở các spa cao cấp, khâu hút chì dao động ở mức giá trên dưới 1 triệu đồng, còn ở những tiệm uốn tóc bình dân, chỉ với 150.000 đồng là khách đã được… hút chì “tẹt ga”.

Nhiều chị em nội trợ rủ nhau đến một spa tên L.L. tại P. Tân Phong, Q.7, TP.HCM. Thực chất nơi đây chỉ là tiệm uốn tóc gội đầu có sửa sang thêm tiện nghi, lắp máy lạnh mát mẻ. Trong khi gội đầu cho chúng tôi, cô nhân viên nhỏ to khuyến khích: “Chị thử dịch vụ hút chì da mặt đi. Bên em đang khuyến mãi từ 600.000 đồng giảm còn 150.000 đồng/liệu trình.

Mình xài mỹ phẩm nên da bị nhiễm chì, ảnh hưởng sức khỏe lắm đó chị. Hút chì xong da chị sáng lên ngay”. Cô lấy ra chiếc hộp giấy, trong hộp là những vỉ có chứa những viên giống như kén nhộng có màu nâu. Theo cô, đây là thảo dược xuất xứ Singapore, có thể xoa lên mặt để hút chì, mặc dù trên hộp ghi: “made in Korea”. 

Chứng kiến quy trình hút chì mà một nhân viên đang làm cho khách, tôi nhận ra rất nhiều người đang là những con mồi béo bở. Một cô nhân viên đến thực hiện thao tác tẩy trang gương mặt rồi bẻ đôi viên kén nhộng, lấy chất dịch màu trắng thoa lên mặt khách. Sau đó, cô bật máy (gọi là máy sử dụng sóng siêu âm làm nóng da mặt tạo phản ứng hút chì).

Tat ta lam dep cuoi nam: Tien mat, tat mang
Hình minh họa. Ảnh: Internet

Khi đầu rà của chiếc máy chà lên da mặt, khách kêu “nóng” thì được cô nhân viên điều chỉnh máy. Một lát sau da mặt khách đen thui. Lúc này cô nhân viên dừng lại, đưa cho chị ta tấm gương soi, bảo rằng chì đã hút ra nhiều tới mức đen thui khuôn mặt. Trong lúc dùng bông tẩy trang lau chất đen trên da mặt chị bạn, cô nhân viên lại thủ thỉ dụ dỗ: “Thường khách hút chì xong da sẽ bị khô, cần thiết thêm viên dưỡng ẩm để cấp nước cho da. Nếu chị làm luôn thì hiệu quả mới trọn vẹn, giá chỉ 400.000 đồng”. Cô còn tiếp tục mời chào nên hút chì toàn thân. 

Tiến sĩ bác sĩ Lê Thái Vân Thanh giải thích: bản chất kỹ thuật này tương tự như cách làm sạch da và tẩy tế bào chết. Chất đen đen mà khách hàng thấy trên mặt mình có khả năng là bụi bẩn, hoặc do phản ứng nhiệt độ lúc massage bằng máy lên dung dịch gọi là thảo dược được thoa lên mặt. Nếu cơ thể bị nhiễm chì từ mỹ phẩm, son môi, thì tùy vào mức độ nhiễm độc, chì sẽ đi vào máu và gây hại tới các cơ quan nội tạng bên trong chứ không nằm trên bề mặt da để có thể dễ dàng hút ra. Với trường hợp bị ngộ độc chì, các bác sĩ cũng phải cho làm nhiều xét nghiệm chẩn đoán, điều trị rất phức tạp.

Do vậy, cẩn trọng với các dịch vụ làm đẹp cuối năm không chỉ giúp chị em tránh cảnh bị móc hầu bao, tốn kém không cần thiết, mà quan trọng hơn còn có thể tránh được các tai nạn đáng tiếc. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI