Những nguyên nhân có thể khiến bạn cảm thấy đắng miệng

17/03/2018 - 15:30

PNO - Vị đắng, khó chịu trong miệng là phản ứng bình thường đối với việc ăn thức ăn cay hoặc chua. Tuy nhiên, khi vị đắng kéo dài trong một thời gian dài hoặc xảy ra bất ngờ, đó có thể do các nguyên nhân sâu xa hơn.

Vị đắng là một cảm giác phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm vệ sinh răng miệng kém, khô miệng, hoặc mang thai. Để khắc phục tình trạng đắng miệng, mọi người cần điều trị các vấn đề sức khỏe cơ bản, đồng thời thực hiện một số biện pháp khắc phục tại nhà đơn giản. 

Dấu hiệu và triệu chứng

Vị lạ dai dẳng trong miệng là dấu hiệu của chứng rối loạn vị giác - dysgeusia. Hương vị này khá khó chịu và tồn tại lâu dài cho đến khi khắc phục dứt điểm nguyên nhân khởi phát. Các bệnh nhân thường miêu tả cảm giác lạ ở miệng là đắng, có mùi kim loại, hôi, mặn. 

Nhung nguyen nhan co the khien ban cam thay dang mieng
Vị đắng khó chịu ở miệng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề khác nhau

Nguyên nhân

Nhiều nguyên nhân gây đắng trong miệng không làm tổn hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, các triệu chứng khiến bạn khó chịu và ảnh hưởng đến chế độ ăn uống thường ngày. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp của chứng rối loạn vị giác.

- Khô miệng: chứng khô miệng (xerostomia), xảy ra khi miệng không sản xuất đủ nước bọt do ảnh hưởng từ thuốc men, sử dụng thuốc lá, hoặc phải thở bằng miệng vì nghẹt mũi. Chứng khô miệng hình thành điều kiện tốt cho vi khuẩn sinh sôi, tạo cảm giác đắng.

- Các vấn đề về nha khoa: vệ sinh răng miệng kém cũng có thể gây ra vị đắng miệng, sâu răng, nhiễm trùng miệng và bệnh nướu răng. Dù vậy, chúng ta dễ dàng phòng tránh nhiều vấn đề nha khoa thông thường bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.

- Mang thai: vị đắng hoặc vị kim loại trong miệng là dấu hiệu phổ biến trong ba tháng đầu của thai kỳ, khi cơ thể cố gắng thích nghi với sự thay đổi của hormone.

- Mãn kinh: phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh cũng có thể cảm thấy vị đắng trong miệng. Điều này có thể là do lượng estrogen thấp trong cơ thể dẫn đến tình trạng khô miệng thứ phát.

Nhung nguyen nhan co the khien ban cam thay dang mieng
 

- Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): triệu chứng xảy ra khi cơ hoặc cơ vòng ở phía trên dạ dày trở nên yếu, khiến a-xít hoặc dịch mật chảy ngược lên ống thực quản. GERD có xu hướng gây cảm giác nóng rát ở ngực, bụng; đồng thời mang lại vị hôi hoặc đắng trong miệng.

- Căng thẳng và lo lắng: mức căng thẳng và lo lắng cao có thể kích thích phản ứng stress trong cơ thể, từ đó làm thay đổi cảm giác vị giác, khô miệng.

- Dược phẩm và thuốc bổ sung: trong một số trường hợp, các loại thuốc, chất bổ sung hoặc phương pháp điều trị y tế có thể gây ra vị đắng miệng. Điều này là do các hóa chất trong thuốc hòa lẫn vào nước bọt.

- Bệnh lý: một số căn bệnh, bao gồm nhiễm trùng xoang hoặc cảm lạnh, có thể đi kèm với vị đắng 
trong miệng.

- Điều trị ung thư: bệnh nhân đang trải qua quá trình điều trị ung thư dễ cảm thấy nhạt miệng khi ăn uống. Mặt khác, hóa trị và xạ trị có thể gây kích thích vị giác ở một số người, khiến ngay cả những món ăn bình thường như bánh mì nướng hoặc nước lọc, cũng có vị đắng khó chịu.

Điều trị và biện pháp khắc phục tại nhà

Điều trị vị đắng trong miệng cần bắt đầu từ nguyên nhân gây rối loạn vị giác. Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp xoa dịu vị đắng ở miệng, trong thời gian chờ đợi giải pháp lâu dài. Sau đây là một số biện pháp tiêu biểu:

- Chăm sóc răng miệng thường xuyên, chẳng hạn như đánh răng, dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn.

- Nhai kẹo cao su không đường để tăng tiết nước bọt.

- Uống nhiều nước.

- Tránh các yếu tố nguy cơ trào ngược a-xít như ăn thực phẩm chua hoặc cay; đồng thời giảm hoặc ngưng sử dụng thuốc lá, rượu bia.

- Rửa miệng bằng dung dịch một muỗng cà phê baking soda pha vào 200ml nước.

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI