Phụ huynh tùy tiện, con trẻ hôn mê

13/11/2017 - 09:00

PNO - “Không thể hiểu nổi người mẹ nghĩ gì mà lại làm như vậy. Suýt chút nữa chết mất đứa nhỏ rồi!”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã thốt lên đầy phẫn nộ khi tiếp nhận trường hợp hôn mê chuyển lên khoa mình.

Bác sĩ cũng…“hoảng hồn” 

Tuần trước, bác sĩ Khanh tiếp nhận bệnh nhi tên P. T. D., 12 tuổi, ngụ tại H. Bình Chánh, TP.HCM. Nghi ngờ cô bé bị hạ đường huyết, các bác sĩ gặng hỏi mãi người mẹ mới kể lại sự tình. Mẹ bé D. bị tiểu đường từ nhiều năm nay và đang dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Sáng hôm đó, chị dùng máy để kiểm tra chỉ số đường huyết của mình thì bé D. đứng bên cạnh để xem. Tiện thể, chị đo đường huyết luôn cho con gái. Thấy chỉ số có vẻ cao, chị nghĩ con cũng bị tiểu đường nên cho bé uống luôn thuốc trên. Khoảng 15 phút sau, bé D. bị ngất xỉu. Cả nhà cuống cuồng gọi xe đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 để cấp cứu. 

Phu huynh tuy tien, con tre hon me
Uống thuốc hạ đường huyết tùy tiện trẻ có thể bị hôn mê và tử vong

Theo bác sĩ Khanh, cô bé đã sống sót một cách hy hữu. May mắn là nhà bệnh nhi cách bệnh viện không quá xa và thời điểm bé uống thuốc rơi vào ban ngày. Nếu người mẹ cho con trẻ uống vào buổi tối, bé lịm dần trong giấc ngủ thì coi như cầm chắc cái chết. Tại bệnh viện, kết quả kiểm tra nhanh chỉ số đường huyết cấp cứu của bệnh nhi chỉ còn 30mg/dl (mức bình thường từ 90 - 120 mg/dl).

Những trường hợp đường huyết hạ dưới 60mg/dl có nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức, bệnh nhi được truyền glucose để nâng đường huyết. Lo ngại cháu bé bị các di chứng về thần kinh do hôn mê, các bác sĩ phải tích cực theo dõi sát sao suốt 48 giờ. Sau đó, bệnh nhi có dấu hiệu hồi phục tốt nên đã được phép xuất viện cách đây một ngày.

Phải được bác sĩ điều trị 

Từ trước tới nay, khoa Nhiễm - thần kinh vẫn tiếp nhận trẻ em bị hôn mê liên quan đến đường huyết, song chủ yếu đó là các trường hợp bệnh nhi bị tiểu đường mà gia đình không biết nên đường huyết cứ thế tăng cao quá mức, hoặc trẻ bị hạ đường huyết do uống nhầm thuốc.

Trường hợp phụ huynh chủ động đo đường huyết để chẩn đoán và tự cho con uống thuốc, đây là lần đầu tiên và cũng là một trường hợp điển hình của việc tùy tiện chẩn đoán và điều trị gây hậu quả nguy hiểm cho tính mạng rất đáng cảnh báo. 

Khi đường huyết tăng cao, trẻ chỉ mệt lả rồi rơi vào hôn mê một cách từ từ. Khi đường huyết hạ, cơn nguy kịch diễn tiến rất nhanh, làm thiếu máu nuôi tế bào não và bệnh nhi rơi vào trạng thái lơ mơ, hôn mê. Nếu không cấp cứu kịp, con trẻ sẽ trụy mạch và tử vong.

Phu huynh tuy tien, con tre hon me
 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cũng cho biết, nhiều người còn rất tùy tiện trong việc điều trị tiểu đường. Nếu trẻ em bị tiểu đường, thường là týp 1, bé chỉ chích insulin chứ không được uống. Liều lượng sử dụng insulin trong điều trị đái tháo đường phải được bác sĩ chuyên khoa nội tiết theo dõi, điều chỉnh phù hợp. 

Khi kết quả kiểm tra đường huyết nhanh tại nhà cho thấy chỉ số  đường huyết của trẻ cao, phụ huynh phải đưa bé tới bệnh viện. Tuyệt đối nghiêm cấm phụ huynh tự ý điều trị cho trẻ. 

Dùng thuốc tiểu đường phải được bác sĩ giám sát 

Bác sĩ Từ Kim Thanh, Phó khoa Nội tổng hợp - Trưởng phân khoa Nội tiết thận - Bệnh viện Quận 2 TP.HCM lưu ý: Thuốc điều trị cho từng bệnh nhân bị tiểu đường sẽ khác nhau; đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh lý huyết áp, tim mạch đi kèm. Vì vậy, việc uống thuốc phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ để điều chỉnh liều lượng kịp thời. 

Không dùng máy đo tại nhà để chẩn đoán tiểu đường

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết: mỗi tháng, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 20 ca dùng thuốc tiểu đường chưa đúng gây tụt đường huyết, hôn mê. Máy đo đường huyết tại nhà chỉ mang tính chất tham chiếu, tuyệt đối không nên dùng để chẩn đoán chứng tiểu đường.

Kết quả rất dễ sai lệch nếu thời điểm đo không đúng, que thử đường huyết không được bảo quản như hướng dẫn. Vì vậy, để có kết quả chẩn đoán tiểu đường chính xác, bệnh nhân phải nhịn ăn 8 tiếng, lấy máu tĩnh mạch tại phòng xét nghiệm của bệnh viện và phải thử máu 2 lần. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI