Sặc cây kèn trong phổi, bác sĩ bảo viêm phế quản

13/04/2017 - 12:21

PNO - Sặc cây kèn trong phổi, một cháu bé 4 tuổi ở Cần Giuộc, Long An đã phải mất đến gần 6 tháng để điều trị các triệu chứng của viêm phế quản.

Anh Cao Văn Lắm (34 tuổi, ở tỉnh Long An) cho biết con trai 4 tuổi vô tình nuốt phải một lõi cây kèn vào tháng 8/2016. Anh đưa con trai đi đến bệnh viện để chụp X- quang nhưng các bác sĩ không phát hiện gì bất thường.

Cháu bé sau đó về nhà và thường xuyên bị viêm phế quản, cứ hay ho và thở khó. Đặc biệt, mỗi lần ho thì từ trong phổi của cháu phát ra âm thanh như tiếng kèn kêu. Anh Lắm miêu tả đó là âm thanh “éc, éc”.

Mỗi lần như vậy, anh lại đưa con đi khám. Cứ uống thuốc vào thì hết nghe tiếng kèn kêu. Nhưng sau khi hết thuốc thì cả nhà lại nghe tiếng động lạ từ phổi cháu bé.

Sac cay ken trong phoi, bac si bao viem phe quan
Sặc lõi cây kèn vào trong phổi nên khi ho lại nghe tiếng kèn kêu

Trong một lần ngồi uống cà phê với bạn bè, anh nghe mọi người bàn tán có thể là lõi cây kèn đã rơi vào trong phổi chứ không phải là xuống dạ dày nên mới có âm thanh kỳ lạ như vậy. Lần này, người bố quyết tâm đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 để tìm cho ra nguyên nhân.

Sac cay ken trong phoi, bac si bao viem phe quan
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như cho biết khoảng 3-5 trường hợp nuốt phải lõi kèn như thế này

Chỉ mất khoảng 15 phút, cháu bé được nội soi gắp ra lõi cây kèn vào 21 giờ ngày 12/4.

Kết quả chụp X-quang cũng không thể tìm ra dị vật trong phổi. Nhưng với thông tin người nhà cung cấp về tiếng kèn kêu, các bác sĩ sử dụng thêm các thiết bị chẩn đoán hình ảnh khác. Cháu bé 4 tuổi được chụp CT – scan 3D và các bác sĩ mới phát hiện dị vật nằm ở phần phổi bên phải của cháu bé.

Sac cay ken trong phoi, bac si bao viem phe quan
Lõi cây kèn sau khi được gắp ra bên ngoài cơ thể bé 4 tuổi ở Long An

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đây là 1 trong số những trường hợp rất hi hữu dị vật tồn tại lâu đến như vậy trong phổi của trẻ em. Rất may mắn là dị vật đã được phát hiện và gắp ra bên ngoài. 

Về trường hợp của tiếng kèn kêu bên trong phổi, bác sĩ Như cho rằng khi lọt vào phổi, lõi cây kèn đã nằm đúng với vị trí  như trong một cây kèn thực sự. Khi có luồng hơi nhanh và mạnh tác động vào thì sẽ phát ra tiếng động như khi thổi kèn. Do đó, mỗi khi cháu bé ho hoặc hít thở mạnh thì sẽ tạo ra cơ chế giống như thổi kèn.

Một điều đáng cảnh báo là những trường hợp nuốt phải lõi cây kèn được ghi nhận khoảng 3 – 5 trường hợp mỗi năm, trong tổng số khoảng 30 trường hợp  dị vật đường thở tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Hiếu Nguyễn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI