'Sống chết mặc bay'

18/04/2018 - 11:00

PNO - Thống kê chưa đầy đủ của Tổng hội Y học Việt Nam, trong 7 năm (2010-2017), có 22 vụ bạo hành cán bộ y tế.

Và bây giờ, chưa hết tháng 4/2018, có đến ba vụ bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung. Có quá nhiều ý kiến từ các chuyên gia tâm lý, dư luận xã hội lên án hành vi côn đồ, coi thường luật pháp, chuẩn mực đạo đức từ những kẻ hành hung thầy thuốc; những phân tích nguyên nhân dẫn đến bạo hành, cả hai phía, thầy thuốc và người nhà bệnh nhân lẫn bệnh nhân; tiếng kêu than xã hội sụp đổ niềm tin, đánh mất sự lương thiện, xuống cấp đạo đức, văn hóa, không ngớt vang lên, cả những hả hê vô đạo phỉ báng, đả kích thầy thuốc bị đánh...

'Song chet mac bay'

Những cú đấm vô lương vẫn tiếp tục giáng vào mặt thầy thuốc. Không ai hiểu ngành y bằng chính bác sĩ, nhân viên y tế. Vậy, đến bao giờ những người có trách nhiệm thay mặt cộng đồng điều phối trật tự xã hội, đứng ra đối thoại với ngành y, nghe họ rút ruột nói về nỗi phập phồng tính mạng bị đe dọa bất kỳ lúc nào, khi họ đang cố xua đuổi thần chết cho người khác?

Trên báo, mạng xã hội, giới bác sĩ phẫn nộ, họ nói sẽ xuống đường tuần hành để kêu gọi sự bảo vệ; sẽ đình công để đòi quyền lợi. Sẽ ra sao, nếu bệnh viện đóng cửa? Lúc đó, điều khủng khiếp sẽ diễn ra, bởi những cái chết hàng loạt sẽ lên tiếng. Không phải họ chưa kêu gào Nhà nước bảo vệ mình.

Theo Tổng hội Y học Việt Nam, cơ quan này đã từng gửi kiến nghị lên Quốc hội, đề nghị cho ra đời Luật Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế, khi luật pháp không coi thầy thuốc là công chức, viên chức để được hưởng quyền lợi được luật pháp bảo vệ như đang thực thi công vụ, trong khi nhiệm vụ bắt buộc bác sĩ, là dù gì đi nữa cũng không được từ chối khám chữa bệnh cho người bệnh, và kiến nghị đó đã không được hồi âm.

Ở nước ta, khi bộ, ngành soạn ra luật, đề nghị gì đó, hay viện dẫn ở nước ngoài cũng vậy, thì tại sao các vị không chịu ngó và học xứ người, khi nhiều nước đã có luật này, với những quy định xử lý rất nặng nạn bạo hành nhân viên y tế khi đang khám chữa bệnh?

Nhân viên y tế cũng là con người. Khi đang khám chữa bệnh, họ cần được luật pháp bảo hộ đặc biệt hơn. Bởi đây là nghề đặc biệt, không thể viện lẽ này lý kia mà bỏ rơi họ, đành rằng một số vụ án xử người hành hung cán bộ y tế đã diễn ra, nhưng chưa đủ sức răn đe.

Một câu hỏi của giới bác sĩ: tại sao đánh nhân viên hàng không trên máy bay, thì mình sẽ bị cấm bay? Một người quét đường bị tấn công, chủ tịch thành phố đến tận nơi thăm hỏi, ra lệnh điều tra, còn bác sĩ bị hành hung như cơm bữa, không thấy vị lãnh đạo nào đến chia sẻ; quan trọng hơn là đăng đàn, yêu cầu ban hành biện pháp bảo vệ họ? Ai trả lời giúp cho câu hỏi này?

Bộ trưởng Bộ Y tế nhiều lần lên tiếng đề nghị xử lý nghiêm các vụ nhân viên y tế bị hành hung. Nhưng xem ra, bà bộ trưởng nói vậy chưa đủ. Mất trật tự, dù bất cứ đâu, trách nhiệm hàng đầu để vãn hồi, giữ gìn, là của ngành công an.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: công an đã làm tròn trách nhiệm trong việc này chưa? Nếu chưa, vì sao và quan trọng hơn là làm thế nào và đến bao giờ, sự yên tĩnh cần có trong bệnh viện sẽ được thiết lập vững vàng để những ý đồ bất lương vào đây sẽ không có đất mọc mầm?

Câu chuyện này, Chính phủ có làm được không? Tin rằng, không gì là không thể, vấn đề là có chịu nhìn nhận và hành động quyết liệt, để một vấn nạn đau đớn như sợi thòng lọng lửng lơ trong trí óc của bao người, sẽ bị chặt đứt. Những người thế yếu là cán bộ, nhân viên ngành y, đã và đang bị bỏ rơi, không ai bảo vệ họ, khi họ phải chịu quá nhiều áp lực. 

Họ và chúng ta còn phải chờ và nếu tiếng kêu, sự phẫn nộ đó chừng nào chưa đụng thấu chính quyền, thì lúc đó, tính mạng, trách nhiệm, nghề nghiệp nhân đạo của nghề y vẫn xoay vòng trong chuỗi bi kịch cay đắng và tiếng cười chua chát, rằng “kiếp sinh ra thế biết là tại đâu!”. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI