Tại sao trẻ mắc bệnh ho gà tăng?

04/05/2018 - 19:27

PNO - Bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 dự đoán bệnh ho gà tại TP.HCM có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) nhận định trẻ mắc bệnh ho gà tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện số trẻ nhập viện điều trị do bệnh này đã tăng gấp đôi so với các tháng trước.

Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nếu trong tháng 2 có 6 trẻ mắc bệnh ho gà phải nhập viện điều trị thì trong tháng 3 và tháng 4, mỗi tháng có 15 – 16 ca.

Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cũng ghi nhận khoảng 20 trường hợp mắc ho gà từ đầu năm 2018. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 7 trẻ mắc bệnh ho gà mỗi tháng.

Chiều 4/5, theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, toàn thành phố tính từ đầu năm 2018 đến nay có 9 trẻ mắc bệnh ho gà. Việc thống kê này dựa trên số trẻ sinh sống trên địa bàn thành phố.

Tai sao tre mac benh ho ga tang?
Trẻ điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết số trẻ mắc bệnh ho gà tăng đều có liên quan đến ý thức tiêm chủng vắc xin. Cụ thể, trong 9 ca mắc ho gà, có 4 trẻ đã bị nhiễm vi khuẩn ho gà khi dưới 2 tháng tuổi (thời điểm bắt đầu tiêm vắc xin mũi đầu tiên); 1 trẻ tiêm vắc xin nhưng không đầy đủ; 4 trẻ còn lại… không được tiêm vắc xin.

Với 4 trẻ em không được tiêm vắc xin ho gà phòng bệnh, theo lời khai từ gia đình bệnh nhi do các bé chưa đủ tuổi tiêm ngừa, trẻ bị bệnh ở thời điểm chích ngừa... 

Nguyên nhân do trẻ không tiêm vắc xin ho gà cũng trùng hợp với nghiên cứu của một nhóm bác sĩ của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Trong 76 ca ho gà được điều trị tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 từ ngày 1/5/2015 đến 31/7/2017, đến 90,8% là do trẻ không được chích ngừa đầy đủ hoặc chưa đến tuổi chích ngừa. 

Trong 76 trường hợp này, có 1 trẻ bị tử vong sau khi mắc ho gà do biến chứng viêm phổi nặng, viêm não bệnh ho gà gây ra. Nghiên cứu cũng ghi nhận đến 92,1% trẻ mắc ho gà bị tổn thương phổi. Biến chứng bệnh ho gà thường gặp nhất là viêm phổi (93,4%), suy hô hấp (61,8%), co giật (2,6%). 

Tai sao tre mac benh ho ga tang?
Các bác sĩ khuyến cáo chỉ cần tiêm vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia cũng đã tránh cho trẻ em mắc bệnh ho gà

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khẳng định chưa ghi nhận ca tử vong do ho gà sống trên địa bàn thành phố. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ghi nhận 2 trẻ đã tử vong với chẩn đoán dựa trên lâm sàng là bị ho gà. Do đó, mẫu bệnh phẩm từ các ca tử vong này tiếp tục chuyển qua Viện Pasteur TP.HCM kiểm nghiệm dịch tiết hầu họng để kiểm chứng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết khi trẻ mắc ho gà, ngoài biến chứng viêm phổi, trẻ có thể bị nguy hiểm khi rơi vào cơn ngưng thở. Cách phòng bệnh duy nhất đó là tiêm chủng vắc xin ho gà đầy đủ cho trẻ em. 

Các triệu chứng thường gặp ở trẻ bị ho gà là ho kéo dài trên 2 tuần, ho cơn kịch phát điển hình, ho cơn đỏ mặt, ho cơn tím tái, tiếng thở rít sau cơn ho, ho nhiều về đêm, ói sau ho, sổ mũi, cơn ngưng thở.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI