Sữa non có thật hay là truyền thuyết

25/11/2019 - 07:00

PNO - Dù bác sĩ khẳng định mọi bà mẹ đều có sữa non, có thể không vắt ra được nhiều nhưng vẫn đủ cho trẻ mới sinh, nhưng dường như những nỗ lực này vẫn đang thua cuộc trước nỗi lo “con đói” của các bà mẹ.

Thế trận sữa cho trẻ sơ sinh có vẻ đang nghiêng về sữa công thức.

Lý do… to hơn mục đích

Các bà mẹ đều nằm lòng câu “sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé”. Thế nhưng ngay từ những ngày đầu sau sinh, có hàng trăm lý do để các bà mẹ đi ngược mục đích này.

Trước phòng nhận sinh Bệnh viện (BV) Hùng Vương, các thai phụ và người nhà lỉnh kỉnh tay xách nách mang đồ đạc chuẩn bị cho người mẹ vượt cạn. Trong mỗi giỏ đồ chuẩn bị đi sinh, luôn có bình sữa và hộp sữa công thức. 

Sua non co that hay la truyen thuyet
Mọi bà mẹ đều có đủ nguồn sữa non cho nhu cầu của con trẻ sơ sinh (ảnh chụp tại Bệnh viện Hùng Vương)

Bà Đỗ Thùy Hương, mẹ chồng thai phụ Nguyễn Thị N. vừa từ Tiền Giang lên, đón lấy giỏ đồ và hỏi con trai: “Có đem sữa lon không con, ra là cho bé bú liền, không nó đói. Đàn bà mới đẻ không có sữa đâu”. 

Tương tự, ở khu vực chờ sinh của BV Từ Dũ, BV Đại học Y Dược, An Sinh, thân nhân hỏi han kinh nghiệm mua sữa công thức nào cho em bé sổ sữa, cao to. Họ mặc định sinh xong mẹ sẽ không có sữa và em bé phải được bú bình ngay. 

Ở khu vực hậu sản của BV Từ Dũ, sản phụ Võ Thị T. đang cho con gái một ngày tuổi bú mẹ. Do đầu ti của chị ngắn, bé khó bú. Thấy vậy, một “phụ huynh” của sản phụ bên cạnh nhắc: “Em bé đói bụng nên khóc đó. Con pha sữa ngoài cho em bú dặm thêm đi”. 

Chị L. trả lời: “Bác sĩ dặn cho em bé bú mẹ hoàn toàn, không cần thêm sữa ngoài”. Phụ huynh này cố thuyết phục: “Sau khi sinh có ai đủ sữa đâu, cả tuần sau mới có nhiều sữa nên phải cho bé bú dặm sữa bình chớ. Cháu cô phải bú bình đến khi nào mẹ nó có đủ sữa mới thôi”.

Chị L. bắt đầu khó chịu nhưng kiên nhẫn giải thích: “Bác sĩ nói mới sinh là có sữa non rồi ạ”. Cuộc tranh luận có lẽ sẽ còn tiếp diễn nếu cô điều dưỡng không vào phòng. 

Có đủ lý do khiến các bà mẹ trì hoãn không cho con bú mẹ ngay sau sinh. Trong đó có nguyên nhân “bé không biết bú, để về nhà từ từ tập”. Nhiều chuyên gia sản khoa cho rằng, lý do này là “quá coi thường trẻ”. Bởi nhịp cầu đầu tiên và tự nhiên nhất đưa trẻ đến với sữa mẹ là phương pháp da kề da. Trẻ được da kề da sẽ tăng khả năng bú mẹ thành công trong 90 phút đầu sau sinh, gấp ba lần so với trẻ không được da kề da. 

Một lý do nữa khiến nhiều bà mẹ không lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ là sợ “bể phọt, hư dáng”, nên đã ưu tiên dùng sữa công thức. Lý do này thường được ẩn nấp dưới một lý do khác - tưởng như rất hợp lý: “cho bé bú sữa ngoài để sau này bé không bám mẹ, đi làm trở lại dễ hơn”. 

Nuôi con bằng sữa mẹ có dễ?

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, trăn trở: “Nghiên cứu của tổ chức Alive & Thrive cho thấy, tỷ lệ sản phụ chuẩn bị sữa công thức khi đi sinh cao nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. 

Sua non co that hay la truyen thuyet
 

Tỷ lệ cho con bú sớm trong vòng 90 phút đầu sau sinh ở hai nơi này thấp nhất trong bảy tỉnh thành được khảo sát trên cả nước. Nhiều bà mẹ ở thành thị vẫn còn suy nghĩ sai lệch rằng, mẹ không có đủ sữa cho con ngay sau sinh, nên đã thay thế bằng sữa công thức”. 

Việc truyền thông, tư vấn không dễ dàng, nhất là khi thông tin sai lệch về lợi ích của các sản phẩm thay thế sữa mẹ như sữa công thức rất phổ biến, bác sĩ Phan Thị Hằng, Phó giám đốc BV Hùng Vương, nói. Các nhân viên y tế thường gặp phản ứng của sản phụ: “Sữa non là gì sao tôi không thấy, nặn chỉ ra một vài giọt thì con tôi bú cái gì, nó lấy gì sống?”.  

Chị Ngọc Châm, sản phụ từng đặt câu hỏi này với các bác sĩ, kể: “Sau khi sinh, nặn hoài không thấy giọt sữa non nào, tôi hoang mang và kêu chồng pha sữa công thức cho con. 

Nhưng chồng nói cứ cho con bú mẹ, nếu con không khóc thì coi như con no và đã bú được sữa non. Tôi miễn cưỡng làm theo và con tôi mút chừng 5 phút thì ngủ. Bé thức dậy lại tìm ti mẹ và ngủ tiếp nên tôi đỡ lo lắng. Đến ngày thứ tư thì sữa về nhiều, con tôi hoàn toàn bú sữa mẹ”. 

Còn anh Nguyễn Văn Hùng, nuôi vợ vừa sinh tại BV Hùng Vương, kể: “Vợ chồng tôi cũng thủ sẵn lon sữa bột, tính sinh xong là cho bú liền, nhưng các cô ở đây tư vấn, hướng dẫn cho con bú mẹ và duy trì nguồn sữa. 

Bé bú mẹ là ngủ ngon lành, không khóc tiếng nào nên ngày 21/11, vợ tôi được xuất viện sau ba ngày sinh mổ. Vợ tôi cũng không cho con uống giọt sữa ngoài nào, nay đã có nhiều sữa hơn rồi”. 

Việc sinh nở vốn đeo mang quá nhiều định kiến và kinh nghiệm của lớp lớp bà, mẹ, chị - khiến sản phụ hiện đại khó lòng thoát ra để thẩm thấu kiến thức mới. Câu chuyện sữa mẹ cũng vậy, kiến thức không thiếu, nhưng để áp dụng được và vượt qua nỗi sợ hãi “con đói” khi mới sinh vẫn rất cần bản lĩnh của một người mẹ. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI