Ngộ nhận 'chết người' khi xử lý ngộ độc thuốc tê

19/10/2018 - 06:57

PNO - Dù mới được ban hành, thông tư 51/2017/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ đã gây ra luồng dư luận mạnh mẽ trong cộng đồng ngành y.

Theo đó, thông tư 51 không phân biệt giữa ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ, ghép chung hai hiện tượng vật lý khác nhau vào chung một phác đồ điều trị, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh…

Cụ thể, điểm d, khoản 2 trong hướng dẫn xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt (mục I phụ lục IV) của thông tư 51 có viết: “Một số thuốc gây tê là những hoạt chất ưa mỡ (lipophilic) có độc tính cao khi vào cơ thể gây nên tình trạng ngộ độc nặng giống như phản vệ có thể tử vong trong vài phút, cần phải điều trị cấp cứu bằng thuốc kháng độc (nhũ dịch lipid) kết hợp với adrenalin vì không thể biết được ngay cơ chế phản ứng là nguyên nhân ngộ độc hay dị ứng”. 

Theo một bác sĩ đầu ngành về gây mê hồi sức tại TP.HCM, bản chất ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ do thuốc tê gây ra là hai hiện tượng vật lý hoàn toàn khác nhau nên không thể lập lờ, sử dụng chung một phác đồ điều trị. Cụ thể, nếu sốc phản vệ do thuốc tê gây ra, sử dụng adrenalin được xem là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu cứu sống bệnh nhân. Trong khi đó, ngộ độc thuốc tê được điều trị bằng nhũ dịch lipid 20%. 

Ngo nhan 'chet nguoi' khi xu ly ngo doc thuoc te
 

Nếu ngộ độc thuốc tê xử lý theo phác đồ của sốc phản vệ thì hậu quả vô cùng trầm trọng. Khi ngộ độc thuốc tê, thuốc tê sẽ gắn vào tế bào cơ tim, làm giảm khả năng sản sinh năng lượng cho tim hoạt động. Nếu đưa adrenalin liều cao như xử trí sốc phản vệ vào sẽ làm cho cơ tim kiệt quệ và khả năng phục hồi càng ít. Điều này dẫn tới nguy cơ tim ngừng đập và bệnh nhân tử vong sau khi xử trí. Ngược lại, sử dụng nhũ dịch lipid sớm sẽ làm cơ tim được giải phóng khỏi thuốc tê nên sẽ làm tim hoạt động trở lại dễ dàng hơn. Hiện nay, tại Mỹ đã đưa ra hai phác đồ riêng biệt. Một là phác đồ chống sốc phản vệ và một là ngộ độc thuốc tê. Việc thông tư 51 chưa cập nhật, chưa có hướng dẫn phân biệt, đồng thời “cộng lộn” hai vấn đề này lại với nhau sẽ khiến các bác sĩ rơi vào “ma trận” khi xử lý…

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, vấn đề đáng lo ngại là có sự ngộ nhận về “sốc phản vệ thuốc tê” trong chính ngành y, nhất là những bác sĩ không thuộc chuyên ngành gây mê hồi sức. “Hầu hết khi sự cố liên quan tới thuốc tê gây ra, người ta đều hướng cách xử trí theo sốc phản vệ thuốc tê. Nhưng thực sự, thuốc tê rất hiếm gây ra tình trạng phản ứng phản vệ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh “sốc phản vệ thuốc tê” rất hiếm gặp hoặc thực sự không có. Việc ngộ nhận này có thể dẫn tới sử dụng phác đồ điều trị sai, gây hậu quả nghiêm trọng”, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Tại hội nghị “Ngộ độc thuốc tê, thuốc mê và cấp cứu sốc phản vệ” do phân hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Hà Nội tổ chức giữa tháng Mười qua, các chuyên gia đã đề nghị Hội Gây mê hồi sức Việt Nam nhanh chóng ra phác đồ chẩn đoán và xử trí ngộ độc thuốc tê, kiến nghị tách riêng xử trí ngộ độc thuốc tê ra khỏi phác đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ theo thông tư 51 của Bộ Y tế.

Trả lời Báo Phụ nữ TP.HCM, ông Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức cho biết, cách đây vài tháng, hội đã ghi nhận ý kiến đóng góp liên quan đến thông tư 51. Ông Thắng cho biết, đang chuẩn bị mở cuộc họp lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Sau khi thống nhất, hội sẽ có kiến nghị cụ thể lên Bộ Y tế. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI