Ồ ạt xét nghiệm sán dải heo: Dân không bình tĩnh hay bác sĩ ‘thích’ xét nghiệm?

22/03/2019 - 06:00

PNO - Những ngày gần đây, các chuyên gia về ký sinh trùng liên tục lên tiếng chỉ trích truyền thông gây hoang mang khiến người dân ở Bắc Ninh ồ đạt đưa con xét nghiệm. Nên trách ai?

Khi phát hiện Trường Mầm non Thanh Khương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nấu thịt heo có nhiều hạt nhỏ nghi ấu trùng sán nên bậc làm cha mẹ lo lắng đưa con về Hà Nội tìm bệnh hoàn toàn thông cảm và dễ hiểu.

O at xet nghiem san dai heo: Dan khong binh tinh hay bac si ‘thich’ xet nghiem?
Người dân Bắc Ninh đưa con đổ về Hà Nội xét nghiệm máu tìm sán dải heo

Nếu đứng vào vị trí của những người làm cha làm mẹ khi hay tin con mình là một trong hàng loạt nạn nhân của thực phẩm bẩn ở trường, liệu chúng ta có đủ bình tĩnh để con ở nhà?

Nếu chẳng may ấu trùng sán dải heo trú ngụ ở não, ở mắt… gây mù mắt, liệt nửa người thì ai sẽ chịu trách nhiệm về phần đời còn lại của con trẻ?

Điều quan trọng ở đây là những trẻ ở Bắc Ninh vừa ăn thịt heo nghi nhiễm bệnh thì 2 bệnh viện chuyên về ký sinh trùng hàng đầu tại Việt Nam – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hà Nội và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương đã vội công bố kết quả dương tính bằng xét nghiệm máu, trong khi bệnh sán dải heo chỉ được tìm thấy ở người sau vài tháng dùng thức ăn nhiễm bệnh.

Việc công bố có đến 57 trẻ mắc sán dải heo trong số 135 trẻ đến xét nghiệm đã khiến cộng đồng dậy sóng.

Ngay những ngày đầu tiên, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đăng ý kiến của nhiều chuyên gia phản biện cách xét nghiệm máu tìm sán dải heo từ các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.

 Xét nghiệm ELISA (xét nghiệm miễn dịch bằng cấy lấy máu của bệnh nhân) không phải là xét nghiệm dùng để chẩn đoán người bị nhiễm sán dải heo. Bởi bình thường người nhiễm sán chỉ có con sán trưởng thành nằm trong ruột chứ không có ấu trùng chui vào máu hay nang sán tại các cơ quan.

O at xet nghiem san dai heo: Dan khong binh tinh hay bac si ‘thich’ xet nghiem?
Nếu xét nghiệm Elisa cho kết quả dương tính với bệnh cũng chưa chắc trẻ đang mắc bệnh sán dải heo

Việc xét nghiệm Elisa tìm sán dải heo chỉ được cho chỉ định trên người mà lâm sàng khám thấy có các nang dưới da, trong cơ, hay siêu âm thấy có có các nang nghi nang sán có trong não, mắt, hay các cơ quan.

Ngoài ra thử nghiệm Elisa chẩn đoán bệnh cũng có khi cho ra trường hợp “mắc bệnh giả” vì sử dụng các kit không chất lượng.

Chẩn đoán người bị nhiễm sán dải heo chính xác, rẻ tiền là xét nghiệm phân để tìm trứng, đốt sán chứ không phải qua xét nghiệm máu tìm kháng thể. Và với những bệnh nhân có sán trưởng thành thì đốt sán tự chui qua phân sẽ thấy rõ bằng mắt thường mà không phải xét nghiệm. 

Đáng nói, những trẻ ở Bắc Ninh vừa ăn thịt heo nghi nhiễm bệnh thì 2 bệnh viện ở Hà Nội đã vội "phán" bệnh.

O at xet nghiem san dai heo: Dan khong binh tinh hay bac si ‘thich’ xet nghiem?
Cha mẹ bồng bế đưa con từ Bắc Ninh về Hà Nội xét nghiệm giun sán

ThS.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn – Chuyên gia về Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – phân tích: “Một xét nghiệm máu không thể trả lời người đó đang mắc bệnh sán dải hay không, nên thực hiện xét nghiệm máu này ngay từ ban đầu đã rất sai.

Để chẩn đoán đúng bệnh, bác sĩ cần thu thập nhiều thông tin từ người bệnh như: triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, quá trình bệnh, chẩn đoán hình ảnh, siêu âm… Và những trường hợp bác sĩ nghi ngờ người bệnh có thể mắc loại ký sinh trùng nào đó mới cho xét nghiệm máu, chứ không xét nghiệm đại trà, lãng phí”. 

Thử tính toán, xét nghiệm phân giá chỉ vài chục ngàn đồng, xét nghiệm máu khoảng 300.000 đồng cho một con ký sinh trùng cần tìm. Nếu muốn xét nghiệm 6-7 “con”, thì giá trên dưới 2 triệu đồng.

Chưa tính chi phí đi lại, tiền công khám, thì 2 bệnh viện ở Hà Nội đã bội thu với hơn 1.000 trẻ từ Bắc Ninh đến xét nghiệm. Bác sĩ cũng không thể viện cớ “để người dân an tâm nên xét nghiệm”.

O at xet nghiem san dai heo: Dan khong binh tinh hay bac si ‘thich’ xet nghiem?
Người dân các tỉnh thành cũng lo lắng và đổ đi xét nghiệm, hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng tăng khoảng 100 ca để yêu cầu xét nghiệm sán dải heo mỗi ngày.

Nếu bác sĩ không thực hiện xét nghiệm thì bệnh nhân cũng không thể tự mình lấy máu ra xét nghiệm!

Đáng buồn khi Bộ Y tế nhập cuộc trễ về vấn đề xét nghiệm. Sau khi nhiều chuyên gia lên tiếng, báo chí phản ảnh thì Bộ Y tế mới yêu cầu 2 bệnh viện báo cáo việc xét nghiệm sán dải heo.

Và đến ngày 21/3, Bộ Y tế mới gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo dừng việc lấy mẫu máu xét nghiệm Elisa bởi không thể khẳng định mắc bệnh sán dải heo dựa vào kết quả này.

Như vậy, việc xét nghiệm sai dẫn đến người dân hoang mang là lỗi của ngành y tế, chứ không phải lỗi ở cơ quan truyền thông!

 Phạm An – Anh Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI