Vì sao chúng ta cần probiotics?

22/04/2017 - 14:07

PNO - Có lẽ mọi người từng nghe nói nhiều đến probiotics (lợi khuẩn) giúp bảo vệ sức khỏe đường ruột, nhưng bạn có biết rõ probiotics sẽ tác động lên cơ thể thế nào hay nguồn cung cấp là từ đâu không?

Tác động đến toàn cơ thể

“Bộ sưu tập” vi khuẩn (VK) sống trong và trên cơ thể chúng ta gồm khoảng 100.000 tỷ tế bào, tập trung cao nhất ở ruột. Một nghiên cứu năm 2014 của ĐH New York khẳng định, sự đa dạng chủng loại VK là rất cần thiết cho sức khỏe, vì nâng cao sức đề kháng, tạo hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.

Nhiều báo cáo khoa học khác cũng cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa VK đường ruột với hệ miễn dịch, sức khỏe của da, hội chứng ruột kích thích (IBS) và thậm chí cả chứng tự kỷ.

Vi khuẩn xấu gây béo phì và ảnh hưởng cảm xúc. Chế độ dinh dưỡng nhiều đường, carbohydrate tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn, chất làm ngọt nhân tạo và thuốc kháng sinh sẽ “chung tay” quét sạch VK có ích khỏi cơ thể. Nếu không có đủ lượng VK thân thiện, ruột sẽ hấp thụ nhiều calo hơn, dẫn đến tăng cân.

VK xấu còn tương tác với hormone trong ruột như leptin và ghrelin, gây thèm ăn. Sự cân bằng VK là yêu cầu cơ bản để hệ thần kinh quanh ruột sản xuất các hóa chất ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta, chẳng hạn như serotonin.

Khi các nhà nghiên cứu của ĐH McMaster (Canada) thay thế hệ VK đường ruột của những con chuột hay lo âu, bằng VK từ nhóm chuột năng động, họ nhận thấy mức độ lo lắng ở nhóm đầu tiên giảm đi rõ rệt.

Vi sao chung ta can probiotics?
Probiotics giúp hệ tiêu hóa và miễn dịch luôn khỏe mạnh


Tốt ruột, lợi da

Probiotics và VK thân thiện hiện đang được thử nghiệm trong kem và thuốc xịt để điều trị các vấn đề về da như eczema, mụn trứng cá. Ước tính có khoảng 100.000 VK/cm2 bề mặt da người, gồm 200-300 chủng loại khác nhau. Những người có làn da khỏe mạnh sở hữu nhiều vi khuẩn thuộc nhóm S. epidermis và S. hominis; trong khi VK xấu S.aureus lại liên quan đến bệnh chàm và eczema. 

Đường là kẻ thù của probiotics

Sự cân bằng lý tưởng của VK sống trong ruột là 85% tốt - 15% xấu. Sự cân bằng này rất dễ biến đổi bởi caffein, thức ăn nhanh, kháng sinh và các loại thuốc khác như steroid. Thêm vào đó, khi lớn tuổi, việc giảm axít dạ dày và chế độ ăn nhiều đường càng khiến VK xấu sinh sôi mạnh hơn.

Các triệu chứng tăng trưởng của VK xấu bao gồm chán ăn, mệt mỏi mạn tính và các chứng rối loạn da như chàm, bệnh vảy nến. Thức ăn lên men cung cấp nhiều probiotics.

Con người đã biết cách bổ sung probiotics từ hàng ngàn năm trước bằng thực phẩm lên men, như các loại kim chi ở Hàn Quốc, bắp cải muối sauerkraut ở Bắc Âu, món chutneys ở Ấn Độ, đến đậu nành lên men ở Nhật dưới dạng xúp miso, natto, nước tương, hay sữa chua Kefir ở vùng núi Đông Âu.

Những thực phẩm lên men truyền thống là nguồn cung cấp probiotic tốt nhất; mỗi loại lại cung cấp các loại lợi khuẩn khác nhau, ví dụ sữa chua bổ sung probiotics sẽ chứa nhiều nhóm lợi khuẩn hơn sữa chua thông thường. Một số loại rau và trái cây cũng giúp tạo môi trường để các loại VK tốt phát triển như chuối, artichoke, măng tây, thì là, tỏi, khoai tây, táo, cần tây và hành.

Đa dạng hóa khi dùng thuốc bổ sung probiotics

Thực phẩm lên men chứa nhiều lợi khuẩn giúp đảm bảo cho hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh; nhưng VK tốt có nhiều chủng khác nhau. Tuy nhiên, một khảo sát của trang web Healthspan cho thấy, có đến 3/4 số người tham gia không hiểu rõ tầm quan trọng của việc bổ sung nhiều dòng probiotics.

Ngoài hai nhóm phổ biến là lactobacillus và bifidobacterium, một số thực phẩm chức năng hiện nay còn bổ sung các biến thể tối ưu hơn như lactobacillus DDS-1 hoặc bifidobacterium longum. Theo chuyên gia dinh dưỡng Robert Hobson, 10 triệu đơn vị VK trên mỗi liều là mức tối thiểu bạn cần tìm kiếm ở một viên thuốc bổ sung probiotics.

Ngoài ra, một số nhãn hiệu còn bổ sung canxi, vitamin D3 và B6, cần thiết cho quá trình trao đổi chất và tăng cường miễn dịch.

Dùng thuốc Bổ sung khi nào?

Nên dùng probiotics vào bữa sáng, lưu ý tránh thức ăn quá chua, thực phẩm cay nóng hoặc đồ uống có cồn, vì chúng có thể giết chết VK và cản trở những lợi ích từ việc bổ sung probiotic.

Kháng sinh cũng là một kẻ thù “nặng ký” của probiotic vì được điều chế đặc biệt để xử lý vấn đề nhiễm khuẩn, nhưng không phân biệt được VK tốt và xấu trong ruột, dẫn đến phá vỡ sự cân bằng VK. Dù hầu hết VK đường ruột đều tái sinh theo thời gian, thông thường khoảng vài tuần đến vài tháng, nhưng không thể theo kịp mức độ tiêu diệt của kháng sinh.

Vì thế, tiến sĩ Arthur Ouwehand, giáo sư vi trùng học tại ĐH Turku, Phần Lan, khuyến cáo: “Chúng ta cần bổ sung probiotic ngay từ khi bắt đầu dùng kháng sinh và tiếp tục trong hai tuần sau khi kết thúc đợt điều trị”.

 Bảo Tùng 
(Theo Healthista, NHS, Healthspan)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI