Tâm lý đám đông

22/09/2018 - 11:30

PNO - Hành vi đám đông trong từng tình huống cụ thể đôi khi lại đi ngược với những lý luận logic nhưng phù hợp với phản xạ đám đông. Chính điều đó đã mang đến cho chúng ta nhiều bất ngờ.

1. Pavlov’s Dogs hay Little Albert - Phản xạ có điều kiện

Tam ly dam dong
 

Mọi người khá quen thuộc với thực nghiệm Pavlov’s Dogs (con chó của Pavlov), là một trong những thực nghiệm kinh điển của trường phái “Tâm lý học hành vi cổ điển”. Pavlov quan sát, nhận ra khi tiếp xúc với đồ ăn, những con chó tiết nước bọt nhiều hơn. Ông chọn cách kết hợp rung chuông mỗi khi cho những con chó này ăn. Theo thời gian, chúng hình thành phản xạ có điều kiện là nghe tiếng chuông sẽ chảy nước miếng. 

Tương tự cách làm này, các nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins của Mỹ năm 1920 đã tiến hành thí nghiệm đối với em bé chín tháng tuổi Albert. Đây được cho là một trong những thí nghiệm phi nhân tính nhất. Albert được thử xem bé sợ những gì và có hai thứ được xác định khiến bé hốt hoảng chính là âm thanh tiếng búa và tiếng va đập của những thanh thép gây chói tai. Sau đó, những người tiến hành thí nghiệm đã gán những âm thanh đó cùng sự xuất hiện của lần lượt từng con vật mà trước đó bé không hề sợ. Sự kết hợp ấy đã khiến Albert sợ tất cả những thứ em từng không sợ. 

Thí nghiệm nhằm chứng minh rằng, phản xạ (cảm xúc) có điều kiện cũng có thể xảy ra ở con người.

2. A Class Divided - Lớp học bị chia cắt

Tam ly dam dong
 

Thực nghiệm này được tiến hành năm 1968 với học sinh lớp Ba của một lớp học ở Iowa. Từ câu chuyện Mục sư Martin Luther King Jr., người nổi tiếng với các hoạt động chống kỳ thị chủng tộc bị ám sát năm 1968, giáo viên Jane Elliott đã tiến hành phân chia lớp học của mình thành hai nhóm gồm các em học sinh mắt xanh và mắt nâu, cùng tham gia một trò chơi đặc biệt. 

Ngày đầu tiên, nhóm mắt xanh được “dán nhãn” là nhóm cấp cao, có những đặc quyền và nhóm mắt nâu là nhóm yếu thế hơn. Những đứa trẻ chưa từng có những định kiến về sự khác biệt khi tham gia trò chơi này đã có những chuyển biến kỳ lạ. Nhóm mắt xanh dần có thái độ chứng tỏ địa vị, bắt nạt nhóm còn lại. Trong khi đó, nhóm mắt nâu bắt đầu tỏ ra mất tự tin, không tập trung vào việc học nữa. 

Ngày hôm sau, vị thế được chuyển đổi ngược lại. Nhóm mắt nâu trở thành nhóm có đặc quyền còn nhóm mắt xanh là nhóm bị bắt nạt. Sau hai ngày tiến hành trò chơi với các em học sinh, giáo viên Jane Elliott đã cho các em cơ hội giải tỏa những cảm xúc mới xuất hiện, để các em ôm chầm lấy nhau. Các em đã học được bài học không nên đánh giá, định kiến, kỳ thị hay cho mình quyền ở vị thế trên bất cứ ai. Trò chơi này về sau được tiến hành ở nhiều nhóm khác và đều cho kết quả tương tự. 

3. Harry Harlow và nghiên cứu thú vị về tình mẫu tử

Harry Harlow là nhà tâm lý học người Mỹ nổi tiếng với hàng loạt thí nghiệm gây tranh cãi tiến hành với loài khỉ nâu. Chuỗi thí nghiệm thực hiện từ năm 1957-1963 tại Đại học Wisconsin. Những con khỉ mới sinh vài giờ bị tách biệt khỏi mẹ, sau đó được đưa vào môi trường với những “mẹ khỉ” giả để Harry Harlow tìm hiểu xem mối dây liên kết mẹ - con ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của những con khỉ khi lớn lên, từ đó đưa ra những kết luận ứng dụng vào con người. 

Có hai “mẹ khỉ” được đưa đến cho khỉ con để thay thế mẹ ruột của chúng. Một là “mẹ” bện từ những sợi dây cùng nhiều thức ăn và một là “mẹ” bằng vải bông mềm mịn nhưng có rất ít thức ăn. Khỉ con quấn quýt với mẹ làm bằng vải bông nhiều hơn. Harry Harlow cùng các đồng nghiệp lý giải rằng, khỉ con cần sự tương tác, cảm giác gần gũi yêu thương hơn và xem đó là “nguồn dinh dưỡng” quý giá hơn cả thức ăn. Những con khỉ này phát triển mạnh khỏe hơn những con khỉ chỉ hứng thú với đồ ăn. Tiếp xúc cơ thể được kết luận là yếu tố quan trọng trong việc gắn kết giữa cha mẹ với con cái hơn cả những nhu cầu sống cơ bản như ăn uống. 

Tam ly dam dong
 

4. Thực nghiệm nhà tù Standford

Thực nghiệm được tiến hành năm 1971 với sự tham gia của giáo sư tâm lý học Philip Zimbardo và các sinh viên tình nguyện. Những sinh viên này được chia làm hai nhóm đóng vai người cai ngục hoặc tù nhân trong không gian được thiết kế không khác gì nhà tù.

Những sinh viên đóng vai cai ngục được yêu cầu không tấn công bằng hành động bạo lực các sinh viên đóng vai tù nhân. Chỉ vài ngày sau khi thực hiện màn đóng giả này, những cai ngục “giả” bắt đầu “nhập vai”. Họ liên tục nói những lời thô tục, miệt thị những người bạn của mình. Trong khi đó, các sinh viên đóng vai tù nhân răm rắp tuân thủ theo với vẻ sợ hãi. 

Thực nghiệm này cho thấy, hành vi không do yếu tố tính cách quyết định mà có thể ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, sự định đoạt thứ tự, vai trò của họ trong tập thể.

Hoàng Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI