Sài Gòn nóng: mỗi ngày có gần 12.000 trẻ đi khám ở 2 bệnh viện nhi

22/03/2017 - 10:28

PNO - Khi nhiệt độ nóng lên đến khoảng 38 độ C thì bệnh ở trẻ sẽ bùng phát mạnh.

Mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận gần 5.000 lượt trẻ đến khám và điều trị. Trong đó, các nhóm bệnh mùa nóng đang có xu hướng gia tăng. Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày gần đây có hơn 6.900 trẻ được cha mẹ đưa đến khám.

Theo Bác sĩ CKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa khám bệnh BV Nhi Đồng 1 TP.HCM thì miền Nam đang vào mùa nóng nên những bệnh như tay chân miệng, bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết, tiêu hóa,… có biểu hiện gia tăng.

Bác sĩ Hoàng cho biết: “Thông thường, khi nhiệt độ nóng lên đến khoảng 38 độ C thì bệnh ở trẻ mới bùng phát. Tuy hiện tại số lượng bệnh thuộc các nhóm bệnh kể trên đang ở mức trung bình, nhưng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đã có dấu hiệu gia tăng. Cha mẹ nên chú ý đến sức khỏe trẻ nhiều hơn.”

Theo bác sĩ Hoàng, bệnh tay chân miệng thường bùng phát làm 2 đợt trong năm, vào tháng 5 và tháng 10. Tuy nhiên, tại BV Nhi Đồng 1, số lượng trẻ mắc bệnh này đang có xu hướng gia tăng. Tương tự, sốt xuất huyết cũng được dự báo tăng dần từ đây cho đến hết tháng 7, 8. Sài Gòn đang xuất hiện những cơn mưa rào, đây cũng là thời điểm thuận lợi để muỗi sinh sôi nảy nở. Nguy cơ lẫy nhiễm, truyền bệnh ở trẻ sẽ cao hơn.

Sai Gon nong: moi ngay co gan 12.000 tre di kham o 2 benh vien nhi
 

BS CKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa khám bệnh, BV Nhi Đồng 1.

Thời gian này, bệnh viêm phổi vẫn đang được khống chế nhưng trẻ vẫn gặp các vấn đề về hô hấp khác. Đặc biệt là viêm mũi, họng, viêm amidan, nếu như để bệnh kéo dài thì trẻ sẽ bị viêm tai giữa, điều trị rất khó khăn.

Bác sĩ Hoàng cũng lưu ý các bậc phụ huynh về việc xử lý thức ăn cho trẻ, thức ăn của trẻ nên được kiểm tra, chế biến thường xuyên. Thời tiết nóng, thức ăn dễ bị oi, thiu, nhiễm khuẩn gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.

Trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng, nước tứa nhiều, kèm theo trẻ hay khát nước thì phải đưa trẻ đi khám ngay. Tránh để trẻ tiêu chảy nhiều ngày, cơ thể trẻ sẽ dễ bị mất nước dẫn đến sốc mất nước thì rất nguy hiểm.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 trẻ đến khám và điều trị. Trong đó, Khoa Tiêu hóa tiếp nhận 150 ca/ngày, 41 ca phải nhập viện, Khoa Nhiễm tiếp 120 ca/ngày, 28 trẻ nhập viện, Khoa Hô hấp tiếp nhận 200 ca/ngày, 56 trẻ nhập viện điều trị.

Sai Gon nong: moi ngay co gan 12.000 tre di kham o 2 benh vien nhi
 

Bác sĩ Hoàng cho biết: “Ngoài những trẻ đến khám và nhập viện điều trị, có trường hợp khi trẻ được đưa đến bệnh viện thì các bác sĩ phải bỏ qua hết thủ tục hành chính để cấp cứu ngay, vì thời gian cứu bé gần như không còn. Nhiều trường hợp bé vừa vào phải đặt nội khí quản, bác sĩ tích cực hồi sức nhưng không qua khỏi, rất là đau lòng.”

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ tử vong là do cha mẹ đã chủ quan trước biểu hiện bệnh ở trẻ. Nhất là sốt xuất huyết và tay chân miệng, vì triệu chứng bệnh giống như sốt vi sinh, cảm sốt thông thường nên khi trẻ bệnh, người thân thường mua thuốc ở các hiệu thuốc gần nhà.

Bác sĩ Hoàng cho biết: “Phụ huynh thường có nhiều việc bận rộn, nên họ hay tự ý đi mua thuốc tại các hiệu thuốc tư nhân khi con mắc bệnh. Ở những nơi này, nhà thuốc thường đánh kháng sinh ngay cho trẻ, đều này dễ gây cho trẻ bị kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, sẽ rất nguy hiểm nếu để trẻ ở nhà lâu, vì có thể trẻ sẽ rơi vào những trường hợp trên.”

Theo bác sĩ Hoàng, với bệnh tay chân miệng, trẻ sốt cao có thể gây viêm não, sau 2 đến 3 ngày bệnh chuyển nặng. Khi trẻ nóng sốt, đi đứng loạng choạng, co giật chi, người run,… thì bệnh đã lên cấp độ 2. Lúc này, nguy cơ tử vong ở trẻ là rất cao, thời gian được tính bằng giờ vàng (từ 6-12 tiếng) cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để các bác sĩ kịp thời cứu chữa.

Trẻ bị sốt xuất huyết đến ngày thứ 4 thì bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh, dễ rơi vào sốc sốt xuất huyết. Có nhiều trẻ khi được đưa đến bệnh viện thì bệnh đã rất nặng. Nhiều trường hợp các bác sĩ phải cấp cứu rất tích cực mới có thể cứu trẻ qua cơn nguy hiểm.

 Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng là 2 nhóm bệnh gây biến chứng và tử vong cao. Vì vậy bé sốt cao từ 2 ngày trở lên cha mẹ phải đưa trẻ đi đến các bệnh viện, trung tâm y tế, để các bác sĩ có thể kịp thời phát hiện và điều trị. Ngoài ra, những dấu hiệu như em bé sốt lơ mơ, nôn ói, ho nhiều, thở mệt, là dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng.

Phạm An - Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI