Rừng đang cạn dần nguồn thuốc quý

23/01/2019 - 10:15

PNO - Hơn 30 năm qua, thương lái chen nhau vào rừng đào tận gốc, trốc tận rễ từng cây thuốc mang bán sang Trung Quốc.

Cao Bằng vốn là vùng dược liệu với nhiều cây thuốc quý, nhưng hơn 30 năm qua, người ta đã chen nhau vào rừng đào tận gốc, trốc tận rễ từng cây thuốc mang bán cho con buôn chở sang Trung Quốc. Khi vựa dược liệu Cao Bằng khan hiếm, con buôn lại càn quét cây thuốc ở các tỉnh miền núi khác.

Khắp các huyện Thông Nông, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thạch An của tỉnh Cao Bằng, huyện nào cũng có điểm thu mua dược liệu của thương lái: bà Thiết ở thị trấn Thông Nông, bà Hoa ở thị trấn Bảo Lạc, ông Long ở thị trấn Nguyên Bình… Những ngày chợ phiên, bà con lũ lượt gánh, chở cây thuốc từ xã lên thị trấn bán. Cả người bán lẫn người mua, ai cũng bảo bây giờ cây thuốc hiếm dần rồi, phải vào tít trong rừng sâu mới bòn được, mà cũng không tìm được những loại quý như trước đây nữa đâu. Chứ khoảng mười năm trước, mỗi thương lái gom được cả tấn thuốc quý chỉ trong một, hai phiên chợ.

Rung dang can dan nguon thuoc quy
Dược liệu của Cao Bằng bị thương lái đưa “vượt biên” suốt nhiều năm qua

Dược liệu hiếm dần, thương lái không ung dung ngồi chờ bà con mang xuống bán mà đã đánh xe tải đến tận các xã thu mua. Các bản Tả Bốc, Lũng Rịch của xã Lương Thông, H.Thông Nông vừa mới mở đường cho xe bốn bánh, nhưng thương lái đã dựng “chân rết” ở đây từ lâu. Bà Triệu Thị T. khoe: “Bà Thiết ngoài thị trấn đầu tư tiền của, đưa các bao tải toàn chữ Trung Quốc đến cho tôi thu mua cây thuốc. Ở đây chỉ sống nhờ nghề đi rừng lấy cây thuốc thôi, giá mỗi loại 1.000-7.000 đồng/kg”. Có thể hình dung “quy trình” đặt hàng của người Trung Quốc: muốn mua cây thuốc nào, họ đưa mẫu cho bà Thiết, thêm ít tiền gọi là đặt cọc. Bà Thiết về, lại chìa cái cây mẫu ấy cho bà con xem. Họ cứ giơ cây nào ra, là dường như cây ấy biến mất khỏi rừng.

Có cây mẫu, vừa được ứng ít tiền là bà con kéo nhau vào rừng tìm, đi đến rách chân, tứa máu. Mỗi người cầm một cọc gỗ nhọn, một tay bám vào núi đá, tay kia chọc vào đất đá, lôi củ thuốc lên. Một phụ nữ người Dao bảo: “Bây giờ, đi cả ngày chỉ được vài cân thôi, chứ ngày trước, đi một ngày là mang về cả gánh. Cứ vài ngày, họ lại chở đi một xe tải cái củ này cơ mà”.

Cuối năm là mùa củ mật, người dân càng đi sâu vào rừng cùng những tia hy vọng mong manh như cây thuốc quý còn sót lại trên đất này. Nhưng ở các vựa thu mua dược liệu khắp các huyện của tỉnh Cao Bằng, cây thuốc vẫn chất đầy các nhà kho lớn. Một chủ buôn ở thị trấn Thông Nông bảo chúng tôi muốn mua loại cây nào thì cứ mang mẫu đến là sẽ có. Họ còn khoe: “Có tháng, ngày nào nhà tôi cũng xuất hàng, mỗi chuyến một xe tải trọng 10 tấn. Hàng về chật cả nhà, phải than khó với biên phòng để họ cho xuất hàng cả trong đêm thì mới vợi kho đi được”.

Trong các phiên chợ, cây thuốc được đưa đến bằng đủ các phương tiện, từ xe tải, xe tự chế, xe máy, xe đạp đến… gánh bộ. Người mua gồm cả người Việt lẫn người Hoa, nhiều thương lái còn giao dịch bằng bảng giá viết bằng chữ Trung Quốc, tiền Trung Quốc và tiếng Trung Quốc. Từ các phiên chợ này, cây thuốc được tập kết và chở sang Trung Quốc. Bây giờ, khi vùng thuốc quý Cao Bằng đã cạn dược liệu, đặc biệt là dược liệu quý, thương lái đã chuyển vùng, thu mua ở các tỉnh miền núi khác, từ Nghệ An kéo vào tận Tây Nguyên. 

Bác sĩ Lê Thị Tuyết Chính - Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng - cho biết, về nguyên tắc, việc thanh toán bảo hiểm y tế bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc của thuốc. Bà rất mong có một cơ chế riêng đối với nam dược của tỉnh Cao Bằng để bệnh viện có thể sử dụng nguồn dược liệu ngay tại tỉnh. Khi đó, thuốc sẽ có giá thành thấp, dược liệu không bị tuồn qua biên giới mà vẫn tạo được nguồn thu cho bà con, từ đó sẽ kích thích được người dân gây trồng, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu.

Tiến sĩ Ngô Đức Hùng - giảng viên Trường đại học Y Hà Nội - nói: “Sang Trung Quốc, tôi rất mê y học cổ truyền của họ, tôi thấy thuốc đã được bào chế thành các dạng hiện đại, có thể dùng để tiêm truyền được. Các bệnh viện y học cổ truyền của họ đều rất hiện đại, sử dụng hoàn toàn các loại thuốc bào chế từ dược liệu tự nhiên, hầu hết không còn dạng cắt thang, sắc uống”.

Hiện nay, tại Việt Nam, trong ngành dược, hầu như chỉ có Học viện Quân y thực sự quan tâm bào chế thuốc từ nguồn dược liệu tự nhiên. Họ đi sưu tầm bài thuốc, cây thuốc rồi bào chế thành một số loại thuốc. Nhưng số loại thuốc ít ỏi đó vẫn chỉ là muối bỏ bể so với kho dược liệu từ núi rừng của nước ta, mà hàng chục năm qua đã chảy qua biên giới. Đã và đang có cuộc chảy máu dược liệu ghê gớm. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI