Cẩn trọng với triệu chứng ù tai, thính lực giảm... rồi điếc đột ngột

06/12/2016 - 15:14

PNO - Trong tai có nhiều tế bào thần kinh thính giác. Điếc đột ngột có thể là do hẹp hoặc co thắt mạch máu nuôi tế bào thần kinh thính giác làm cho tế bào thần kinh này bị thiếu ôxy và máu nuôi.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ (PGS-TSBS) Trần Việt Hồng, Phó giám đốc BV Nhân dân Gia Định cho biết, trong tai có nhiều tế bào thần kinh thính giác. Điếc đột ngột có thể là do hẹp hoặc co thắt mạch máu nuôi tế bào thần kinh thính giác làm cho tế bào thần kinh này bị thiếu ôxy và máu nuôi.

Rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tế bào thần kinh thính giác như bị nhiễm các loại siêu vi trùng trong bệnh quai bị, cúm; rối loạn vi tuần hoàn tai trong; bị các khối u chèn ép; uống rượu, hút thuốc thường xuyên; bị té ngã, ngoáy tai gây chấn thương; bị ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, tăng huyết áp; nghe nhạc bằng tai phone thường xuyên và trong thời gian dài; tắm để nước vào ống tai lâu ngày làm ráy tai nở ra, bít kín ống tai ngoài ngăn cản đường truyền âm thanh đến màng nhĩ…

Trước đây, bệnh rất hiếm xảy ra hoặc chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng trong những năm gần đây, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhiều người trẻ phải làm việc căng thẳng, stress kéo dài, hay bị các cú sốc về tình cảm nên có xu hướng mắc bệnh này. Nhiều em chỉ 15 - 16 tuổi, thậm chí trẻ nhỏ 5 - 6 tuổi cũng bị điếc đột ngột. Nguyên nhân là mạch máu trong tai của trẻ rất nhỏ, chỉ cần một tác động nhỏ nào đó cũng làm động mạch trong tai co thắt, dây thần kinh trong tai không được nuôi dưỡng, dẫn đến điếc. Điếc ở trẻ nhỏ khó chẩn đoán hơn so với người lớn.

Can trong voi trieu chung u tai, thinh luc giam... roi diec dot ngot

Bệnh chỉ xuất hiện một cách đột ngột trong thời gian từ 12 - 24 giờ và không có triệu chứng báo trước. Triệu chứng ban đầu là khi mới ngủ dậy, bị ù một bên tai như tiếng ve kêu, từ từ thính lực bị giảm, đến trưa thì điếc hẳn, chóng mặt. Khoảng 80 - 85% bệnh xảy ra một bên tai, 15 - 20% bệnh xảy ra hai bên tai.

Theo PGS-TS-BS Trần Việt Hồng, “thời gian vàng” để điều trị và đem lại hiệu quả là trong vòng 24 - 48 giờ. Tuy nhiên, do bệnh xảy ra đột ngột rồi ngưng nên bệnh nhân chủ quan và thường đến bệnh viện rất trễ khiến việc điều trị gặp không ít khó khăn, nhiều trường hợp do không đáp ứng với điều trị nên không có khả năng hồi phục và thường để lại di chứng. Nếu điều trị trong vòng 24 giờ đầu, thính lực cũng chỉ phục hồi khoảng 70 - 80%; nếu để trên một tuần trở đi, kết quả điều trị chỉ đạt khoảng 30 - 40%; nếu trễ sau ba tuần có thể không phục hồi được (bị điếc).

Để chẩn đoán bệnh điếc, phải kiểm tra thính lực bằng cách đo thính lực đơn âm, đo thính lực lời nói, đo âm ốc tai và đo nhĩ lượng; nếu các bộ phận này vẫn tốt thì phải chụp MRI não và ống tai để xác định khối u.

Việc điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị tắc nghẽn mạch máu sẽ dùng các biện pháp tăng cường lưu thông máu đến vùng tai, dãn mạch, dùng thuốc tăng cường ôxy đến ốc tai, thở ôxy cao áp; nguyên nhân do vi trùng sẽ dùng các thuốc chống vi trùng, thuốc kháng viêm, thuốc chống phù nề màng nhĩ. Còn nếu điếc do khối u chèn ép thần kinh thính giác buộc phải làm phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ngoài ra còn có phương pháp điều trị bằng ôxy cao áp (đặt bệnh nhân vào buồng chứa ôxy cao áp), châm cứu… cũng cải thiện thính lực cho bệnh nhân.

Để phòng bệnh, trong đời sống hàng ngày, cần cố gắng tránh tổn thương vùng đầu, nhất là tai; không được đeo tai phone quá lâu, không nên nghe quá 50 - 60% mức tối đa của tần số âm thanh trong máy; tránh những nơi có tiếng ồn quá lớn như bar, vũ trường; không dùng dụng cụ sắc nhọn lấy ráy tai. Chính vì tai thông thương với mũi nên cần giữ gìn sức khỏe để tránh bị cảm cúm, nhiễm virus gây bệnh.

Nếu bị bệnh, nên điều trị tích cực và nghỉ ngơi hợp lý. Nên kiềm chế trạng thái cảm xúc, tránh nóng giận quá mức. Những người đang làm việc căng thẳng, bị cú sốc về tình cảm mà sau đó có biểu hiện ù tai, chóng mặt, giảm thính lực đột ngột cần đến bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt.

Cẩm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI