Rượu gây ra nhiều bệnh lạ

25/05/2019 - 07:00

PNO - Chỉ sau 10 phút uống nhiều bia, rượu, hầu hết nội tạng đều bị ảnh hưởng.

Ngày 20/5, bà Trần Xuân Hằng - Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - công bố: năm 2018, người Việt tiêu thụ đến 4,67 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu; Việt Nam là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ rượu, bia và đang là nước tăng trưởng hàng đầu thế giới về sử dụng bia, rượu. Rượu, bia đứng thứ 4 trong 8 nguy cơ gây bệnh tật lớn nhất ở Việt Nam.

Xưa nay, người ta thường quan niệm rằng rượu, bia có hại cho gan nhưng bạn có biết chỉ sau 10 phút uống nhiều bia, rượu, hầu hết nội tạng đều bị ảnh hưởng? 

Não

Ruou gay ra nhieu benh la
Các rối loạn ở não do hội chứng Wernicke-Korsakoff gây ra vì uống nhiều rượu, bia.

Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Đình Thắng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM - cho biết: chỉ 30 giây sau khi uống ly rượu đầu tiên, chất cồn đã tác động đến não bộ. Chính thói quen uống bia, rượu suốt thời gian dài sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt thiamine (còn gọi là vitamin B1) - vốn là một thành phần dinh dưỡng chủ yếu của các mô, kể cả não. Thống kê cho thấy đến 80% người nghiện rượu bị thiếu thiamine. 

Khi thiếu hụt thiamine (có trong thịt gà vịt, ngũ cốc, quả, hạt khô, đậu, đậu nành…), người bệnh không chỉ bị suy dinh dưỡng mà còn gặp nguy cơ rối loạn não nghiêm trọng, chẳng hạn như hội chứng Wernicke-Korsakoff. Bệnh này không chỉ gây ra tình trạng suy nhược, loạn thần, liệt các dây thần kinh vận nhãn mà còn khiến người bệnh khó khăn trong việc phối hợp cơ, suy giảm trí nhớ, lú lẫn. 

Tim

Nguy hiểm nhất trong các tác động của bia rượu lên cơ thể là gây ra bệnh cơ tim giãn nở. Khi tim to, người bệnh cảm thấy khó thở và mệt mỏi do suy tim, ngất xỉu do nhịp tim bất thường, chóng mặt, có thể gián đoạn lưu lượng máu đến não, gây đột quỵ. Cục máu đông cũng có thể chặn lưu lượng máu đến các cơ quan trong ổ bụng hoặc chân, làm phù chân, cảm thấy chèn ép ngực… 

Đây là một bệnh nặng, có tiên lượng xấu. Tỷ lệ tử vong của các người bệnh này sau 5 năm là 35% và sau 10 năm lên đến 70%. 

Ngoài ra, uống nhiều rượu, bia cũng gây tăng nguy cơ đau tim, huyết áp cao, đột quỵ.

Tụy

Ruou gay ra nhieu benh la
Tuyến tụy bị phá hủy bởi rượu, bia.

Bác sĩ Phạm Minh Thiện - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Quận 11 - phân tích: các độc chất tích tụ vào tụy có thể gây viêm tụy. Nguy hiểm nhất là khi bệnh nhân rơi vào viêm tụy cấp. Lúc này, men tụy vào hệ tuần hoàn gây tổn thương, suy thận, suy hô hấp… và tử vong.

Hơn 70% trường hợp viêm tụy mạn là do lạm dụng bia, rượu. Bệnh thường gặp ở nam giới, từ 35 - 50 tuổi; số bệnh nhân nhập viện thường tăng vào những dịp nghỉ lễ kéo dài. 

Với những trường hợp nặng, có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến tụy. Các biến chứng thường xảy ra trong 10 năm đầu, thường gặp là các triệu chứng kém hấp thu và đái tháo đường. 

Rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.

34 bạo lực gia đình ở Việt Nam do rượu, bia gây ra 

Rượu, bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, trong đó 20% ca tử vong do tai nạn giao thông; 30% ca ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh và giết người; 50% ca tử vong do xơ gan. Đồng thời rượu, bia là nguyên nhân khiến 15-20% người lao động vắng mặt trong giờ làm việc. 21% nam vị thành niên Việt Nam đã lái xe sau khi uống rượu, bia và bị các chấn thương phải nghỉ học, nghỉ làm ít nhất một tuần trở lên. 34% bạo lực gia đình ở Việt Nam do rượu bia gây ra.

Dạ dày

Có khoảng 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày, gần 80% lượng rượu còn lại được hấp thu vào máu từ ruột non. Các phân tử rượu có thể ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không cần tham gia vào quá trình tiêu hóa. Khi bụng đói, chủ nhân vội vã uống rượu thì nồng độ cồn đi thẳng vào máu. Khi dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thức ăn có hàm lượng đạm cao, tỷ lệ hấp thu rượu chậm nhưng không dừng lại. 

Nếu uống rượu, bia trộn chung với các loại nước có gas càng làm tăng tốc độ hấp thụ rượu. Khi nồng độ cồn và dịch vị cao, kích thích niêm mạc ở dạ dày càng tăng lên. Lúc này, cơ thể xuất hiện phản ứng nôn mửa để giảm kích ứng. 

Những cách uống bia, rượu như trên và uống thường xuyên khi cơ thể đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày, lâu dài gây ung thư dạ dày.

Gan

Ruou gay ra nhieu benh la
Rượu bia gây ra rất nhiều bệnh cho gan.

Khi uống rượu thường xuyên sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ do rượu cản trở gan làm nhiệm vụ “tống khứ” chất béo. Nếu chất béo không được xử lý kéo dài có thể gây xơ gan. Đặc biệt, với người bị viêm gan siêu vi B, C, nếu uống nhiều bia rượu càng nhanh chóng dẫn đến ung thư gan.

Miệng

Nồng độ cồn cao làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng.

Phổi

Dù phổi không trực tiếp bị rượu tác động nhưng rượu ở trạng thái khí, có thể được hít vào phổi, từ đó đi nhanh vào máu. Mặt khác, người uống nhiều rượu bia sẽ bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh lao phổi. 

Bia rượu sẽ làm giảm số lượng tế bào bạch cầu mà cơ thể tạo ra để chống lại bệnh tật. Khoảng 24 giờ sau khi uống rượu, nhiều khả năng bạn sẽ bị lây bệnh. Những người uống rượu thường xuyên trong thời gian dài cũng vì thế mà hay bị viêm phổi hoặc lao. 

Uống bia ít hại hơn?

Bác sĩ Phạm Minh Thiện cảnh tỉnh: một số người nghĩ rằng bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với rượu. Đây là quan niệm không đúng vì cơ thể có bị bệnh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cồn (ethanol) được đưa vào.

Rượu hay sữa?

Một nghiên cứu trên 2.000 người dân từ 25 - 64 tuổi do trường đại học Y Dược TP.HCM công bố vào năm 2016 cho thấy, 80% nam giới và 22% phụ nữ ở TP.HCM có thói quen uống rượu, bia. Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam - trăn trở: “Việt Nam có đến 58% hộ gia đình thường xuyên uống rượu, bia. Ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo, số tiền chi cho rượu, bia tương đương với 146 ly bia/năm; trong khi số tiền các gia đình này chi để mua sữa cho con chưa tới 1 ly sữa tươi/năm. Nếu các gia đình này “nhịn” bia, rượu thì có thể mua được 122 ly sữa cho con. 

Có nhiều báo cáo nói về lợi ích của bia, rượu nhưng thực tế đến nay mới có nghiên cứu y khoa về lợi ích của rượu vang đỏ (chống lão hóa, tăng cường miễn dịch…). Người bình thường, không mắc bệnh mạn tính có thể uống mỗi ngày một lon bia (330ml chứa 5% lượng cồn) hoặc uống nửa ly vang đỏ (khoảng 142ml)...

Nên uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian kịp ô-xy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu. Trước khi uống rượu, nên uống nước lọc, sữa để làm loãng nồng độ cồn, giảm kích ứng dạ dày.

Nên ăn thức ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu. Không uống rượu lúc đói vì dễ dẫn đến viêm loét và chảy máu dạ dày. Không uống rượu với đồ uống có gas (nước giải khát có gas, bia) bởi lượng gas tăng khả năng hấp thu rượu vào máu.

Với những bệnh nhân lạm dụng rượu, nên giảm số lượng rượu, bia uống mỗi ngày dần dần và đạt đến mức như người bình thường. Nếu người bệnh ngưng rượu đột ngột có thể dẫn đến hội chứng cai rượu, thậm chí tử vong. Với người bệnh mạn tính, nên sớm bỏ rượu, bia.

16.000 tỷ đồng đổ ra cho rượu, bia mỗi năm

Nếu năm 2016, lượng tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam cán mốc 6,6 lít/người/năm thì năm 2017 vọt lên 8,9 lít/người/năm. Đây là mức tăng trưởng hàng đầu thế giới. Bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam chi tiêu hơn 733.000 đồng/năm cho rượu, bia. Tổng chi tiêu cho rượu, bia mỗi năm ngốn hơn 16.300 tỷ đồng. Số tiền này có thể mua được 1,77 triệu tấn gạo, đủ nuôi sống gần 21 triệu người/năm. 

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI