Ngủ dậy, đột nhiên con méo miệng

20/11/2016 - 15:42

PNO - Mọi người thường nghĩ chỉ người lớn “trúng gió” mới bị… méo miệng, nhưng thực tế, tình trạng này còn xảy ra ở trẻ em. Nếu không điều trị kịp thời, bé có thể khó phục hồi, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Méo miệng vì lạnh

BS Nguyễn Quang Vinh, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, từ tháng 11 đến hết tháng 1 tại BV này, khá đông bệnh nhi (BN) được cha mẹ đưa tới khám vì méo miệng. Chỉ hai tuần qua, khoa Nhiễm - Thần kinh đã ghi nhận gần 10 trường hợp méo miệng.

Ca bệnh mới nhất là bé T.V.B. (sáu tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM). Mẹ BN kể, sáng ngủ dậy thấy miệng con méo lệch sang bên trái. Lo con bị trúng gió, gia đình vội vàng đưa bé vào BV. Sau khi cho bé B. nhập viện một ngày để làm các xét nghiệm, kiểm tra kỹ lưỡng, BS Vinh nhận thấy BN không nóng sốt, nôn ói, tổng trạng tốt.

Hỏi han gia đình, BS biết bé có thói quen đi ngủ để nhiệt độ điều hòa ở ngưỡng 180 C. Giữa đêm trời mưa to, nhiệt độ ngoài trời giảm mạnh, BN còn nhỏ, đề kháng kém nên nhiễm siêu vi khiến lỗ ống tai sưng, gây chèn ép dây thần kinh số 7, dẫn tới miệng bị méo. Bé được xuất viện điều trị ngoại trú và tái khám mỗi tuần/ lần cho tới khi hồi phục.

Ngu day, dot nhien con meo mieng
Bác sĩ Vinh ang tái khám cho trường hợp bị méo miệng

Theo BS Vinh, dây thần kinh số 7 đi từ bán cầu não qua ống tai trong ra dưới góc hàm (có hai dây thần kinh bên phải và trái, mỗi dây thần kinh điều khiển vận động của nửa bên mặt, cảm giác lỗ ống tai và chức năng tiết nước bọt của tuyến nước bọt).

Những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7 dẫn tới méo miệng ở trẻ nhỏ phải kể đến như: nhiễm siêu vi khiến lỗ ống tai viêm cấp tính do thời tiết lạnh, viêm tai giữa bị biến chứng, chấn thương bể xương đá (tai trong nằm trong xương đá), quai bị làm viêm tuyến mang tai, nhiễm virus Herpes gây viêm não.

Méo miệng vì siêu vi

Trong số các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7 khiến trẻ bị méo miệng kể trên, tới 90 % do nhiễm siêu vi khi thời tiết trở lạnh đột ngột. Trẻ bị méo miệng vì nhiễm siêu vi có biểu hiện cấp tính (sau một đêm ngủ dậy), liệt mặt nhưng không liệt tay chân. Đa số nhóm BN này ở độ tuổi từ 2-10, tới khám trong tình trạng mắt không thể nhắm kín.

Phụ huynh có thể nhận thấy miệng con méo rõ khi bé khóc hoặc cười. Nếu mắt trái của trẻ nhắm không kín thì miệng sẽ méo qua phải và ngược lại. BN không sốt, ói, chỉ cần điều trị ngoại trú từ một-ba tháng. BS sẽ cho thuốc kháng viêm, thuốc bổ thần kinh kết hợp châm cứu và tập vật lý trị liệu nhằm kích thích cơ, giữ lại trương lực cơ.

Méo miệng do nhiễm siêu vi điều trị kịp thời ít tái phát, còn tại các bệnh lý thực thể thì khả năng tái phát cao. Trẻ bị méo miệng cần được phát hiện và điều trị sớm trong vòng năm ngày đầu để tránh các biến chứng không mong muốn. 10% BN sau khi điều trị méo miệng mắt vẫn nhắm không kín làm khô giác mạc, thậm chí có bé miệng méo không hồi phục gây xấu về thẩm mỹ và bất tiện lúc ăn uống. Với các trường hợp như vậy, phải can thiệp khâu mí mắt hoặc phẫu thuật kéo lại cơ mặt.

BS Vinh lưu ý phụ huynh, tuy đa số trẻ em méo miệng do nhiễm siêu vi nhưng vẫn có một số ít trường hợp mắc phải các bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng. Triệu chứng méo miệng còn là biểu hiện của tai biến mạch máu não, hay có khối u trong não gây chèn ép.

Nếu nghi ngờ BN bị bất thường vùng sọ não, BS sẽ chỉ định chụp CT nhằm đưa ra kết luận và hướng xử lý tốt nhất. Để phân biệt chính xác nguyên nhân gây méo miệng, tốt nhất phụ huynh hãy đưa con đi khám ngay khi phát hiện biểu hiện bất thường.

Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, trời lạnh thất thường, sáng sớm, cha mẹ nên mặc ấm cho trẻ trên đường tới trường. Đêm ngủ, cha mẹ tránh để quạt thốc thẳng vào người trẻ hay để nhiệt độ máy lạnh quá thấp.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI