Nữ bác sĩ nghe được sau 2 năm bị điếc do lây virus quai bị từ bệnh nhân

18/09/2018 - 14:00

PNO - Từ một người hát hay, năng nổ, bác sĩ Hoàng Thị Phương (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Hà Nội) đột ngột mất hoàn toàn thính lực vì nhiễm virus quai bị từ bệnh nhân.

Bác sĩ trẻ Hoàng Thị Phương (sinh năm 1988, quê Thanh Hóa) được đồng nghiệp tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ưu ái đặt cho biệt danh “nữ ca sĩ số 1 Viện 108”.

Nu bac si nghe duoc sau 2 nam bi diec do lay virus quai bi tu benh nhan
Bác sĩ Hoàng Thị Phương chia sẻ về những ngày tháng đen tối mà mình đã trải qua.

Không chỉ sở hữu giọng hát hay, bác sĩ Phương còn tích cực tham gia vào các hoạt động của cơ quan. Thế nhưng, năm 2016, tai họa đột ngột ập vào cuộc đời nữ bác sĩ trẻ.

Thời điểm ấy, bác sĩ Phương đang công tác tại khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong một lần khám bệnh, chị vô tình nhiễm virus từ một nam bệnh nhân mắc bệnh quai bị. Khởi điểm chỉ là một cơn sốt kèm theo triệu chứng đau mang tai. Sau 2 ngày, nữ bác sĩ rơi vào tình trạng bị điếc tai phải.

Ba ngày sau đó, bác sĩ Phương hoàn toàn ù đặc hai tai, mất hết mọi liên lạc âm thanh với thế giới bên ngoài.

Nu bac si nghe duoc sau 2 nam bi diec do lay virus quai bi tu benh nhan

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc - Phó Chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện 108 - cho biết, trường hợp bệnh nhân mắc quai bị gặp biến chứng mất thính lực hoàn toàn như bác sĩ Phương rất hiếm gặp, với tỷ lệ chỉ 1/10.000 ca.

Nhớ lại giai đoạn đen tối nhất mà mình trải qua, bác sĩ Hoàng Thị Phương chia sẻ, chị rơi vào hoảng loạn khi bỗng nhiên trở thành người tàn phế: “Không hẳn bị trầm cảm nhưng là khủng hoảng thực sự. Tôi buồn vô hạn, nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả”.

Từ một người vui vẻ, hoạt bát, chị đóng kín cửa phòng, hàng ngày giam mình trong bốn bức tường để tránh tiếp xúc, gặp gỡ bất cứ ai, ngay cả người thân trong gia đình.

Nghĩ đến tương lai, nghĩ đến con gái nhỏ chưa đầy 10 tháng tuổi, nữ bác sĩ trẻ chỉ biết ôm mặt khóc nức nở.

“Cảm giác một người mẹ mong chờ nhất là được nghe con gái bé nhỏ cất tiếng nói đầu đời gọi mẹ, với tôi, lúc đó cũng là một thứ xa xỉ, không bao giờ có thể với tới. Những cảm giác bất lực như thế cứ lần lượt hiện hữu trong tâm trí tôi”, chị Phương chia sẻ.

Vốn là người mạnh mẽ, không lâu sau “cú sốc cuộc đời” như cách gọi của bác sĩ Hoàng Thị Phương, chị bắt đầu gắng gượng để vực dậy. Bên cạnh gia đình, chồng và con gái nhỏ là nguồn động viên lớn nhất để chị có thể trở lại cuộc sống bình thường.

May mắn khi bố mẹ chồng và chồng đều làm ở Bệnh viện 108, nên bên cạnh tình thương, họ còn là những người đồng nghiệp tin cậy để làm chỗ dựa tinh thần cho nữ bác sĩ trẻ.

Nu bac si nghe duoc sau 2 nam bi diec do lay virus quai bi tu benh nhan
Ốc tai của bác sĩ Phương không thể tiếp nhận âm thanh sau khi bị lây virus quai bị.

Giống như những đứa trẻ phải học đi từ những bước đầu tiên, chị Phương bắt đầu tập đọc khẩu hình của người khác. Những câu nói khó, dài... đều phải được trao đổi qua giấy bút. Do không thể nghe được âm thanh từ thế giới bên ngoài nên bản thân chị bắt đầu mất phản xạ nói tự nhiên.

Qua 6 tháng, chị không hình dung được giọng nói của mình và trên thực tế, âm thanh ấy đã bị méo mó dần đi khi truyền đạt tới những người xung quanh.

Đó cũng là thời điểm, bác sĩ Phương quyết định sẽ cấy điện cực ốc tai điện tử với hy vọng trở lại cuộc sống bình thường, được nghe âm thanh bi bô tập nói của con gái nhỏ.

Tháng 10/2016, chị Phương thực hiện phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trở thành bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng kỹ thuật này. Sau khi cấy ốc vào tai phải, chị Phương vẫn chưa thể nghe được ngay mà mất một thời gian để làm quen với âm thanh, kiên trì rèn luyện kỹ năng tập nghe, nói. Gần một năm sau khi cấy ốc vào tai phải, chị tiếp tục được cấy nốt bên tai còn lại.

Không thể diễn tả được niềm vui của nữ bác sĩ trẻ khi lần đầu được kết nối trở lại với thế giới âm thanh, được nghe tiếng nói của những người thân bên cạnh. “Thời khắc ấy, tôi và bố mẹ, chồng đều òa khóc vì quá sung sướng, hạnh phúc. Ngay sau đó, tôi trở về nhà thật nhanh. Lần đầu tiên nghe được tiếng nói của con gái, tôi chỉ biết ôm chầm lấy con khóc nức nở”.

Tuy nhiên, ngay cả khi nghe được âm thanh trở lại, chị Phương cũng chưa thể nói như người bình thường. Do bản thân mất đi hoàn toàn tín hiệu âm thanh hơn nửa năm ròng nên chị phải bắt đầu tập nói, tập đánh vần từng từ như một đứa trẻ.

Chị học nói từ những người xung quanh, những người thường xuyên tiếp xúc. Đó chính là lý do vì sao, đến thời điểm hiện tại, bác sĩ Phương đã mất hoàn toàn chất giọng ban đầu, thay vào đó, chị lại nói giọng miền Trung khiến nhiều người đối diện bất ngờ.

Nu bac si nghe duoc sau 2 nam bi diec do lay virus quai bi tu benh nhan
Niềm vui, hạnh phúc đã trở lại với nữ bác sĩ trẻ sau 2 năm chiến đấu với bệnh tật.

Hai năm kể từ ngày mất đi thính lực, hiện bác sĩ Hoàng Thị Phương vẫn đang tiếp tục rèn luyện để thực sự hoàn thiện kỹ năng nghe, nói của mình. Nhưng trong đôi mắt của vị bác sĩ ấy lấp lánh niềm vui, hạnh phúc.

Chị bảo, muốn chia sẻ câu chuyện của mình để có thêm nhiều người khiếm khuyết như mình có cơ hội “bước sang một trang mới”. Bởi chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu được những đau khổ, hy vọng, bối rối mà họ đã trải qua.

Có lẽ cũng vì thế mà khi quay lại với công việc, bác sĩ Hoàng Thị Phương đã lựa chọn làm việc với tư cách của một chuyên viên thính học. Chị cùng đồng nghiệp tiếp tục học hỏi và ứng dụng công nghệ này trong việc điều trị bệnh điếc cho các bệnh nhân kém may mắn.

Ngày 12/9 vừa qua, nữ bác sĩ này trực tiếp giúp nữ bệnh nhân N.B.N., 20 tuổi, bị điếc bẩm sinh trở lại với cuộc sống bình thường.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI