PGS.DS Phạm Khánh Phong Lan giải thích các ký hiệu dưới đáy chai nước

26/08/2018 - 11:00

PNO - Có bao giờ bạn thắc mắc về các con số, ký hiệu tái chế trên những chai, lọ, hộp bằng nhựa? Chúng có ý nghĩa lớn với sức khỏe của bạn.

Mỗi chai, lọ, dụng cụ bằng nhựa dùng để đựng thực phẩm đều có những ký hiệu tái chế được nhà sản xuất dập nổi dưới đáy chai với hình tam giác và con số bên trong. Người tiêu dùng cần hiểu được ý nghĩa của từng con số để sử dụng phù hợp, tránh gây hại cho sức khỏe.

PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM - giải thích các ký hiệu và con số dưới đáy chai, hộp, lọ đựng thực phẩm.

PGS.DS Pham Khanh Phong Lan giai thich cac ky hieu duoi day chai nuoc

Số 1: Nhựa PET hoặc PETE

PGS.DS Pham Khanh Phong Lan giai thich cac ky hieu duoi day chai nuoc

Nhựa PET (Polyethylene Terephthalate) được sử dụng phổ biến hiện nay để sản xuất các chai lọ chứa nước khoáng, nước ngọt, bia và bao bì đóng gói. Loại vật liệu này có khả năng tạo rào cản ngăn giữa chất lỏng và khí, nhờ đó ngăn O2 và CO2 xâm nhập vào thức ăn và đồ uống.

Chai nhựa PET nhẹ, dễ tái chế, có giá thành rẻ và thường chỉ được sử dụng một lần. Dù những sản phẩm này có nhu cầu sử dụng rất cao nhưng nhà sản xuất tái chế với tỷ lệ rất thấp, khoảng 20%. Nhựa PET thường được tái chế cho các sản phẩm như sợi, túi đựng hàng hoá, đồ nội thất, thảm… 

Lời khuyên: Có thể sử dụng lại nhưng tránh nguồn nhiệt cao và không nên tái sử dụng quá nhiều lần.

Số 2: Nhựa HDPE

PGS.DS Pham Khanh Phong Lan giai thich cac ky hieu duoi day chai nuoc

HDPE (High Density Polyethylene) là nhựa nhiệt dẻo ở mật độ cao, dùng để chế tạo các bình nhựa cứng như: bình đựng sữa, vật dụng chứa đựng trong nhà, bình đựng chất tẩy rửa, nước trái cây, dầu ăn, đồ chơi và một số túi nhựa.

Đây là 1 trong 3 loại nhựa được coi là an toàn nhất và ít nguy cơ nhiễm các chất độc hại vào thực phẩm.

Do đó, sau khi các sản phẩm này được sử dụng xong, nhà sản xuất tái chế loại nhựa này thành các dạng viết, đồ đựng tái chế, bàn ghế, hàng rào, bình chứa chất tẩy rửa.

Lời khuyên: An toàn để sử dụng.

Số 3: Nhựa Vinyl hoặc PVC (Polyvinyl chloride)

PGS.DS Pham Khanh Phong Lan giai thich cac ky hieu duoi day chai nuoc

Loại nhựa này thường được dùng làm màng bao bọc thực phẩm, ống hút, chai chứa chất tẩy rửa, vật liệu xây dựng khác… Loại nhựa này có thể chứa hoặc ứ đọng các chất độc hại như phthalates – chất ảnh hưởng đến việc phát triển của con người hoặc có thể gây sảy thai.

Nhựa này còn có thể chứa DEHA - chất có thể làm mất khối lượng xương, các vấn đề về gan hoặc có thể gây ung thư. Tuyệt đối không nên đốt hoặc nấu ăn trực tiếp với loại nhựa này. 

PVC là loại nhựa độc hại nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi nhất trong các sản phẩm tiêu dùng trên thế giới, chỉ sau polyethylene (PET) do có chi phí rẻ, tính chất dẻo dai, bền và trong suốt.

Lời khuyên: Không nên sử dụng lại.

Số 4: Nhựa LDPE (Low-Density Polyethylene)

PGS.DS Pham Khanh Phong Lan giai thich cac ky hieu duoi day chai nuoc

LDPE thuộc họ nhựa Polyethylenes nhưng với mật độ thấp hơn so với HDPE. Tuy nhiên nó vẫn giữ được các đặc tính cơ bản như dẻo, dai, chống ẩm tốt.

Loại nhựa này thường được sử dụng để chế tạo các loại chai lọ, một số loại túi có thể giặt khô, bao bì nhựa, túi gói bánh, báo giấy, thực phẩm đông lạnh hay hộp bìa giấy carton đựng sữa, các loại màng bọc thực phẩm. Đây là loại nhựa an toàn nhất và có thể đảm bảo tái sử dụng nhiều lần. 

Lời khuyên: An toàn để sử dụng

Số 5: Nhựa PP (polypropylene)

PGS.DS Pham Khanh Phong Lan giai thich cac ky hieu duoi day chai nuoc

Loại nhựa PP thường được sử dụng trong các hộp thực phẩm và dược phẩm. Bạn sẽ thấy số 5 và biểu tượng tái chế xuất hiện trên các hộp đựng như hộp sữa chua, chai tương cà, tương ớt hay thậm chí ống hút.

Nhựa PP có tính dẻo, dai, khả năng chịu nhiệt cao và không thể khử các chất hóa học. Do đó chúng thường được sử dụng để đựng các đồ ăn nóng. Đây là loại nhựa an toàn cho thực phẩm và đồ uống, có thể tái sử dụng nhiều lần.

Lời khuyên: An toàn để sử dụng

Số 6: Nhựa PS/PS-E (polystyrene/expanded polystyrene)

PGS.DS Pham Khanh Phong Lan giai thich cac ky hieu duoi day chai nuoc

Bạn thường thấy số 6 xuất hiện trên các hộp đựng thực phẩm, ví dụ như khay đựng trứng, đĩa nhựa, hộp đựng thức ăn dùng một lần. Ngoài ra, PS/PS-E cũng hay xuất hiện trên bao bì đựng dược phẩm, mũ bảo hiểm.

Đây không phải là loại nhựa an toàn để tái sử dụng, thậm chí chúng có thể thải ra chất độc hại khi gặp nhiệt độ cao.

Lời khuyên: Không nên sử dụng, nếu có dùng hãy tránh dùng gần nguồn nhiệt cao.

Số 7: Các loại nhựa khác

PGS.DS Pham Khanh Phong Lan giai thich cac ky hieu duoi day chai nuoc

Những chai nước lớn, chai đựng nước trái cây, chai đựng nước sốt cà chua, mắt kính, DVD, đĩa Blu-ray, nhiều vật dụng nhà cửa, xe hơi và thậm chí cả bình sữa cho trẻ nhỏ sẽ có số 7 ở dưới đáy chai.

Đây là loại nhựa hoặc hỗn hợp nhựa không thuộc các dạng trên. Những loại nhựa xếp vào số 7 này không nên sử dụng dưới dạng tái chế.

Lời khuyên: Không nên tái sử dụng bằng mọi cách.

PGS.DS Pham Khanh Phong Lan giai thich cac ky hieu duoi day chai nuoc

Cuối cùng, tốt nhất nên tránh sử dụng tất cả các loại nhựa nếu bạn có thể. Nhưng nếu dùng thì nên:

 Tránh các ký hiệu tái chế 3, 6 và 7; trong khi số 1 được coi là an toàn, tuy nhiên cũng nên hạn chế tái chế loại nhựa này và tránh tiếp xúc ở nhiệt độ cao.

 Tìm các ký hiệu 2, 4 và 5 để sử dụng vì các loại nhựa này được coi là an toàn.

Sản phẩm nhựa vẫn tiếp tục được sử dụng, nhưng bạn nên hạn chế dùng chúng. Thay vì mua một chai nước chứa đựng bằng nhựa, bạn nên chọn chai thủy tinh hoặc đầu tư hệ thống lọc nước chất lượng cao để đảm bảo nguồn nước sạch của gia đình. Cách này vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tránh gây hại cho môi trường.

Tùng Văn (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI