Nửa đêm con than khó thở

15/05/2019 - 05:50

PNO - Trong điều trị hen suyễn, ngừa cơn chứ không được chờ lên cơn mới cắt. Bởi có quá nhiều câu chuyện, những ca tử vong tức tưởi cũng vì chờ lên cơn mới cắt.

Mới chớm hè đã có nhiều người lớn và trẻ em phải đến bệnh viện vì bị lên cơn suyễn (hen). Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, Giám đốc Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 - cho biết, mùa hè năm nào cũng gặp nhiều bệnh nhân lên cơn suyễn cấp. Vì bệnh suyễn trái mùa theo quan niệm dân gian, nên nhiều người thường bị nặng, có khi trở tay không kịp. 

Nua dem con than kho tho
Bệnh nhân khám suyễn ở Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Lên cơn suyễn nhanh như chớp

Sáng 13/5, chị Phan Thu Thủy đưa con gái Nguyễn Bảo T., 14 tuổi, ở Q.Gò Vấp đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, vì “gần đây T. hay bị khó thở, nhất là mấy hôm nay cháu hay đi bơi. Nửa đêm, cháu than bị khó thở nên gia đình rất lo sợ”. Bác sĩ Tuyết Lan hỏi thăm về bệnh sử, trong lúc người mẹ không giấu được lo âu: “Nếu con tôi bị suyễn thì không chữa hết phải không? Cháu không được chạy nhảy, tập thể dục nữa và phải uống thuốc lâu dài rất nguy hiểm phải không bác sĩ?”.

Sau hàng loạt câu hỏi của mẹ, T. đưa tay lên chặn ngực, hơi thở bắt đầu nặng. Sau đó, T. được chụp x-quang phổi, làm test hô hấp ký… Kết quả xác định T. bị hen suyễn. Bác sĩ Tuyết Lan giải thích: “Bệnh hen suyễn chỉ cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ sẽ kiểm soát được cơn hen và T. vẫn có cuộc sống bình thường, vui chơi, chạy nhảy, thậm chí chơi thể thao như vận động viên”.

Nhiều phụ huynh hiểu chưa đầy đủ về suyễn, dẫn đến hai thái cực: người lơ là không điều trị, người lúc nào cũng nghiêm trọng hóa tình trạng bệnh. Tuy bệnh hen suyễn chữa không dứt hẳn, nhưng cần khống chế, kiểm soát để không bị lên cơn suyễn sẽ rất nguy hiểm.

Còn cậu bé Lê Văn P., 9 tuổi, ở Q.7, vừa phải vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng vì lên cơn suyễn. P. bị suyễn hồi ba tuổi, hai năm qua không lên cơn suyễn, gia đình nghĩ cháu đã hết bệnh. Nhưng chỉ sau một trận T. đá banh rồi bị mắc mưa, nửa đêm đang ngủ, ho sặc sụa và lên cơn suyễn. Vì ở nhà không còn thuốc cắt cơn nên gia đình phải đưa vào bệnh viện.

Ngừa cơn chứ không chờ lên cơn mới cắt

Lâu nay, nhiều người quan niệm, mùa lạnh mới là mùa của bệnh suyễn, thế nhưng, bác sĩ Tuyết Lan cho biết: “Mùa hè đáng sợ với bệnh hen suyễn không thua mùa lạnh. Vì trời mưa nắng bất chợt; người lớn trẻ em tắm sông, tắm hồ nhiều bị nhiễm lạnh. Đặc biệt, hóa chất nước hồ bơi rất dễ kích ứng cơn suyễn.

Ngoài ra, mùa hè cũng là mùa vui chơi, vận động của trẻ em và trẻ bị hen suyễn vận động gắng sức rất dễ lên cơn”. Theo bác sĩ Tuyết Lan, gánh nặng của bệnh suyễn hiện rất lớn. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người chết vì bệnh suyễn, trong đó Việt Nam có khoảng 3.000 ca. 

Một trong những lý do khiến tăng gánh nặng bệnh suyễn là do bệnh nhân hay bỏ ngang điều trị. Có người thấy cơn hen suyễn tạm lui, nghĩ là hết bệnh, không tái khám, không dùng thuốc dự phòng đúng phác đồ. Có người bỏ điều trị vì cho rằng dùng thuốc xịt điều trị hen suyễn lâu ngày nguy hiểm (trong khi các chuyên gia khẳng định: thuốc điều trị suyễn hiện nay rất an toàn, kể cả cho thai phụ) nên chuyển qua điều trị bằng các bài thuốc dân gian.

Bác sĩ Tuyết Lan cho biết, đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân trở lại khám với tình trạng nặng hơn: đường thở chai, không còn độ đàn hồi do bỏ ngang điều trị để uống thuốc Nam, Bắc, cây cỏ, thổi thuốc tán, uống con kỳ đà, thằn lằn đốt thành tro tán nhuyễn… Thậm chí, không ít trường hợp bệnh nhân há miệng và bấm đuôi con thằn lằn sống cho chui tọt vào miệng để trị suyễn… Câu chuyện đau lòng của bé gái hai tuổi ở An Giang được cha mẹ cho nuốt thằn lằn sống dẫn đến tử vong cách đây hai năm vẫn không làm người dân sợ hãi.

Các thầy thuốc luôn giải thích, thuyết phục bệnh nhân là trong điều trị hen suyễn, ngừa cơn chứ không được chờ lên cơn mới cắt. Bởi có quá nhiều câu chuyện, những ca tử vong tức tưởi cũng vì chờ lên cơn mới cắt.

“Bệnh hen có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm hoặc người bệnh không thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ. Hen suyễn tuy không chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách sử dụng các loại thuốc thông qua các dụng cụ xịt định liều với liều lượng rất thấp”, bác sĩ Tuyết Lan nhắc nhở. 

Cách phòng tránh và hạn chế lên cơn suyễn

Không hút thuốc lá, kể cả thụ động, hạn chế bơi ở những hồ bơi có pha hóa chất nồng độ cao (có thể nhận biết bằng cách nghe mùi), tránh tiếp xúc phấn hoa, mùi nồng gắt, lông chó mèo, tránh các thức ăn gây dị ứng cho người bệnh, hạn chế hoạt động gắng sức. Chú ý giữ sức khỏe khi thời tiết thay đổi, vì nhiễm trùng hô hấp, cảm cúm dễ làm kích ứng cơn suyễn. Nên uống nước trái cây cam, chanh, quýt, bưởi và tập thể dục, phơi nắng sáng để tăng cường đề kháng.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI