"Ôm" việc về nhà, dễ rối loạn tâm thần

28/06/2016 - 06:56

PNO - Tại TP.HCM, các bệnh viện (BV) thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị stress, mất ngủ, lo âu, trầm cảm vì áp lực công việc.

Tại Pháp, cứ 10 lao động thì có một người phải nhập viện do làm việc quá sức. Chính phủ Pháp vừa chính thức thông qua (cuối tháng 5/2016) “quyền ngắt kết nối”, buộc các công ty không được phép gửi email, tin nhắn, gọi điện “giao việc” cho người lao động (NLĐ) sau giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ. Bộ trưởng Y tế Pháp đã thành lập nhóm điều trị cho những người bị kiệt sức vì làm việc cả ngày lẫn đêm.

Nô lệ của công nghệ

Bác sĩ (BS) Trần Duy Tâm (BV Tâm thần TP.HCM) cho biết, có khoảng 5-20% bệnh nhân đến khám tại BV này bị stress, căng thẳng do áp lực công việc. Nhiều bệnh nhân bị “dính chặt” với công việc bởi thư điện tử, tin nhắn điện thoại, facebook. Người lao động trên thực tế đã rời công sở nhưng vẫn không thể bỏ lại công việc ở đó mà tiếp tục “ôm” điện thoại để theo dõi công việc. Các tin nhắn, email bủa vây cuộc sống riêng của NLĐ tới mức họ cảm thấy kiệt sức. Tình trạng này kéo dài đã khiến nhiều người bị stress, căng thẳng; đặc biệt, những người có tính hay lo càng dễ mắc bệnh.

Chị N.T.X.N. (28 tuổi, nhà ở Q.1) bị stress tái phát nhiều lần do áp lực công việc. Chị N. là người chỉn chu nên thường được cấp trên tin tưởng giao nhiều việc cùng lúc. Mỗi lần thống kê báo cáo tài chính hàng quý hoặc phải thuyết trình về tiềm năng của công ty trước khách hàng nước ngoài, chị N. lại thức đêm thức hôm để hoàn thành công việc. Đến BV tâm thần vì chứng căng thẳng, đau đầu, mất ngủ tái phát, chị N. “khai” với BS: “Bản thân rất cầu toàn nên tôi lo sếp sẽ thất vọng khi giao việc; mỗi lần gặp đối tác, sếp cứ khen tôi là có thể đảm nhiệm cùng lúc nhiều việc khác nhau mà không cần tuyển thêm nhân viên. Mỗi lần công ty xảy ra khủng hoảng hoặc phải chuẩn bị các chương trình để thu hút vốn, sếp thường gửi tin nhắn, email sau giờ làm hỏi thăm công việc. Thậm chí, khi sếp công tác ở nước ngoài cũng chát zalo hỏi tiến độ công việc. Vì “ôm” công việc về nhà nên vợ chồng tôi thường xuyên cãi nhau, tôi ít có thời gian chăm sóc gia đình. Việc nhiều đến nỗi tôi thức dậy sớm đi làm và dần dần bỏ luôn thói quen ăn sáng, có ăn cũng không ngon miệng”. Theo BS Trần Duy Tâm, chị N. bị stress nặng và có dấu hiệu suy kiệt.

Một bệnh nhân rối loạn giấc ngủ đang được điều trị tại BV Đại học Y Dược

Mỗi ngày, BV Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận từ 20 - 30 ca bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ; trong đó có 50 - 60% là nhân viên văn phòng. BS Trần Đình Hữu Hạnh (BV Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, BV vừa tiếp nhận nam bệnh nhân Đ.M.T. (30 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa) bị căng thẳng, mất ngủ sau một tháng gần như thức trắng để hoàn thành công việc cấp trên giao. Theo anh T., công ty anh có quá ít nhân viên nhưng việc rất nhiều nên hầu như ai cũng mất ngủ, căng thẳng. Một số người do thiếu ngủ, hoặc đầu óc cứ nghĩ đến công việc nên thường va quẹt xe khi lưu thông. Riêng anh T. mất ngủ trầm trọng, để đến được công ty an toàn, anh phải nhờ người nhà đưa đón. Thậm chí sau khi đã hoàn thành công việc, anh vẫn thường ngủ mơ thấy cấp trên giao việc.

BS Trần Đình Hữu Hạnh cho biết, anh T. từng bị trầm cảm nên khi gặp căng thẳng quá sức chịu đựng rất dễ tái phát bệnh. Dù được cơ quan cho nghỉ ngơi một tuần nhưng anh vẫn phải mở điện thoại kiểm tra email, tin nhắn giao việc từ công ty

"Vệ sinh" giấc ngủ trước 19g

BS Trần Duy Tâm phân tích: người bệnh bị căng thẳng, stress trong công việc thường được xếp vào nhóm sang chấn tâm thần. Người bệnh bị rối loạn thích ứng, biểu hiện dưới hai dạng lo âu và trầm cảm. Nếu lo âu do công việc, người bệnh sẽ luôn căng thẳng, lúc nào cũng lo lắng và chỉ nghĩ về công việc; toàn bộ cơ thể cũng sẽ bị rối loạn theo: hồi hộp, tim đập nhanh, căng cơ, ăn uống khó tiêu, mất tập trung, giảm chú ý và đặc biệt ngủ kém. Nếu bị trầm cảm, bệnh nhân trở nên chán nản, buồn rầu, ủ rũ, làm việc nhưng không đạt hiệu quả do thiếu tập trung, ngủ kém. Có một số bệnh nhân vừa mắc cả stress lẫn trầm cảm.

Ở những bệnh nhân bị căng thẳng do công việc, khoảng 30% sẽ ổn định hoàn toàn sau đó do cơ thể kiểm soát được cơn lốc công việc, thích ứng được với môi trường đó và không cần điều trị; 30% bệnh nhân sẽ phát bệnh lặp đi lặp lại sau mỗi lần gặp công việc quá tải; số còn lại lo âu thật sự, một số người có biểu hiện suy kiệt, chán nản, mệt mỏi thường xuyên.

Theo BS Trần Đình Hữu Hạnh, nhiều nghiên cứu y khoa ghi nhận, sau 19g, nếu vẫn làm việc thì những suy nghĩ về công việc sẽ dễ gây mất ngủ. Những người hay căng thẳng trong công việc sẽ mang những trăn trở về công việc vào giấc ngủ. Nếu mất ngủ trên ba tháng, người bệnh dễ chuyển từ trạng thái căng thẳng sang hội chứng lo âu. Người bệnh bị hồi hộp tim, dễ hoảng loạn, hụt hơi, cảm giác nặng ngực, nếu không điều trị, dễ dẫn đến trầm cảm và sẽ bị mất ngủ mạn tính.

Các BS khuyến cáo phải “vệ sinh” giấc ngủ để điều chỉnh trạng thái căng thẳng, mất ngủ. Sau 19g, không nên làm việc, không xem các thể loại phim ảnh mang tính kích động. Người bệnh có thể uống các loại thảo dược hoặc thuốc trị mất ngủ do BS kê cho từng dạng bệnh. Ngoài ra, người bệnh sẽ tập ngủ buổi tối bằng các phản xạ có điều kiện. Những thành viên trong gia đình bệnh nhân nên cùng nhau ngủ theo giờ cố định với người bệnh, tắt hết đèn. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là giải quyết nguyên nhân căng thẳng trong công việc.

Về phía các đơn vị sử dụng lao động, nên tôn trọng quyền riêng tư của NLĐ, không nên gửi email, tin nhắn, gọi điện cho NLĐ ngoài giờ, đặc biệt là những ngày nghỉ cuối tuần, kỳ nghỉ du lịch bên gia đình… để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống của công nhân viên.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI