Những đứa trẻ bị ruồng bỏ

23/06/2017 - 13:30

PNO - Tồn tại mong manh kể từ khi còn là bào thai, vừa chào đời đã bị cha mẹ đem giấu… nhiều em bé bị chối bỏ oan ức như thế chỉ vì định kiến.

Thai phụ được bác sĩ (BS) và điều dưỡng mời vào phòng tư vấn. Người gầy rộc, xanh xao trong chiếc váy bầu, vừa đi vừa sụt sùi khóc, đôi bờ vai chị rung lên sau mỗi tiếng nấc.

Chị là T.P.T. (27 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) mang thai con đầu lòng 22 tuần. Phải mất khoảng 15 phút, chị mới tạm bình tĩnh, dằn lòng kể câu chuyện của mình.

Nhung dua tre bi ruong bo
Một ca được phẫu thuật sứt môi hở vòm thành công.


Cách nay hai tuần, khi siêu âm thai, chị T. và gia đình được thông báo em bé bị sứt môi hở vòm. Chị cùng chồng đến một số bệnh viện có chuyên khoa sản trên địa bàn thành phố để siêu âm lại, hy vọng BS nhầm nhưng kết quả đều giống nhau. Tuy không khuyên chị bỏ thai nhưng các BS siêu âm đều ái ngại, lắc đầu nói “khe hở dị tật khá lớn”. 

Chị T. nức nở: “Em và chồng đã kể tình hình em bé với gia đình hai bên. Mẹ chồng em đề nghị bỏ thai. Bà bảo, nếu đẻ ra, em bé bị tật như thế là làm khổ cả mình và nó. Bé sau này lớn lên chịu điều tiếng dị nghị, khó hòa nhập xã hội. Thai đã lớn thế này rồi mà nỡ nào bắt em bỏ cháu”. 

Nhung dua tre bi ruong bo
Em bé này bị sứt môi hở vòm, sau ca phẫu thuật đã hồi phục và hòa nhập tốt.


Mới đây, kết quả siêu âm cho thấy khe hở có chiều hướng rộng thêm. Mẹ chồng chị T. khuyên: “Nếu thai to ra phòng khám tư phá bỏ, thậm chí  có thể về quê phá thai chứ không thể tiếp tục thai kỳ như thế”.

Trong lúc bối rối, chị T. được các BS sản khuyên nên đến khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 để được tư vấn, bởi đây là nơi dẫn đầu phía Nam về các ca phẫu thuật sứt môi hở vòm. 

Xem hồ sơ bệnh án của thai phụ, BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt cho biết, em bé không có bệnh lý hiểm nghèo đi kèm nên không chỉ định bỏ thai. “Sứt môi hở vòm là dị tật bẩm sinh nhẹ nhất.

Nhiều bé sau khi sinh ra đã được phẫu thuật và hoàn toàn lành lặn trở lại. Khe hở dị tật sẽ rộng ra tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của bào thai. Chuyện khe hở rộng hay hẹp không ảnh hưởng tới ca phẫu thuật sau này”, BS Đẩu chia sẻ. 

BS Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt quay lại phòng, lắc đầu chia sẻ với chúng tôi: “Thật đau lòng, chỉ vì định kiến xã hội mà biết bao thai nhi bị chấm dứt sự sống một cách oan uổng. Người mẹ mang thai đứa con sứt môi hở vòm phải chịu áp lực bắt bỏ thai từ chính những người thân”.

Nhung dua tre bi ruong bo
 

Bé trai tên P.V.K. nay đã năm tuổi. K. là cháu nội của một gia đình giàu có ở Cần Thơ. Bố mẹ cậu bé lập nghiệp tại TP.HCM. Lúc mang thai, biết con mắc dị tật sứt môi, lo sợ ảnh hưởng tới “danh tiếng” của ông nội nên bố mẹ K. giấu tiệt.

Thậm chí khi chuyển dạ, hai vợ chồng cũng không dám thông báo cho họ hàng hai bên. Sau này chỉ điện về báo là đã sinh em bé. Ông bà hai bên lên thăm, bố mẹ phải đem K. đi giấu. Kéo dài suốt ba tháng trời, cho tới khi K. đủ sức khỏe phẫu thuật, môi miệng lành lặn, bố mẹ cậu bé mới dám bế cháu đích tôn về quê ra mắt.

Trường hợp của cậu bé K. dù sao vẫn còn may mắn vì có đủ bố mẹ chăm sóc. BS Hằng rớm nước mắt, thương cảm cho bà mẹ trẻ 18 tuổi, quê Tây Ninh. D. được chồng đưa vào bệnh viện sinh con.

Thấy cháu bé bị sứt môi, mặt người chồng đổi sắc. Ông bố đã quay lưng bỏ đi, không bao giờ trở lại. D. còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm chăm con, em bé lại không thể bú được như những trẻ em bình thường, các BS của Bệnh viện Từ Dũ đã đề nghị khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Nhi Đồng 1 trợ giúp.

BS Hằng đã phải nhờ một điều dưỡng của khoa đến tận nhà, hướng dẫn bà mẹ trẻ cách cho con bú. Tới khi em bé nặng trên 5kg mới có thể tiến hành phẫu thuật. 

Có không ít bi kịch gia đình bị áp lực vì định kiến xã hội. Đưa vợ đến khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1, người chồng nắm tay BS òa khóc. Anh mong được giữ lại thai, bởi anh bị hiếm muộn, gần như không có khả năng sinh con.

Chạy chữa nhiều năm, “ông trời mới chiều lòng, cho mụn con”, nhưng bị tật sứt môi hở vòm. Biết cháu bị tật, bà nội bắt bỏ thai. Nếu không được BS tư vấn, khẳng định dị tật này chữa được, có lẽ họ đã dứt ruột bỏ đi giọt máu mà phải chắt chiu mới có thể tượng hình. 

Dị tật sứt môi hở vòm, không chỉ định bỏ thai

Sứt môi hở vòm là dị tật bẩm sinh nhẹ và hoàn toàn có thể phẫu thuật sửa chữa. Dị tật này thường được phát hiện khi thai nhi ở tuần thứ 20-22. Không có chỉ định bỏ thai với các trường hợp sứt môi hở vòm, trừ khi em bé mắc bệnh lý nguy hiểm đi kèm. 

Chỉ định bỏ thai do hội đồng chuyên môn quyết định. BS siêu âm không nên đưa ra các nhận định mang tính chất gợi ý cho thai phụ hướng tới quyết định bỏ thai. 

Khi phát hiện ra thai bị dị tật nói trên, BS sản khoa sẽ khuyên người mẹ cách chăm sóc thai kỳ và theo dõi các dấu hiệu. Sau khi sinh, chờ cho em bé đạt trọng lượng trên 5kg sẽ được chuyển qua chuyên khoa răng hàm mặt để tiến hành phẫu thuật chỉnh sửa. 

Nguyên nhân gây ra dị tật sứt môi hở vòm ở em bé có thể do di truyền, do bệnh lý nhiễm trùng, mẹ trong thời gian mang thai làm việc ở môi trường có nhiệt độ quá cao… Do cấu trúc môi miệng bị dị tật, đa số bệnh nhi không thể bú mẹ theo cách thông thường mà cần có bình sữa chuyên dụng hỗ trợ. 

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM


Mỗi tháng, khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tư vấn cho gần 10 thai phụ có ý định bỏ thai vì dị tật sứt môi hở vòm. Ước tính mỗi năm Việt Nam có từ 2.000-3.000 trẻ sứt môi hở vòm chào đời.

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM phẫu thuật miễn phí cho từ bảy-tám bé bị sứt môi hở vòm. Từ năm 2009 đến nay, bệnh viện này đã góp phần tìm lại nụ cười cho hơn 5.000 em bé. 

BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI